Căn phòng bí ẩn bên trong tượng Nhân Sư và sự mờ ám của giới chức trách
Tượng Nhân Sư ở Giza là một trong những bức tượng thu hút sự chú ý nhất của Ai Cập cổ đại. Những khám phá mới đã hé lộ ngày càng nhiều câu trả lời cho những “câu đố của Nhân Sư”, nhưng dường như các nhà chức trách Ai Cập lại có ý đồ khác…
Năm 1935, Ai Cập vẫn là điểm đến hấp dẫn nhất đối với những nhà khảo cổ học, nơi mà vào ngày 04/11/1922, nhà Ai Cập học người Anh Howard Carter đã tìm ra ngôi mộ của Tutankhamun – vốn đã nằm nguyên vẹn ở đó trong hơn 3000 năm qua. Tuy nhiên, hiện tại người ta đang chú ý tới một nền văn minh bí ẩn mà những dấu tích vẫn lưu lại cả bên trên và bên dưới lớp cát của cao nguyên Giza.
Khai quật thành phố cổ đã mất tại Ai Cập
Tin tức về một “thành phố bí mật” trở thành đề tài nóng hổi của các hãng thông tấn trên thế giới trong tuần đầu của tháng 3/1935. Cho đến tháng 7 năm đó, nhiều thứ đã được tìm thấy và tờ Sunday Express (Anh) đã đăng tải một bài viết của tác giả Edward Armytage, người vừa trở về từ Ai Cập. Ông đã theo dõi cuộc khai quật một thành phố Ai Cập cổ đại được cho là có niên đại 4000 năm.
Nhưng sau đó là sự im lặng, như thể các nhà Ai Cập học đã không còn chút quan tâm nào về đô thị ngầm tuyệt vời dưới mặt đất này.
Tất cả các báo cáo trong những năm tiếp theo đều tập trung vào các lăng mộ của hoàng hậu và các căn hầm dưới nền lăng mộ trong khoảng thời gian của Triều đại thứ 24, cuối năm 732 TCN đến 716 TCN.
Thật lạ lùng khi một khám phá to lớn về cả một thành phố ngầm có niên đại ít nhất 4.000 năm lại bị bỏ qua hoàn toàn để nhường chỗ cho một vương triều sau này mà chẳng mấy ai chú ý tới.
Phủ nhận những khám phá trước đó
Câu chuyện trên đã xảy ra khoảng 80 năm trước và hiện nay chúng ta lại chạm trán với một “bức tường đá” tương tự, một cựu Bộ trưởng khảo cổ, ông Zahi Hawass – người từng nắm quyền tối cao đối với mọi cổ vật ở Ai Cập. Ông đã giữ vị trí đó cho đến cuộc cách mạng Ai Cập năm 2011 lật đổ chế độ của Hosni Mubarak.
Sự chuyên quyền của Hawass đã gây ra nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, ông ta hiện vẫn còn nhúng tay vào mọi chuyện. Người ta đã viết nhiều về ông với biệt danh “Indiana Jones” của Ai Cập, người có thể chuyển tâm trạng từ tươi cười sang đỏ mặt tức giận nếu ai đó dám đặt một câu hỏi khó. Đặc điểm tính cách này của ông đã được đề cập chi tiết trong cuốn sách của Robert Bauval và Ahmed Osman với tựa đề “Breaking the Mirror of Heaven” (tạm dịch: Phá gương của Trời).
Tuy nhiên, tính cách đó không thể hoàn toàn giải thích vì sao Zahi Hawass lại luôn công khai tuyên bố rằng, dưới chân tượng Nhân Sư không có gì cả, không có bất cứ đường hầm hay căn phòng nào, trong khi lại có nhiều bức hình cho thấy chính ông đang đi xuống một đường hầm từ đầu và phía sau thân của tượng Nhân Sư.
Liệu rằng chúng ta nên phải quên đi hoàn toàn những gì mình đã thấy nhiều lần, và chấp nhận sự phủ nhận đó mà không có bất cứ thắc mắc nào khác?
Chứng cứ một đằng, tuyên bố một nẻo
Rõ ràng, ông Hawass đã bác bỏ sự thật về các đường hầm ẩn dưới cao nguyên Giza và các căn phòng dưới tượng Nhân Sư, chỉ khăng khăng rằng không thể nhìn sâu hơn, rằng các căn phòng đã bị chặn hoặc ngập đầy nước. Tuy nhiên, một bức ảnh đã cho thấy có đường hầm đi xuống từ đằng sau tượng Nhân Sư và mặt sàn căn hầm đó khá khô ráo.
Chúng ta biết rằng Hawass đã leo xuống bằng thang từ lối vào phía sau của tượng Nhân Sư, vào trong một căn phòng tối ở tầng giữa và thậm chí sau đó ông còn đi xuống một căn phòng khác mà dường như đang chứa một quan tài lớn bằng đá ngập đầy nước, những cảnh quay đều được ghi lại trong một phóng sự tài liệu của kênh truyền hình Fox (Mỹ). Thật khó có thể tưởng tượng được sau đó ông ta lại phủ nhận tất cả những gì bản thân đã làm.
Cái lỗ trên đỉnh đầu của tượng Nhân Sư
Vào khoảng năm 1798, Vivan Denon đã vẽ một bức tranh tượng Nhân Sư, mặc dù chất lượng của nó không tốt lắm. Tuy nhiên, trong bức vẽ này có một chi tiết rất đáng chú ý, đó là, có một người được kéo ra từ cái lỗ trên đỉnh đầu của tượng Nhân Sư.
Một bản vẽ phác thảo khó có thể được sử dụng làm chứng cứ, nhưng trong những năm 1920, một bức ảnh chụp từ khinh khí cầu đã cho thấy thực sự có một lỗ hở trên đỉnh đầu của tượng Nhân Sư.
Bí ẩn phần đầu của tượng Nhân Sư
Có vẻ như đầu của tượng Nhân Sư được làm từ các loại vật liệu và màu sắc khác so với phần thân – vốn được đẽo ra từ đá vôi khuyên khối trên cao nguyên Giza. Qua thời gian đằng đẵng, phần đầu và mặt của tượng hẳn phải bị xói mòn nặng nề như phần thân, vậy mà nó lại chẳng có mấy vết tích xói mòn.
Đầu và mặt của tượng Nhân Sư đã có sự thay đổi hình dạng so với ban đầu sau khi công trình đồ sộ này được điêu khắc lần đầu tiên. Hai bên phần đầu khá nhẵn mịn và chúng ta chỉ cần nhìn lướt qua là có thể thấy màu sắc ở phần thân sáng hơn so với phần đầu của tượng.
Trong cuốn sách “The Secret in The Bible” (tạm dịch: Bí mật trong Kinh Thánh) của Tony Bushby, trên một cột trụ bị vỡ của người Sumer có nêu một câu chuyện đã xảy ra ở Giza liên quan đến một con thú đầu sư tử với một đường hầm ẩn giấu trong cát.
Mọi chứng cứ bây giờ đều chỉ ra rằng phần của thân tượng Nhân Sư đã được tạc ra từ đá tự nhiên và bị xói mòn bởi những trận mưa lớn thời sa mạc Sahara còn xanh tốt. Điều đó giúp chúng ta tính ra được niên đại xây dựng bức tượng – trùng với khoảng thời gian mà Robert Bauval và Robert Schoch đã tính toán cho 3 Đại kim tự tháp, tức là vào khoảng năm 10.450 TCN.
Có 2 tượng Nhân Sư?
Đã có nhiều bản phác thảo cổ về cao nguyên Giza (từ Gisa trong tiếng Ai Cập cổ nghĩa là “đục đẽo đá”), ví dụ bản năm 1665 cho thấy có 2 cái đầu nhân sư nhô ra khỏi cát, một cái dường như là đầu phụ nữ.
Người Ai Cập cổ đại thường dùng 2 con sư tử chạm khắc gọi là Akerw. Chúng đứng cạnh lối vào để bảo vệ cổng trời, và như vậy cái gò ở gần tượng Nhân sư ngày nay rất có thể đang che giấu một bức tượng khác.
Bạn sẽ nghĩ, hẳn các nhà chức trách Ai Cập hẳn sẽ rất hứng thú với ý tưởng này, tuy nhiên theo một nguồn đáng tin cậy thì Hawass và Mark Lehner không muốn nghe và cũng chẳng đoái hoài gì tới giả thuyết trên.
Gerry Cannon, đồng tác giả của quyển sách “The Giza Plateau Secrets and a Second Sphinx Revealed” (tạm dịch: Vén màn bí ẩn cao nguyên Giza và tượng Nhân Sư thứ hai) đã xác định và đo lường gò đất này.
Ông liên lạc với người ở một viện nghiên cứu nổi tiếng ở Cairo có thiết bị dò tìm các vật thể bị chôn vùi dưới cát. Người này đã nộp đơn xin phép khai quật gò đất lên Hội đồng cổ vật tối cao nhưng không nhận được phản hồi. Thực tế là, không một ai khác được cấp giấy phép điều tra phần gò đất nơi có thể khai quật bức tượng Nhân Sư thứ 2. Nhà chức trách Ai Cập hẳn có một động cơ nào đó để làm như vậy!
Tại sao lại từ chối?
Tại sao hai nhà Ai Cập học nói trên (Hawass và Mark Lehner) lại luôn tránh xa đề xuất rằng chúng ta đã bỏ sót điều gì đó ở Giza trong nhiều thế kỷ? Có phải họ không muốn để lộ ra một điều gì đó bên dưới gò đất? Thật không hợp lý khi có kẻ lại bác bỏ các cuộc thăm dò hay thậm chí đơn giản là một bức ảnh chụp từ trên không, mà có thể dẫn đến việc khám phá ra một kỳ quan khác của thế giới, có thể thu hút thêm hàng ngàn du khách tới Ai Cập. Họ thậm chí còn không thừa nhận rằng chính họ đã từng khảo sát gò đất đó.
Một vài năm trước, Zahi Hawass đã gặp Hiệp hội Báo chí nước ngoài tại Cairo để bày tỏ nỗi thất vọng của mình với một nhóm các nhà khoa học giả danh, những người đã thông qua truyền hình và các phương tiện khác can thiệp thái quá đến mức trở thành mối đe dọa. Rõ ràng, ông đã lo lắng rằng một cuộc phỏng vấn của đài NBC (Mỹ) sẽ hỗ trợ và quảng bá các ý tưởng mới. Ông Hawass cho rằng, điều đó chỉ đơn thuần là để trục lợi cá nhân mà thôi.
Ông đã nói thẳng trong một tuyên bố: “Tôi muốn nói về những điều không có ý nghĩa gì cả”.
Sự thất vọng gia tăng của ông được thể hiện bằng việc coi những người này là “những thằng ngốc về Kim Tự Tháp” – những người có quan điểm khác xa với cộng đồng khoa học có uy tín.
“Họ nói về những cuộc khai quật bí mật… đang diễn ra xung quanh tượng Nhân Sư và không được tiết lộ. Điều này chắc chắn không phải như vậy”.
Zahi Hawass không chỉ là một diễn viên lớn và có lẽ là người có kiến thức nhất trên thế giới về Ai Cập cổ đại, ông còn đóng góp nhiều cho việc quảng bá du lịch đất nước ông. Tuy nhiên, ông dường như có một kế hoạch riêng để giữ nguyên nhận thức chung về lịch sử Ai Cập cổ đại, bất chấp có bao nhiêu phát hiện mới mâu thuẫn với những gì giới hàn lâm cho là “đúng sự thật”.
Theo Trithucvn