Các nhà khoa học đã có thể “copy và “sao chép” ký ức trong não của con người
Chỉ cần tưởng tượng ra một kẻ nguy hiểm nào đó có thể sử dụng đúng kỹ thuật này vào việc cấy các ký ức giả lên nạn nhân để kiểm soát người đó, người ta đã bắt đầu thấy lo sợ về tương lai công nghệ này.
Gần đây, Tiến sỹ Ted Berger đã có một cuộc trò chuyện thú vị tại sự kiện SXSW, người đang thực hiện nghiên cứu về cấy ghép não cho những người có vấn đề về trí nhớ dài hạn. Hóa ra công nghệ đằng sau nó cũng hấp dẫn đến sửng sốt.
Berger giải thích rằng những người mắc các chứng động kinh hay alzheimers nhiều khả năng sẽ phải chịu cả một số vấn đề với hồi hải mã (một phần của não trước, nằm bên trong thuỳ thái dương) trong não của họ. Đây cũng chính là bộ phận chuyển các thông tin, sự kiện từ trí nhớ ngắn hạn sang trí nhớ dài hạn.
Về cơ bản, trí nhớ ban đầu của con người về một sự kiện chính là những đoạn mã điện nhị phân được sàng lọc qua hồi hải mã đến một vùng khác trong não để lưu giữ lại vào trí nhớ dài hạn. Những gì Berger đang nghiên cứu và phát triển theo chương trình Tech for Humanity của IEEE có ý nghĩa quan trọng đối với việc cấy ghép hồi hải mã giả vào não người.
Nghiên cứu tại ĐH Southern California, Mỹ, Berger và các cộng sự đã và đang thử nghiệm ý tưởng này trên khỉ và chuột. Đầu tiên, những chú khỉ thí nghiệm được huấn luyện cho chơi một game trên máy tính. Chúng phải ghi nhớ một biểu tượng được cho hiện lên 30 giây trước rồi ấn chọn đúng hình đó trong câu hỏi trắc nghiệm nhiều lựa chọn.
Đội ngũ nghiên cứu vô hiệu hóa hồi hải mã của những chú khỉ này bằng cách tiêm thuốc cho chúng. Sau đó, họ điều khiển não khỉ để xem thử đoạn mã chúng dùng để ghi lại hình ảnh biểu tượng vừa nhìn (trong bộ nhớ ngắn hạn). Tiếp theo, các nhà khoa học sử dụng các cực điện để “viết” ra một bản copy ký ức đó vào trí nhớ dài hạn. Berger cho biết thí nghiệm đã hoạt động một cách hoàn hảo.
Hiện nay, ông đang bắt đầu thử nghiệm quá trình này trên các bệnh nhân động kinh với trí nhớ suy giảm. Mặc dù chỉ mới chỉ có 8 người tham gia thử nghiệm nhưng kết quả đã khá khả quan; dự kiến phiên bản các ký ức ở dạng phần cứng rất có thể sẽ được cấy ghép vào não các bệnh nhân trong một vài năm tới.
Tương lai
Khi được hỏi rằng liệu hồi hải mã nhân tạo của ông có thể được sử dụng để cấy ghép những ký ức giả (false memory – những điều không hề xảy ra nhưng con người cứ bị ám ảnh là họ đã trải qua) vào não người hay không. Ông cho biết nhóm nghiên cứu đã cố thực hiện điều này với những chú khỉ nhận thấy rằng việc cấy ghép vào não chúng những biểu tượng sai mà chúng không hề nhìn thấy có thể hoạt động được trong một số lần, nhưng cũng thất bại ở nhiều lần khác. Trên thực tế, các nhà khoa học tại trường MIT đã từng thử cấy ghép ký ức giả lên chuột trước đây.
Ngay khi Berger còn đang thực hiện các nghiên cứu về cấy ghép não phục vụ cho mục đích điều trị bệnh thì chỉ cần tưởng tượng ra một kẻ nguy hiểm nào đó có thể sử dụng đúng kỹ thuật này vào việc cấy các ký ức giả lên nạn nhân để kiểm soát người đó thôi, người ta cũng đã bắt đầu thấy lo sợ về tương lai công nghệ này. Tuy vậy, phương pháp này cũng có thể được sử dụng vào nhiều mục đích khác như học hành, giải trí. Không thể tham gia một sự kiện âm nhạc tuyệt vời? Hãy mua lại ký ức đó. Điều tương tự cũng có thể được áp dụng khi bạn không thể nhét nổi vào đầu một vấn đề nào đó.
Tuy ở thời điểm hiện tại, tất cả những điều này nghe còn quá xa vời nhưng những thi nghiệm thật mà Berger và các cộng sự đang thực hiện cũng cho thấy bức màn bí ẩn về não người đang ngày càng được ngành khoa học thần kinh khai mở ra nhiều điều bất ngờ hơn.
Theo Genk.vn