Cấm uống rượu bia trước và trong khi lái xe chính thức có hiệu lực từ 1/1/2020
Đề xuất bổ sung quy định người điều khiển phương tiện giao thông không được uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông vào Luật Phòng, chống tác hại rượu bia đã được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực kể từ 1/1/2020.
Sáng 4/7, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về một số luật vừa được Quốc hội thông qua, trong đó có Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia gồm 7 chương 36 điều, sẽ có hiệu lực từ 1/1/2020.
Cấm uống rượu bia trước và trong khi lái xe
Đáng chú ý, luật quy định 13 hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia như: Nghiêm cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; nghiêm cấm cán bộ, công chức, sĩ quan, quân nhân, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ ngơi giữa giờ làm việc, học tập; nghiêm cấm điều khiển phương tiện giao thông bao gồm cả xe máy mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn…
Luật này cũng nêu rõ 7 địa điểm không được uống rượu, bia là các địa điểm công cộng mà việc sử dụng rượu, bia có thể tác động đến cộng đồng, ảnh hưởng trực tiếp đến các nhóm đối tượng cần được bảo vệ như người dưới 18 tuổi, người bệnh, học sinh, sinh viên và làm chất lượng lao động ảnh hưởng theo…
Chia sẻ với phóng viên, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, việc xây dựng, ban hành luật này là một yêu cầu cấp thiểt để góp phần hạn chế gánh nặng do tác hại của rượu, bia gây ra đối với cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội, bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước.
Video: Giật mình tỷ lệ tai nạn giao thông do rượu bia. (Nguồn: VTC1)
Kiểm soát chặt chẽ quảng cáo rượu bia dưới 15 độ
Để bảo đảm quan điểm nhất quán của luật về quản lý toàn diện đối với rượu, bia, khắc phục khoảng trống của pháp luật hiện hành đối với bia, ngoài việc quy định cấm quảng cáo rượu từ 15 độ trở lên, luật bổ sung thêm biện pháp kiểm soát quảng cáo đối với rượu, bia dưới 15 độ.
Tuy nhiên, việc này có phân chia mức độ kiểm soát khác nhau tương ứng với nồng độ cồn trong sản phẩm (dưới 5,5 độ, từ 5,5 đến dưới 15 độ) và các quy định để phòng ngừa trẻ em, học sinh, sinh viên tiếp cận sớm với rượu, bia, hạn chế việc thúc đẩy sử dụng rượu, bia.
Trao đổi với phóng viên về quy định ‘đã uống rượu bia thì không lái xe’ được thông qua trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia nhưng trong Luật giao thông đường bộ lại quy định người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn mới bị xử lý, Thứ trưởng Trương Quốc Cường cho biết sắp tới sẽ có sự điều chỉnh bộ luật này.
“Để bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật liên quan đến phòng, chống tác hại của rượu, bia, tới đây quy định của Luật Giao thông đường bộ, Luật Thương mại sẽ được sửa đổi, bổ sung”, công Cường cho hay.
Vũ Tuấn (t/h)