Cả đời keo kiệt tích cóp tiền bạc, đến khi chết mới hiểu được nguyên do
Chúng ta thỉnh thoảng có thể thấy một vài người có những ‘xu hướng’ rất đặc biệt, họ hay có những suy nghĩ và hành động không phù hợp với hoàn cảnh của bản thân, ngay cả chính họ cũng không thể lý giải được, nhưng thực ra những điều đó đều đã có an bài.
Trong “Tiếu Lâm” có một câu chuyện cười, nói về một người vô cùng keo kiệt. Nhân vật chính là một ông lão giàu có sống vào triều đại nhà Hán, ông lão không có con cái, tuy nhiên trong nhà lại có rất nhiều tiền, nhưng ông lại cực kỳ keo kiệt, ăn mặc đều đơn giản, tiết kiệm.
Ông lão không chỉ tiết kiệm mà còn dốc hết sức để làm việc. Mỗi ngày trời còn chưa sáng đã ra khỏi giường, làm việc đến nửa đêm mới ngủ, kinh doanh rất cẩn thận. Tuy tích cóp được không ít tiền bạc, nhưng vẫn thấy chưa thỏa mãn, bản thân cũng không dám tiêu xài hoang phí.
Ngày hôm đó trong nhà có một người ăn mày đến xin tiền, ông từ chối không được, liền vào trong phòng lấy mười đồng tiền. Vừa đi ra ngoài vừa tính toán giảm bớt số tiền cho người ta, đến lúc ra đến cửa thì chỉ còn lại năm đồng tiền.
Lúc này, ông đau khổ mà nhắm mắt đưa tiền cho người ăn mày, lại còn dặn dò nhiều lần nói: “Tôi lấy tiền trong nhà đem cho anh, anh tuyệt đối không được nói cho người khác đấy. Để những người ăn mày khỏi đến nhà tôi xin tiền”. Mỗi khi gặp phải ăn mày mà từ chối không được, ông đều sẽ nói như vậy.
Ông lão mất rồi không có người thừa kế, ruộng đồng nhà cửa của ông đều bị quan phủ tịch thu, tiền bạc thì được lưu lại trong thương khố, dĩ nhiên cũng đã được sung vào quốc khố luôn rồi.
Lại nói, giữa năm Thiên Bảo triều đại nhà Đường, ở Nghiệp Thành, Tương Châu (ngày nay là thành phố An Dương, tỉnh Hà Nam) có một ông lão họ Vương rất keo kiệt, giống y hệt như ông lão trong “Tiếu Lâm” ở trên, mức độ keo kiệt, bủn xỉn vô cùng giống nhau. Điểm khác biệt chính là có một sự việc ngoài ý muốn xen vào, rốt cuộc lại khiến cho mọi người hiểu được tại sao ông lại keo kiệt như thế.
Ông Vương là một người giàu có, nhưng ông lại không có con cái, trong nhà chỉ có hai vợ chồng. Ông là một đại địa chủ, có trang viên rộng lớn, nhà cửa rất nhiều, có hơn hai trăm người làm, trong nhà tích góp từng tí lương thực một cho đến có cả vạn hộc, nhưng hai vợ chồng sinh hoạt vô cùng đơn giản, thậm chí là keo kiệt, không dám ăn đồ ăn ngon, thường xuyên ăn cơm thừa, đồ ăn thừa để lót dạ.
Có một ngày, ông Vương tản bộ đến một lữ quán, nhìn thấy một người khách đang ăn cơm, trên bàn bày biện rất nhiều đồ ăn. Ông Vương hiếu kỳ mới hỏi vị khách làm nghề gì? Người khách trả lời: “Tôi bán thuốc và phấn hương các loại“.
Người buôn bán nhỏ mà ăn uống lại sang trọng vậy, ông Vương nghi anh ta là kẻ trộm mới hỏi lại: “Anh có bao nhiêu tiền, mà lại ăn ngon mặc đẹp đến như vậy?”.
Người đó nói: “Tiền vốn của tôi chỉ có năm ngàn đồng thôi, tôi mỗi ngày dùng hết tiền lời, giữ lại tiền vốn. Tôi không muốn tích cóp tiền nhiều hơn, cho nên có thể ăn mặc thoải mái một chút”.
Lúc này ông Vương dường như đã ngộ ra, liền trở về nói với vợ: “Anh ta chỉ có năm ngàn đồng mà sinh hoạt rất thoải mái, thật là đã hiểu ra rồi. Chúng ta bây giờ tích góp tiền tài đến vài vạn, mà ăn mặc khổ sở, con cái thì không có, sau này chết rồi để lại cho ai?”
Vì vậy ông mở cửa nhà kho, lấy đồ tốt ra dùng, đồng thời ăn uống thả cửa để bù vào quãng thời gian trước đây. Chỉ được mấy ngày, hai vợ chồng đều có chung một giấc mộng. Mộng thấy bị người ta bắt, phải đeo gông cùm, còn bị đánh đập. Có một người nói: “Người này dám lãng phí quân lương!”.
Vài năm sau, vợ chồng ông Vương đều qua đời. Khi đó là năm Chí Đức thứ hai thời Đường Túc Tông (năm công nguyên 757), An Sử Chi Loạn còn chưa được dẹp yên, thì An Lộc Sơn đã chết, An Khánh Tự chạy trốn đến Nghiệp Thành, quân đội của triều đình cũng vây đến Nghiệp Thành. Ngay lúc đó, quân đội triều đình liền mở kho lúa của ông Vương để sung vào quân lương.
Vậy là vợ chồng ông Vương cả đời keo kiệt là có nguyên do, tích góp từng chút lương thực như vậy đều là để “dự bị” cho triều đình nhà Đường. Đó cũng không phải thực sự là tài sản của bọn họ, ông Vương chỉ là đến để giữ kho lương thực thôi. Con người cả đời ở trong mê cái gì cũng không biết, thực ra mọi thứ đều đã có an bài.
Chân Chân biên dịch
Xem thêm: