Cảnh sát cấp cao của Hồng Kông đã bị “tước vũ khí”?
Nội bộ chính phủ Hồng Kông đã bắt đầu xuất hiện những rạn nứt rõ ràng, giữa các bộ phận ngày càng xuất hiện nhiều ý kiến bất đồng, thậm chí cấp dưới còn lên tiếng khiển trách cấp trên, đặc biệt là trong lực lượng cảnh sát Hồng Kông.
Lưu Tế Lương- Cựu cố vấn chính sách Trung ương của Hồng Kông, bình luận viên thời sự lâu năm, tiết lộ với Thời báo Đại Kỷ Nguyên (Epoch Times) rằng, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã thâm nhập vào Công đoàn cảnh sát Hồng Kông, bao gồm các tổ chức ‘thân cộng’ trong Hiệp hội chăm sóc thanh niên Hồng Kông, đã dùng một số tiền rất lớn để mua chuộc cảnh sát. Cảnh sát Hồng Kông đã biến thành cảnh sát của ĐCSTQ, các quan chức cấp cao của cảnh sát đã bị uy hiếp và mất đi quyền lực.
Kể từ khi phong trào phản đối dự luật dẫn độ nổ ra ở Hồng Kông, cảnh sát đã dùng bạo lực đàn áp dữ dội những người biểu tình và khiến tình hình trở nên ngày càng tồi tệ hơn. Lưu Tế Lương nói rằng, tình hình hiện tại ở Hồng Kông là do sự bạo lực của cảnh sát tạo thành, cảnh sát sử dụng bạo lực ở tiền tuyến, ăn nói thô lỗ, hoàn toàn là hình tượng của lưu manh.
Ông tiết lộ lý do cảnh sát trắng trợn, hống hách như vậy, là bởi vì thế lực chính trị của ĐCSTQ đã thâm nhập vào Công đoàn cảnh sát, khống chế cảnh sát cấp trung và cấp dưới, các sĩ quan cảnh sát cấp cao đều bị cảnh sát cấp trung và cấp dưới uy hiếp.
Lưu Tế Lương nói rằng, trước năm 1997, cần có một tổ chức đoàn thể đàm phán tiền lương và đãi ngộ của cảnh sát, bởi vậy mới có sự tồn tại của Công đoàn cảnh sát và cũng không để nó tham gia chính trị. Nhưng bây giờ, Công đoàn cảnh sát liên tục hoạt động mạnh mẽ trong lĩnh vực chính trị, có không ít tổ chức thân cộng đã quyên góp cho cảnh sát một số tiền kếch xù, chỉ Hiệp hội chăm sóc thanh niên Hồng Kông đã góp được mấy trăm ngàn. Điều này hoàn toàn không có quy củ, dưới thời cai trị của nước Anh, cảnh sát hoàng gia sẽ không cho phép những chuyện như thế này xảy ra.
Lưu Tế Lương cho rằng, khi Công đoàn cảnh sát trở thành một công cụ chính trị, cảnh sát Hồng Kông chắc chắn sẽ trở thành công an của ĐCSTQ. Trước đây, cảnh sát Hồng Kông là một công chức, bây giờ đã không còn là công chức nữa, trên thực tế cảnh sát trưởng đã mất đi quyền kiểm soát đối với đội cảnh sát, tức là bị cấp dưới chiếm quyền.
Ông lấy ví dụ, Lưu Trạch Cơ chỉ là cảnh sát trưởng đội cảnh sát cơ động Hồng Kông, lại có thể khiêu chiến với Trưởng Đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga. Ngoài ra còn có một người chỉ là Chủ tịch Hiệp hội sĩ quan cảnh sát cấp tá cũng có thể mắng mỏ hiệu trưởng trường đại học, đến nỗi Bộ trưởng Bộ Giáo dục Dương Nhuận Hùng và Tổng thư ký hành chính cũng không thể nói nên lời.
Lưu Tế Lương chỉ ra, sự thay đổi của cảnh sát Hồng Kông bắt đầu từ vụ việc của Lâm Tuệ Tư. Ngày 14/7/2013, giáo sư Lâm Tuệ Tư bất mãn với Hiệp hội chăm sóc thanh niên Hồng Kông – tổ chức ngầm của ĐCSTQ đã quấy rối các học viên Pháp Luân Công trên đường phố ở Vượng Giác (Mong Kok), thấy chuyện bất bình bà đã lên tiếng khiển trách. Cảnh sát tại hiện trường không chỉ nhắm mắt làm ngơ trước sự quấy rối của Hiệp hội chăm sóc thanh niên Hồng Kông, mà còn yêu cầu Lâm Tuệ Tư rời khỏi, điều này hiển nhiên là trái với chức năng cơ bản của cảnh sát.
Kể từ đó, các thế lực chính trị đằng sau còn biết mượn một số sự kiện, như “Cách mạng ô dù”, “vụ việc Tằng Kiện Siêu”… để khuyến khích Công đoàn cảnh sát, còn có cả mời khách ăn cơm, hoạt động quan hệ công chúng, hoạt động giải trí… để lôi kéo công đoàn cảnh sát về phía bọn họ, chứ không phải lôi kéo tổng giám đốc, phó giám đốc điều hành và một số quan chức cấp cao của sở cảnh sát.
Lưu Tế Lương nói rằng, gần đây có tin đồn cảnh sát Hồng Kông cấp tá (nhân viên cảnh vụ sơ cấp, bao gồm cảnh sát trưởng đồn cảnh sát, cảnh sát trưởng, cảnh sát cấp cao và sĩ quan cảnh sát) mua có chiết khấu đất đai Đại lục, bất động sản kinh doanh tại khu Đại Loan. Truyền thông nên điều tra việc này, nếu thực sự như vậy, chứng minh việc toàn bộ cảnh sát bị chính trị thao túng cũng không phải bắt đầu từ phong trào phản đối dự luật dẫn độ.
Khi nói về những thay đổi trong tương lai ở Hồng Kông, Lưu Tế Lương phân tích, các thủ đoạn mà ĐCSTQ áp dụng với Hồng Kông có thể là khác nhau, bộ phận nào có ảnh hưởng lớn đến việc xử lý vấn đề Hồng Kông thì con đường của bộ phận đó có ưu thế áp đảo.
Nếu như công an quốc an của ĐCSTQ nhúng tay vào các vấn đề Hồng Kông, “đánh” là khuynh hướng tất nhiên; các bộ phận khác, chẳng hạn như các quan chức của Bộ Ngoại giao, có thể sẽ cố gắng xoa dịu cục diện. Bây giờ Công an quốc an hoặc Ủy ban Chính trị Pháp luật Trung ương có tiếng nói tương đối lớn, vì vậy tình trạng trấn áp trong các tháng 8, 9 và 10 rất dữ dội.
Ông nói rằng, con đường tả khuynh độc hại này, ngày nào chưa được diệt trừ, Hồng Kông sẽ không giành lại được sự quản trị bình thường và các vấn đề khác sẽ phát sinh. Điều đó có nghĩa là, nếu như một nhân vật chính trị như Trương Hiểu Minh không từ chức hoặc không đổi đi nơi khác, thì việc thay đổi Trưởng Đặc khu cũng chỉ là vô ích.
Lưu Tế Lương nói rằng, ĐCSTQ cũng có dấu hiệu muốn hòa hoãn tình hình ở Hồng Kông, ví dụ như ĐCSTQ hy vọng Hội nghị Đặc khu vào tháng 11 vẫn được tiến hành như bình thường. Vốn dĩ phải loại trừ rất nhiều người phe Dân chủ, nhưng cuối cùng chỉ loại Hoàng Chi Phong. Việc này cho thấy ĐCSTQ hy vọng cuộc bầu cử ở Đặc khu được tiến hành thuận lợi, dồn sự chú ý vào cuộc bầu cử này, từ đó làm lắng lại những cuộc biểu tình trên đường phố.
Ông cũng nói rằng rằng Lâm Trịnh Nguyệt Nga có thể sẽ từ chức vào cuối năm nay. Lâm Trịnh cho biết trước đó rằng Hội đồng Khiếu nại Cảnh sát Độc lập sẽ nộp báo cáo cuối năm, đồng thời bà cũng nói rằng mình ủng hộ đội cảnh sát chứ không phải là hỗ trợ mù quáng.
Lưu Tế Lương cho rằng “đây là một việc đáng chú ý”, nhưng hành động lần này của Lâm Trịnh sẽ khiến cho Lưu Trạch Cơ và những cảnh sát cấp trung và cấp dưới khác phẫn nộ. Hiện tại, Hội đồng Khiếu nại Cảnh sát Độc lập đã biểu thị rằng họ sẽ xử lý sự việc 21/7 và 31/8, nếu Hội đồng Khiếu nại Cảnh sát Độc lập đề nghị thành lập một ủy ban điều tra độc lập, đó cũng không phải là Lâm Trịnh đang bán đứng đội cảnh sát, mà do Hội đồng Khiếu nại Cảnh sát Độc lập chịu trách nhiệm. Đến cuối năm, khi giải quyết xong 2 việc này thì Lâm Trịnh cũng từ chức được rồi.
Gia Hưng (Theo NTDTV)