Cảnh báo: Nhiều người xét nghiệm đến lần thứ 3 mới phát hiện nhiễm Covid-19
Thời gian vừa qua, có nhiều trường hợp bị nhiễm Covid-19 nhưng phải xét nghiệm lại lần 2, lần 3 mới cho kết quả dương tính, khiến các nhà chức trách và người dân lo lắng về những ca bệnh đang tiềm ẩn trong cộng đồng…
Việt Nam chính thức bước sang giai đoạn 2 của cuộc chiến chống Covid-19 từ ngày 25/7, tính đến ngày 13/8 đã ghi nhận 883 ca nhiễm, 18 ca tử vong. Theo thống kê, chỉ trong vòng 15 ngày, số lượng bệnh nhân Covid-19 trong giai đoạn mới đã nhiều hơn tổng số bệnh nhân trong 6 tháng trước đó.
Đáng lưu ý, trong những ngày qua ghi nhận rất nhiều trường hợp từng có ít nhất 2 lần xét nghiệm PCR âm tính trước khi phát hiện ra mắc Covid-19.
“Bệnh nhân 669”, L.Đ.N., 50 tuổi là bác sĩ khoa Ung bướu, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, là chồng của bệnh nhân 595. Ngày 19/7, ông N. cùng vợ ra Đà Nẵng thăm bố vợ tại BV Đà Nẵng. Ngày hôm sau, ông quay lại Đồng Nai làm việc tại bệnh viện bình thường, còn vợ ở lại Bệnh viện Đà Nẵng đến ngày 27/7 mới về nhà.
Khi biết tin tất cả những người từng lui tới Bệnh viện Đà Nẵng phải tự cách ly, từ ngày 25/7, ông N. ở nhà. Ngày 27/7, ông vào Bệnh viện đa khoa Đồng Nai lấy mẫu xét nghiệm Realtime RT-PCR (PCR) cho kết quả âm tính, sau đó về nhà tự cách ly đến ngày 31/7.
Ngày 1/8, sau khi phát hiện chị vợ (bệnh nhân 510) dương tính, hai vợ chồng ông N. tiếp tục vào Bệnh viện đa khoa Đồng Nai xét nghiệm. Bệnh viện đã lấy mẫu và gửi đến 3 cơ sở y tế trên địa bàn đề nghị xét nghiệm.
Kết quả, vợ ông N. dương tính, được chuyển ngay đến Bệnh viện Phổi Đồng Nai điều trị, riêng ông N. vẫn âm tính. Đến ngày 3/8, ông N. được lấy mẫu xét nghiệm lần 3 mới cho ra kết quả dương tính với nCoV.
“Bệnh nhân 812”, 63 tuổi ở Phú Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội, nhân viên giao hàng Pizza ở quận Cầu Giấy. Về tiền sử dịch tễ, bệnh nhân làm cùng cửa hàng bánh Pizza với bệnh nhân 447, có tiếp xúc gần với bệnh nhân 447 (bệnh nhân 447 có kết quả dương tính vào ngày 28/7).
Ngày 29/7 bệnh nhân được Trung tâm y tế Bắc Từ Liêm lấy mẫu xét nghiệm PCR lần 1 có kết quả âm tính, được chuyển đến cách ly tại Bệnh viện Công an Thành phố. Ngày 3/8, bệnh nhân có biểu hiện sốt, mệt mỏi được chuyển đến Bệnh viện Thanh Nhàn cách ly điều trị.
Ngày 4/8, Bệnh viện Thanh Nhàn lấy mẫu xét nghiệm PCR lần 2 và cũng cho kết quả âm tính. Tuy nhiên, ngày 7/8 khi các triệu chứng bệnh tăng lên, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm lần 3 gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC), ngày 8/8 cho kết quả khẳng định mắc Covid-19.
“Bệnh nhân 870” 35 tuổi, trú Quảng Nam, đi làm công trình xây dựng tại Đà Nẵng. Anh đưa bố vào khám và nhập viện tại Khoa Nội thận – Nội tiết, Bệnh viện Đà Nẵng. Thời điểm này, Bệnh viện Đà Nẵng đã cách ly y tế, chỉ nhận bệnh nhân cấp cứu. Ông sau đó được ghi nhận là “bệnh nhân 478”.
Trong các ngày 28 và 31/7, anh được lấy mẫu xét nghiệm dịch hầu họng khi đi cách ly và đều nhận kết quả âm tính. Đến ngày 11/8, anh được lấy mẫu xét nghiệm lần ba, cho kết quả dương tính với nCoV.
“Bệnh nhân 875″, 26 tuổi, trú đường Nguyễn Lương Bằng, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng, là sinh viên thực tập tại Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Đà Nẵng.
Trong thời gian thực tập, từ ngày 15 đến 24/7, cô này tiếp xúc với hai nhân viên tại khoa Y học cổ truyền. Hai nhân viên sau khi được lấy mẫu xét nghiệm đã bị dương tính với nCoV, là “bệnh nhân 435” và “bệnh nhân 574”.
Trong thời gian tự cách ly, sinh viên thực tập đã ghé nhà mẹ ruột ở chung cư Mẹ Hiền (quận Thanh Khê), nhà bố mẹ chồng ở đường Phạm Như Xương (quận Liên Chiểu), và tiếp xúc với những người trong gia đình.
Ngày 3/8, người này được lấy mẫu xét nghiệm dịch hầu họng, nhận kết quả âm tính, sau đó được chuyển đi cách ly tập trung. Ngày 8/8, xét nghiệm lần hai vẫn âm tính. Đến ngày 11/8, xét nghiệm lần ba cho kết quả dương tính với nCoV.
Trước đó, nam bác sĩ Khoa Hồi sức chống độc (Bệnh viện Đà Nẵng) là “bệnh nhân 852”, cũng hai lần đầu xét nghiệm có kết quả âm tính, vào các ngày 26/7, 3/8. Đến ngày 9/8, khi xuất hiện triệu chứng sốt nhẹ, anh được lấy mẫu lần ba và dương tính với nCoV.
Trong quá trình cách ly tại bệnh viện (từ 26/7), anh trực tiếp thăm khám cho bốn bệnh nhân nCoV, là “bệnh nhân 429, 430, 422 và 423”. Ngoài ra, bác sĩ 40 tuổi còn tham gia vận chuyển nhiều bệnh nhân mắc Covid-19 đi cấp cứu ở Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện đa khoa Bắc Quảng Nam.
Cũng trong số ca được Bộ Y tế công bố chiều 12/8, nữ “bệnh nhân 874”, 56 tuổi (nhà ở K105 đường Ngô Gia Tự, quận Hải Châu), từng nhiều lần đi chợ Cồn – ngôi chợ lớn và nhộn nhịp nhất trung tâm Đà Nẵng.
Cuối tháng 6, bà vào Trung tâm Y tế quận Hải Châu chăm con dâu. Vào khoảng 6h sáng các ngày từ 1 đến 4/8, bà đi chợ Cồn, cách nhà vài trăm mét để mua thức ăn. Ngoài ra bà còn ghé chợ Cây Me (không nhớ rõ thời gian) sau đó về nhà.
Ngày 5/8, bà được đưa đi cách ly tập trung tại đường Thanh Sơn (quận Hải Châu). Hôm sau, bà được lấy mẫu xét nghiệm dịch hầu họng lần một, kết quả âm tính. Đến ngày 10/8, bệnh nhân lấy mẫu xét nghiệm lần hai, bị dương tính.
Lý giải nguyên nhân của tình trạng này, PGS TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình huống như vậy.
Đầu tiên là khi bệnh nhân bị nhiễm Covid-19 nhưng virus chưa nhân lên đủ để cho kết quả dương tính. Phải cần một thời gian để kết quả xét nghiệm cho dương tính. Đây là lý do vì sao khuyến cáo người có nguy cơ nhiễm Covid-19 phải cách ly đủ 14 ngày.
Nguyên nhân thứ hai, PGS. TS Nguyễn Huy Nga cho rằng có thể do khi lấy mẫu không chuẩn. Theo đó, người lấy mẫu không lấy được dịch có chứa virus. Nguyên nhân cuối cùng có thể là do hóa chất và trang thiết bị xét nghiệm.
PGS. TS Nguyễn Huy Nga khuyến cáo người dân, đặc biệt đối với những trường hợp được chỉ định xét nghiệm PCR, dù cho kết quả âm tính vẫn phải cách ly 14 ngày sau khi tiếp xúc gần với bệnh nhân, tránh để cho virus âm thầm lây lan trong cộng đồng.
Gia Hưng (t/h)