“Cao thủ trí nhớ” ghi nhớ, đọc dãy 300 số trong 15 phút
Đó là khả năng “siêu phàm” mà anh Nguyễn Phùng Phong (34 tuổi) đã làm được, vượt qua cả thử thách của cuộc thi “Hành trình tìm kiếm cao thủ trí nhớ tại Việt Nam” khi mà cuộc thi này chưa chính thức diễn ra.
Chiều 24.6, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam – Vietkings vừa công bố cuộc thi “Hành trình tìm kiếm cao thủ trí nhớ tại Việt Nam”. Cuộc thi cũng đồng thời là cơ hội để người tham gia được xác lập kỷ lục theo 3 hạng mục và các tiêu chí cụ thể. Những người có trí nhớ “siêu phàm” đang tập trung ghi nhớ những con số. Ông Lê Trần Trường An – Giám đốc Tổ chức Kỷ lục Việt Nam cho biết thêm, quán quân trong cuộc thi sẽ được sang Ấn Độ để du đấu với các kỷ lục gia của đất nước 1,2 tỉ dân này. “Chúng tôi đã gửi thư tới Tổ chức Kỷ lục Ấn Độ như một lời thách đấu, và luật thi đấu sẽ do nước bạn lựa chọn. Chúng tôi hy vọng đến năm 2016, Việt Nam sẽ có cao thủ trí nhớ được vinh danh kỷ lục thế giới”, ông An chia sẻ. Nhớ dãy số, thông tin quốc gia hoặc niên lịch Theo quy định của cuộc thi, người tham gia sẽ có ba lựa chọn trình diễn khả năng ghi nhớ. Cách thứ nhất, người chơi cần phải nhớ, đọc ngược và đọc xuôi một dãy 50 con số không theo thứ tự trong thời gian ngắn nhất. Cách thứ hai, người chơi phải nói được thông tin của các quốc gia khi xem hình quốc kỳ ngẫu nhiên, bao gồm tên quốc gia, thủ đô, diện tích. Bảng xếp hạng sẽ theo thứ tự những ai nhớ được thông tin của nhiều quốc gia nhất và trong thời gian ngắn nhất. Cách thứ ba khó hơn khi người tham gia cuộc thi phải ghi nhớ thông tin niên lịch. Ban tổ chức sẽ cho sẵn ngày, tháng, năm theo niên lịch, rồi người chơi phải tính thứ trong tuần trong thời gian ngắn nhất. Tuy nhiên, ở trên chỉ là một số tiêu chí cơ bản để công nhận cao thủ trí nhớ Việt Nam. Để đạt được Kỷ lục Việt Nam thì cao thủ trí nhớ phải đọc xuôi, đọc ngược được một dãy số gồm 300 con số từ 0 đến 9, xếp theo thứ tự ngẫu nhiên, trong thời gian ngắn nhất. Kỷ lục này sẽ được xác lập theo hai tiêu chí là “nhiều nhất” và “nhanh nhất”. Vietkings cho biết, cuộc thi dành cho mọi công dân Việt Nam đang học tập, làm việc, sinh sống trong nước và kiều bào Việt Nam tại nước ngoài, không giới hạn lứa tuổi, thành phần, dân tộc, nghề nghiệp. Thời gian dự kiến bắt đầu tổ chức cuộc thi là vào tháng 7.2015. Ghi nhớ và đọc 300 con số trong 15 phút Ngay trong buổi họp báo cuộc thi, nhiều nhân vật do ban tổ chức lựa chọn ban đầu đã trực tiếp trình diễn khả năng ghi nhớ dãy 50 con số, sau đó tăng lên dãy 300 con số do các phóng viên đưa ra. Theo đó, ở phần ghi nhớ 50 con số, rất nhiều người đã thực hiện được, thậm chí đọc xuôi lẫn đọc ngược. Tuy nhiên, ở phần ghi nhớ dãy 300 con số thì chỉ còn 3 người tự tin đọc được. Mặc dù vậy, hai người trong số này cần tới 1 giờ đồng hồ để ghi nhớ, trong khi đó nhân vật nam còn lại chỉ cần 15 phút. “Tôi có thể, nhưng tôi xin 15 phút trong tình trạng yên lặng”, nhân vật này nói trong sự tự tin. Sau 15 phút tất cả mọi người đều giữ im lặng trong sự hồi hộp, thì nhân vật nam này – anh Nguyễn Phùng Phong (34 tuổi) đã trình diễn ngay trước hàng chục ống kính máy quay, máy ảnh. Mặc dù phải bỏ qua con số thứ 99 và 100, nhưng tất cả mọi con số còn lại đều được anh Phong đọc một cách rất lưu loát theo đúng thứ tự. Kết thúc màn trình diễn, tiếng pháo tay đã vang lên và nhiều người phải thốt lên: “Thật không thể tin được!”. Anh Nguyễn Phùng Phong có khả năng ghi nhớ và đọc được dãy 300 con số. Nói về cách thực hiện một điều gần như không thể tin được, anh Phong cho hay, anh đã mã hóa các con số thành hình ảnh để dễ dàng ghi nhớ. “Cố nhớ các con số sẽ rất nhức đầu. Thay vào đó, tôi nhìn dãy số như một bức tranh. Trong đó có cả hình ảnh của một cô gái, con heo hay con bò,…”, anh Phong nói. Dãy 300 số ngẫu nhiên mà anh Phong phải ghi nhớ và đọc theo đúng thứ tự. Video anh Phong nghi nhớ, đọc dãy 300 số trong 15 phút: Bấm SUBSCRIBE ngay để chia sẻ video này trên youtube:
Chia sẻ riêng với PV Dân Việt, anh Nhâm Kiếm Quỳnh, 32 tuổi, giảng viên Đại học Mỏ Địa chất Hà Nội cho biết, anh đã luyện khả năng ghi nhớ 50 con số trong khoảng 30 ngày. Trong đó, 2 ngày đầu là những lý thuyết về trí não và sức khỏe, 28 ngày còn lại anh dành cho việc luyện tập. Việc luyện tập được anh thực hiện khoảng 30 phút mỗi buổi sáng và buổi tối hằng ngày. Anh Nhâm Kiếm Quỳnh đã đọc lưu loát dãy 50 số, và cho biết có thể đọc được dãy 100 con số nếu được học trong 15 phút. Có thể tăng quy định lên 500 con số và kèm chữ cái Trước màn trình diễn ấn tượng của anh Phong cũng như nhiều người khác, đại diện ban tổ chức cho biết, có thể sẽ tăng độ khó của thử thách lên 500 con số ngẫu nhiên, thậm chí bao gồm cả số và chữ. Đồng thời, ông Lê Trần Trường An đã cung cấp thêm một số thông tin về kỷ lục gia trí nhớ trên thế giới. Cụ thể, năm 2011 đã có người ghi nhớ được 2.816 con số trong 60 phút, còn năm 2014 là 1.800 số trong 20 phút. Trong chương trình này, Trung tâm huấn luyện và Đào tạo năng lực não bộ và cơ thể Bimeco sẽ hướng dẫn những người tham gia cách khai phá sức mạnh của não bộ thông qua các buổi tập huấn. Đại diện Bimeco cho biết, chương trình tập huấn của đơn vị này sẽ là các phương pháp, kỹ thuật của Tiến sĩ Biswaroop Roy Chowdhury. Ông Biswaroop Roy Chowdhury sinh ra và lớn lên tại Ấn Độ, tốt nghiệp Kỹ sư ngành Chế tạo tại Đại học Kỹ thuật Punjab (Ấn Độ). Ông là người nắm giữ kỷ lục thế giới về chống đẩy cơ bắp khi thực hiện 198 pha chống đẩy trong vòng 1 phút, đánh bại kỷ lục gia thế giới người Canada tên Roy Berger. Ông Chowdhury còn nắm giữ kỷ lục thế giới thứ hai, đó là về trí nhớ. Ông từng vượt qua kỷ lục gia người Đức tên Michaela Buchvaldova khi nhắc lại được 14 ngày sinh bất kỳ trong 2 phút. Hiện ông đang là Tổng Giám đốc Tổ chức Kỷ lục châu Á và đã viết 25 cuốn sách về khả năng ghi nhớ, tinh thần, cơ thể, như “Phương pháp ghi nhớ năng động không thể và có thể”. |
Theo 24H