Các sông băng ở Trung Á tan chảy nhanh gấp 4 lần bình thường
Theo một nghiên cứu công bố trên tạp chí Khoa học Địa chất Tự nhiên số ra ngày 17/8, các sông băng tại khu vực Trung Á đang tan chảy nhanh gấp bốn lần mức trung bình toàn cầu tính từ thập niên 1960, với 27% lượng băng đã biến mất.
Ảnh minh họa. (Nguồn: panoramio.com) Nghiên cứu dự báo đến năm 2050, biến đổi khí hậu kéo theo nền nhiệt tăng cao có thể khiến 1/2 số băng còn lại trên dãy Thiên Sơn tan chảy. Điều này đe dọa trực tiếp tới nguồn nước cho các nước trong khu vực như Kazakhstan, Kyrgyzstan, Uzbekistan và một phần Tây Bắc Trung Quốc bởi các sông băng chính là nguồn dự trữ nước khổng lồ giúp cân bằng nguồn nước giữa các mùa. Từ thập niên 1960, trung bình mỗi năm lại có 5,4 tỷ tấn băng từ các dòng sông băng trên dãy Thiên Sơn tan chảy tương đương với 3.000 km3 nước. Mức độ băng tan đặc biệt tăng cao trong giai đoạn từ thập niên 1970 tới thập niên 1980. Thậm chí trong những thập kỷ tới, các sông băng sẽ có thể tan chảy nhiều hơn khi nền nhiệt vào mùa Hè ở trên dãy Thiên Sơn tăng cao hơn. Bên cạnh đó, nhiệt độ tăng cao vào mùa Hè còn ảnh hưởng tới việc hình thành thêm băng mới trên các sông băng này bởi lượng tuyết mà các dòng sông trên rặng núi cao này nhận về chủ yếu là trong mùa Hè. Hiện nay, hàng tỷ người trên khắp thế giới đang sử dụng nguồn nước từ các dòng sông băng tan theo mùa, đặc biệt thiết yếu đối với người dân nơi khô hạn như ở Trung Á. Do đó, nghiên cứu chỉ ra việc cần làm lúc này là dự đoán được lượng băng tan do biến đổi khí hậu để có kế hoạch duy trì ổn định dân sinh. Cho tới nay, rất ít nghiên cứu về sự hoạt động của các sông băng, các số liệu lịch sử ít ỏi, công nghệ quan sát bằng vệ tinh mới được đưa vào sử dụng và cũng chỉ được áp dụng cho một số sông băng riêng lẻ đang gây ra những khó khăn cho việc dự đoán./. |
Theo VietnamPlus