Các cặp vợ chồng sẽ có quyền quyết định số con?
VOV.VN -Đã đến lúc Việt Nam cần điều chỉnh chính sách dân số, đặc biệt là số con của mỗi cặp vợ chồng.
Tại hội thảo “Đại biểu Quốc hội với chính sách về dân số và phát triển” do Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tổ chức tối 4/6 tại Hà Nội, nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh bước vào thời kỳ già hóa dân số nhanh chóng, đã đến lúc Việt Nam cần điều chỉnh chính sách dân số, đặc biệt là số con của mỗi cặp vợ chồng. Pháp lệnh dân số được nâng cấp thành Luật dân số và đã được đưa vào chương trình kỳ Quốc hội khóa XIII đang được tham vấn về vấn đề này. Chính sách dân số cần đề cao quyền con người GS. Nguyễn Đình Cử – giảng viên cao cấp Viện Dân số và Các vấn đề xã hội, trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: Khi tham mưu xây dựng Luật dân số, ông băn khoăn giữa 2 luồng ý kiến, một là giữ nguyên như Pháp lệnh dân số 2008 (Điều 10, mục 4: Sinh một hoặc hai con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định) hoặc trao quyền quyết định cho các cặp vợ chồng như Pháp lệnh dân số 2003 (Điều 10: Mỗi cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định số con).
“Tôi nghiêng về phương án 2 vì quy định này phù hợp với Hiến pháp 2013 đề cao quyền con người, quan trọng hơn đó là hơn 10 năm qua Việt Nam đạt mức sinh thấp. Thế hệ trong độ tuổi sinh đẻ hiện nay có năm sinh từ khoảng 1975 trở lại, họ là những người sinh ra sau chiến tranh, có nhận thức tốt hơn thế hệ trước, do đó việc quyết định số lượng con cần trao cho họ” – GS. Nguyễn Đình Cử đề nghị. Theo ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), các vấn đề: quy mô, cơ cấu, chất lượng, di cư và quản lý dân cư, dân số và phát triển là những vấn đề mới nổi và có tính bước ngoặt của dân số Việt Nam hiện nay. Trong những thập kỷ qua, Việt Nam đã tập trung xử lý quy mô dân số, làm sao để giảm tỷ lệ sinh. Kết quả chúng ta đã thành công khi đến năm 2005 – 2006 đã đạt mức sinh thay thế, sớm hơn 10 năm so với kế hoạch; góp phần quan trọng vào xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân. Bên cạnh đó, nhiều thách thức đang đặt ra khi mức sinh còn khác biệt giữa các vùng và tiếp tục giảm sinh tại vùng chưa đạt mức sinh thay thế. Cụ thể, khu vực trung du và miền núi phía Bắc ở mức cao (2,56 con/một cặp vợ chồng), đồng bằng sông Hồng là 2,3 con/một cặp vợ chồng; trong khi ở Đông Nam Bộ là 1,56; đồng bằng sông Cửu Long là 1,84 (số liệu năm 2014). “Điều này khiến chúng ta đứng trước sự lựa chọn chính sách tiếp theo như thế nào cho phù hợp” – ông Nguyễn Văn Tân chia sẻ. Nhờ của chương trình dân số – kế hoạch hóa gia đình từ hàng thập kỷ trước, Việt Nam đang có cơ cấu dân số vàng, khi nhóm dân số dưới 15 tuổi giảm (từ 42% năm 1979 xuống 23,5% năm 2014), tuổi thọ tăng (nhóm trên 65 tuổi tăng từ 5% năm 1979 lên 7,1% năm 2014). Theo đánh giá, Việt Nam là một trong số ít nước có tốc độ già hóa dân số nhanh, trong khi cơ sở vật chất và an sinh xã hội phục vụ cho số lượng người già đông đảo như vậy chưa theo kịp. Ông Nguyễn Văn Tân khẳng định: “Việc xử lý mức sinh thấp lên cao khó hơn xử lý mức sinh cao xuống thấp. Điều này chưa có quốc gia nào làm được, cụ thể như Nhật Bản, Hàn Quốc. Do đó, việc kiểm soát dân số làm sao cho phù hợp trong bối cảnh nước ta là hết sức quan trọng, trong khi có ý kiến cho rằng chúng ta không phải kiểm soát nữa”. Theo ông Nguyễn Văn Tân, trong dự thảo Luật dân số cần có đề xuất linh hoạt. Hiện nay có 2 phương án đó là: mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh 2 con, thay vì từ 1 – 2 con như trước kia và phương án quay lại Pháp lệnh dân số 2003. Ông Tân nhấn mạnh thêm: “Có nên quy định về nạo phá thai có điều kiện vào luật hay không? Bởi hiện nay việc này là do nguyện vọng, dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh”. Việt Nam không cần chính sách giảm sinh Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, dự án Luật dân số rất quan trọng, đáp ứng được tinh thần của khoản 2 Điều 14 Hiến pháp 2013. Dự án Luật này đã được đưa vào chương trình Quốc hội khóa XIII. Tuy nhiên, để nâng cấp từ Pháp lệnh lên Luật cần có sự chuẩn bị đầy đủ, tham vấn ý kiến từ nhiều cơ quan chức năng, các chuyên gia… cho nên dự án luật này sẽ được đưa ra trình tại kỳ họp sau.
Bà Trương Thị Mai khẳng định, nhờ thực hiện tốt Pháp lệnh dân số, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, từng bước nâng cao chất lượng dân số, phát triển nhân lực. Một số chỉ tiêu về y tế, trẻ em suy dinh dưỡng… được Quốc hội biểu quyết thông qua. Tuy nhiên, chúng ta đang gặp nhiều thách thức như mức sinh thấp ở nhiều địa phương, mất cân bằng giới tính khi sinh; đặc biệt, già hóa dân số chưa thực sự là mối quan tâm hàng đầu của các đại biểu Quốc hội. Ủy ban về Các vấn đề xã hội buộc phải đưa ra những thông tin, chính sách liên quan đến dân số như bảo hiểm y tế cho người già, bảo hiểm hưu trí… “Đã đến lúc Việt Nam điều chỉnh chính sách dân số, đặc biệt là số con. Điều này phải hết sức cân nhắc bởi kinh nghiệm Nhật Bản, Hàn Quốc không thể phục hồi được khi già hóa dân số quá sâu” – bà Trương Thị Mai nhấn mạnh. Tại hội thảo, bà Ritsu Nacken, Quyền Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam khẳng định, đã đến lúc Chính phủ Việt Nam phải chuyển trọng tâm của chính sách dân số từ kiểm soát sinh sang việc cân nhắc ở mức độ rộng hơn về dân số và phát triển. Thông điệp bà Ritsu Nacken đưa ra đối với Việt Nam đó là: Việt Nam không cần phải tiếp tục chính sách giảm mức sinh hay kiểm soát dân số nữa, chính sách kiểm soát này thậm chí sẽ có tác động ngược lại tới sự phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia; mỗi cá nhân và từng cặp vợ chồng có quyền quyết định tự do và có trách nhiệm về số con và họ có đủ thông tin, phương tiện để thực hiện quyền này; người cao tuổi nên được coi là nguồn lực kinh tế quan trọng để phát triển; và Việt Nam nên cân nhắc việc xây dựng một chiến lược trung hạn toàn diện, bao gồm cả hưu xã hội và lương hưu đóng góp, để có được sàn bảo trợ xã hội dành cho người cao tuổi./. |
Theo VOV Online