Cảm xúc tích cực và tiêu cực ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?
Người tích cực nhận thức rõ về suy nghĩ, cảm xúc và hành động của mình. Họ học được cách đối phó với những căng thẳng và khó khăn như 1 phần bình thường của cuộc sống. Họ cảm thấy thoải mái về bản thân mình và có những mối quan hệ lành mạnh.
Bạn có biết cảm xúc tích cực và tiêu cực ảnh hưởng đến sức khỏe của mình như thế nào không? Hãy cùng xem video dưới đây để rõ hơn nhé!
Tuy nhiên có rất nhiều vấn đề trong cuộc sống có thể ảnh hưởng đến trạng thái tâm lý và làm bạn cảm thấy buồn bã, lo lắng, căng thẳng, ví dụ như: bị đuổi việc, người thân qua đời, kết hôn hoặc li dị…
Những thay đổi tốt đôi khi cũng làm bạn căng thẳng không kém những thay đổi xấu.
Cảm xúc ảnh hưởng đến sức khoẻ của bạn như thế nào?
Cơ thể phản ứng tuỳ theo những hành động, cảm xúc và suy nghĩ của bạn. Hiện tượng này thường được gọi là sự liên kết giữa thể chất và tinh thần. Khi bạn buồn bã, căng thẳng hay lo lắng, cơ thể bạn sẽ tìm cách báo hiệu là có gì đó bất ổn đang xảy ra. Ví dụ sau một sự kiện căng thẳng như có người thân qua đời, bạn thường dễ bị cao huyết áp hay đau dạ dày (bao tử). Những triệu chứng sau đây cho thấy trạng thái tâm lý của bạn không cân bằng: Đau lưng, chán ăn, nhức đầu, cao huyết áp, mất ngủ, chóng mặt, tim đập mạnh…
Trạng thái tâm lý kém có thể làm suy giảm hệ thống miễn dịch, khiến bạn dễ bị cảm lạnh và nhiễm trùng trong những giai đoạn tâm lý không ổn định. Ngoài ra, khi bạn đang căng thẳng, lo lắng và buồn chán, bạn thường không để ý chăm sóc tốt cho sức khoẻ của bản thân. Bạn không muốn tập thể thao, ăn uống đủ chất hay uống thuốc mà bác sĩ cho. Việc nghiện thuốc lá, rượu hay ma tuý cũng có thể là biểu hiện của trạng thái tâm lý không khỏe mạnh.
Làm cách nào để cải thiện trạng thái tâm lý không ổn định?
Đầu tiên, cố gắng nhận biết cảm xúc của mình và tại sao bạn có những cảm xúc đó. Phân loại nguyên nhân của những sự căng thẳng, buồn chán hay lo lắng trong cuộc sống có thể giúp bạn quản lý tốt hơn sức khoẻ cảm xúc của mình. Sau đây là một số lời khuyên hữu ích:
1. Thể hiện cảm xúc bằng những cách phù hợp
Nếu những cảm xúc căng thẳng, buồn chán và lo lắng ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của bạn, việc bạn tìm cách giữ chúng trong lòng có thể làm bạn cảm thấy tệ hơn. Hãy để người thân biết có chuyện đang quấy rầy bạn. Tuy nhiên, gia đình hay bạn bè có thể không biết cách để giúp bạn đối mặt với những cảm xúc này môt cách đúng đắn.
2. Cân bằng cuộc sống
Đừng để những vấn đề về học hành, công việc hay gia đình ám ảnh và dẫn đến những cảm xúc tiêu cực. Điều này không có nghĩa là bạn phải giả bộ vui vẻ khi bạn đang cảm thấy căng thẳng, lo lắng hay buồn chán. Việc đối phó với những cảm xúc tiêu cực là quan trọng, nhưng bạn cũng nên tập trung vào những mặt tích cực của cuộc sống. Bạn có thể viết nhật ký để ghi lại những việc làm cho bạn thấy an lành và hạnh phúc. Nghiên cứu cho thấy một cách nhìn mọi việc theo hướng tích cực có thể cải thiện chất lượng cuộc sống và sức khoẻ của bạn. Bạn cũng cần tìm cách buông xả những thứ trong cuộc sống làm cho bạn căng thẳng và kiệt sức. Dành thời gian để làm những việc bạn yêu thích.
3. Tập tính kiên cường
Những người có bản lĩnh kiên cường có thể đương đầu với căng thẳng một cách hiệu quả và lành mạnh. Có nhiều cách để học và củng cố bản lĩnh như mở rộng các mối quan hệ xã hội, suy nghĩ tích cực về bản thân, chấp nhận thay đổi và có cái nhìn khách quan về mọi việc.
4. Trấn tĩnh đầu óc và cơ thể
Những phương pháp thư giãn như thiền rất hữu ích trong việc cân bằng cảm xúc. Thiền là môt dạng suy nghĩ có định hướng.
5. Chăm sóc bản thân
Để có sức khoẻ tâm lý tốt, bạn cần chăm sóc tốt cơ thể bằng cách thường xuyên ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc và tập thể thao để để giải toả căng thẳng. Tránh việc an uống quá độ hay nghiện rượu và chất kích thích.
Theo Yhoccongdong