Cấm câu cá cho… có !
Trong khi chính quyền và các tổ chức từ thiện, các nhà hảo tâm ra sức thả cá xuống các dòng kênh xanh ở TP.HCM với mong muốn nhanh chóng “làm sống lại” cảnh quan môi trường thì một số người kém ý thức lại thản nhiên câu cá, bất chấp lệnh cấm.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, từ sáng sớm tới tối khuya, trên đường Trường Sa – Hoàng Sa dọc hai bờ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè (thuộc các quận 1, 3, Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh) lúc nào cũng có hàng trăm người câu cá, bất chấp những tấm biển cấm câu cá.
Câu ăn không hết thì bán
Một người tên Thịnh (ngụ Q.Tân Bình) đang câu 2 cần, bên cạnh là xô đựng khá nhiều cá rô, trê, điêu hồng… khoe: “Tôi câu ở đây lâu lắm rồi. Đoạn này cá nhiều, đặc biệt có cá lớn. Lần nào đi câu cũng có cá mang về ăn. Có hôm câu được nhiều thì bán lại cho người đi đường, mỗi con cá to cũng được vài chục ngàn đồng”.
“Chính quyền đã treo biển cấm, không sợ bị phạt sao?”, chúng tôi hỏi và anh này trả lời: “Treo biển nhưng có bao giờ thấy ai đến kiểm tra, xử phạt đâu. Mọi người ở đây lúc nào thích thì ra câu thôi”.
Cách đó không xa, một nhóm gần 10 người đứng câu với hơn 20 cần bủa xuống lòng kênh. Anh Quang (ngụ Q.3) cho biết: “Anh em dùng câu chùm nên có hôm một người câu được vài ký, gom lại cũng được nhiều cá lắm. Ai cũng trút vào giỏ để mang về. Nghe nói phạt tiền mấy người câu cá nhưng nói thì nói vậy chứ có thấy ai bị phạt đâu?!”.
Tại kênh Tàu Hủ – Bến Nghé (qua địa bàn các quận 1, 4, 5, 8…), rất nhiều “cần thủ” cũng bất chấp lệnh cấm câu cá, xếp từng dãy dài thả câu. Qua quan sát, chúng tôi không thấy lực lượng chức năng nào đến nhắc nhở.
Một cán bộ hưu trí ở Q.4 bức xúc: “UBND Q.4 cuối tháng 3 vừa qua thả hơn 200.000 con (khoảng 1 tấn) cá các loại xuống kênh Tàu Hủ – Bến Nghé, nhưng lại để người ta cấp tập tràn ra kênh mà câu. Cấm mà họ vẫn cứ câu hà rầm, có thấy ai bị phạt đâu. Đây là vấn đề không thể chấp nhận được”.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt, sống ở gần cầu Lê Văn Sỹ (Q.3), kể có lần bà cùng bạn đi tập thể dục dọc bờ kênh, đã bị người câu cá quăng cần làm lưỡi câu móc vào người, chảy máu. “Họ tàn sát cá trên kênh, lại gây nguy hiểm cho người đi bộ dọc kênh. Nhà nước bỏ hàng chục ngàn tỉ đồng cải tạo kênh, làm sạch môi trường, mua cá về thả… để rồi một bộ phận thiếu ý thức cứ thoải mái ra câu cá mà vẫn để yên, thật lạ! Đã có bảng cấm sao không xử phạt để chấm dứt tình trạng này. Đã cấm thì phải cấm cho triệt để chứ!”, bà Nguyệt bức xúc.
“Cấm thì cấm vậy thôi…”
Từ năm 2014, UBND P.14 (Q.Phú Nhuận) đã treo bảng cấm câu cá trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè (phía đường Trường Sa), nhưng đến nay vẫn không xử phạt được trường hợp nào.
Lý giải về việc “cấm thì cấm mà câu vẫn câu”, một lãnh đạo UBND P.14 nói: “Bảng cấm thì để vậy thôi nhưng nói thật là cũng đang ở mức tuyên truyền vận động, không dám xử phạt vì hiện chưa có quy định nào xử phạt hành vi câu cá trên các kênh rạch, ao, hồ trong khu vực đô thị cả”. Theo tìm hiểu của PV, các phường khác của quận 3, 1, 4, Tân Bình… cũng chỉ treo bảng cấm… cho vui như vậy.
Ông Trần Thanh Bình, Phó chủ tịch UBND Q.3, giải thích: “UBND Q.3 đã kiến nghị TP sớm trình HĐND thông qua quy định xử phạt hành vi câu cá trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè nói riêng cũng như các kênh rạch khác trên địa bàn TP. Không thể để hành vi đe dọa môi trường diễn ra công khai như vậy. Thế nhưng đến nay quy định này vẫn chưa có”.
Trong khi đó, bà Huỳnh Thị Kim Cúc, Phó giám đốc Sở NN-PTNT (đơn vị được UBND TP giao tham mưu hình thức xử phạt), thừa nhận: “Thật tình thì chúng tôi đang lúng túng trong vấn đề này. Treo bảng cấm với mong muốn góp phần tuyên truyền vận động, chứ tổ chức phạt thì chưa có cơ sở”. Bà Cúc cho biết Sở chuẩn bị trình UBND TP kiến nghị bổ sung biện pháp xử phạt đối với hành vi câu cá trên các kênh rạch, ao, hồ trong khu vực đô thị vào Nghị định số 103 năm 2013 của Chính phủ, với mức phạt nhẹ nhất 300.000 – 500.000 đồng.
Ông Võ Văn Luận, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn UBND TP, nói: “Cấm thì cấm vậy chứ không có quy định thì không thể tùy tiện phạt được đâu. Trong lúc chờ có cơ sở pháp lý, các sở, ngành, quận, huyện chỉ có cách tăng cường tuần tra, ngăn chặn thôi”.
Phải xem cá trên kênh là tài sản công
TS Võ Trí Hảo, Khoa Luật Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, đặt vấn đề: “Lệnh cấm câu cá bị phớt lờ. Vậy không lẽ cứ mãi lúng túng và bị động? Mỗi năm TP thả gần 1 triệu con cá giống xuống kênh rạch thì phải xem đây như là tài sản công vì nhà nước bỏ ngân sách ra để thả cá. Do vậy, TP phải có trách nhiệm thúc ép các cơ quan chức năng điều chỉnh quy định để có thể áp dụng biện pháp chế tài đặc thù đối với hành vi xâm phạm đến tài sản công như việc câu cá trên kênh rạch ở trung tâm TP”.
Cũng theo TS Hảo, các sở, ngành, quận, huyện không thực sự quan tâm đúng mức, chưa thể hiện hết vai trò quản lý của mình nên để tài sản công bị xâm phạm cứ xảy ra tràn lan. “Nếu xử phạt thật nghiêm thì sẽ không ai dám câu cá nữa. Còn nếu cho rằng chưa xử phạt được do thiếu quy định thì địa phương phải cho lực lượng theo dõi, giám sát không để người ta câu, vì đã có quy định cấm không được câu cá kia mà, tại sao lại để câu tràn lan như vậy”.
Luật sư Nguyễn Đức Chánh, Đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng đã ra lệnh cấm mà người đến câu cá vẫn không bị phạt hay nhắc nhở thì “cấm cũng như không”. Theo ông Chánh, cần nhanh chóng đề xuất bổ sung xử phạt hành chính hành vi câu cá vào Nghị định 103/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực hoạt động thủy sản. “Điều quan trọng ở đây là nói phải đi đôi với làm. Các cơ quan quản lý nhà nước cứ nói rằng sẽ xử phạt, sẽ đề xuất xử phạt nhưng lại không làm gì thì cá trên kênh vẫn bị tận diệt”, ông Chánh nói.
Thanh Niên |
Theo Thanh Niên