Các nhà khoa học đã hiểu sai về văn hóa ở thành phố Cahokia cổ xưa?
Trong một nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học cho rằng những hiểu biết trước đây về văn hóa của thành phố đầu tiên ở Mỹ – Cahokia đã sai lầm.
Gần 50 năm trước, các nhà khảo cổ khai quật một thành phố cổ ngay bên ngoài St. Louis, và phát hiện nhiều gò mộ có đặc điểm khác lạ – 2 bộ xương sắp xếp đặt trên đỉnh một chiếc giường đầy hạt, và một số bộ xương khác bao quanh.
Nó được cho là nghi thức “an táng bằng hạt” công phu tại Cahokia được xây thành tượng đài để biểu thị sức mạnh của đàn ông, nhưng nay các nhà nghiên cứu phủ nhận điều này.
Các nhà khoa học phát hiện điều gì?
Trong một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí American Antiquity, các nhà khoa học tai Viện Khảo cổ học Illinois (ISAS) thuộc Đại học Illinois và đồng sự phân tích các bộ hài cốt và phát hiện rằng, một trong những bộ xương ở trung tâm là nữ.
Họ cũng tìm ra ra các cặp nam nữ tương tự và di hài của một đứa trẻ, điều này nói lên phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong xã hội ở Cahokia.
Theo nhà nhân chủng học Kristin Hedman, việc phát hiện ra xương phụ nữ trong quần thể này là điều “thật bất ngờ”.
Cahokia là thành phố đầu tiên của Bắc Mỹ, và là thuộc địa phía Bắc lớn nhất của Mexico thời tiền Columbus. Hiện nay nó được biết đến với cái tên Mound 72 (Gò đất 72) – khu vực chôn cất lớn nhất được nhà khảo cổ học Melvin Fowler phát hiện năm 1967 chứa 270 thi thể với 5 khu mộ tập thể, mỗi khu chứa ít nhất 20 thi thể, và một số khu vượt quá 50. Một số thi thể đặt trên vỏ cây tuyết tùng cho thấy những cá nhân này thuộc địa vị cao trong xã hội.
Các phân tích cho thấy, khu mộ được xây dựng giữa những năm 1000 và 1200 trong suốt quá trình nâng cao đỉnh Cahokia.
“Những khu mộ ở Mound 72 là địa điểm có ý nghĩa nhất từng được khai quật tại Bắc Mỹ trong thời gian đó“, Giám đốc ISAS Thomas Emerson nói.
Những giải thích về nghi thức an táng với hạt trong quá khứ không chính xác
Trước đây, đoàn khảo cổ của nhà nhân chủng học Timothy Poketata đã tiên hành khai quật và mở ra một gian nhà mồ của 2 người đàn ông đứng tuổi bị nằm đè lên bởi xác của 53 cô gái.
Trong đó có những hạt được cho là phần còn lại của một chiếc áo choàng hoặc chăn có hình dáng một con chim, biểu tượng của các chiến binh và sinh vật siêu nhiên trong truyền thống người Mỹ bản địa. Người ta nghĩ rằng việc chôn cất cùng hạt biểu thị cho 2 người đàn ông có địa vị cao, và đầy tớ được chôn xung quanh.
Các cô có thể đều bị chôn sống, vì bàn tay của họ như đang cào bới đất để chui ra. Có lẽ họ là những tì thiếp hoặc nô lệ cho các lãnh chúa và theo tục lệ phải chôn sống theo người đàn ông mà họ phụ thuộc. Vì vậy các nhà khoa học cho rằng Cahokia do nam giới thống trị.
Tuy nhiên theo các nhà nghiên cứu, những lý giải này dựa trên các thông tin không chính xác và không đầy đủ, hầu hết thông tin thiếu sót đều liên quan đến nghi thức an táng với hạt.
“Trên thực tế, những ngôi mộ với địa vị cao có cả phụ nữ đã làm thay đổi ý nghĩa của nghi thức chôn cất với hạt”, Emerson nhận xét và cho biết, họ nhận thấy đàn ông không giữ vai trò thống trị Cahokia và phụ nữ không chỉ đóng vai phụ.
Các nhà nghiên cứu giải thích rằng phát hiện này phù hợp với các đồ vật tìm thấy từ Cahokia hơn những kịch bản trước đây. “Tôi đã khai quật nhiều ngôi đền ở Cahokia và phân tích rất nhiều đồ vật, chúng tượng trưng cho sự đổi mới cuộc sống, trù phú, và nông nghiệp“, Emerson cho biết.
“Hầu hết các bức tượng đá nhỏ được tìm thấy ở đó tạc phụ nữ. Các biểu tượng trên bình liên quan đến nước và tầng lớp thấp. Vì vậy giờ đây Mound 72 khớp với một câu chuyện phù hợp hơn với những gì chúng ta biết về phần còn lại của các biểu tượng và tôn giáo tại Cahokia“.
Bởi vì tập trung vào biểu tượng chiến binh, Emerson giải thích các nghiên cứu trước đây đã hiểu sai văn hóa của thành phố đầu tiên ở Mỹ này.
“Khi người Tây Ban Nha và Pháp đến phía Đông Nam vào đầu những năm 1500, họ đã phát hiện các dạng xã hội mà giữa nam và nữ đều có thứ hạng“, Emerson nói. “Thực ra, sự phân chia ở đây không phải là giới tính, mà đó là tầng lớp“.
”Nhiều người nhìn thấy biểu tượng chiến binh trong nghi thức chôn cất với hạt đã nhìn vào xã hội hàng trăm năm sau đó ở phía Đông Nam, nơi chiến binh là biểu tượng thống trị, rồi đối chiếu lại với Cahokia và nói: ‘Chà, điều này phải là thế này’. Rồi chúng tôi nói: ‘Không, nó không phải như thế’“.
Tân Dân, theo Daily Mail