Cá chết hàng loạt, ngư dân biết dựa vào ai?
Trong mấy năm qua, ngư dân nuôi cá bè trên sông Chà Và (xã Long Sơn, TP Vũng Tàu) luôn sống trong cảnh nơm nớp lo lắng vì cá liên tục chết hàng loạt, thậm chí mỗi năm có đến 2-3 đợt. Nguyên nhân đã được xác định, ngư dân đã thắng kiện, tuy nhiên tình hình vẫn không mấy cải thiện.
Cá chết hàng loạt, nguyên nhân đã được xác định
Mấy ngày trở lại đây, cá bè trên sông Chà Và, xã Long Sơn, TP Vũng Tàu lại xảy ra hiện tượng chết hàng loạt khiến hàng chục hộ nuôi cá lại thấp thỏm, đứng ngồi không yên.
Điều đang nói, đây không phải là lần đầu cá bè của bà con ngư dân chết. Từ 4-5 năm về trước, hiện tượng cá chết đã xảy ra liên tục, thậm chí mỗi năm có đến 2-3 đợt.
Cơ quan chức năng cũng đã nhiều lần đến hiện trường ghi nhận, lấy mẫu nước, mẫu cá… tìm nguyên nhân. Nhưng rồi, đâu lại vào đó, cá vẫn cứ chết. Đỉnh điểm là vào tháng 9/2015, hàng chục tấn cá bè trên sông Chà Và chết trắng bụng. Hết cách, bà con ngư dân phải kéo nhau chở cá lên trụ sở chính quyền yêu cầu giải quyết.
Được sự hỗ trợ của các ngành chức năng, bà con đã nộp đơn kiện các doanh nghiệp chế biến hải sản ở xã Tân Hải, huyện Tân Thành đã xả thải. Trong khi chờ tòa phân xử, tháng 10/2016, hàng chục tấn cá lại chết và ngư dân phải đem cá đổ ra đường. Cuối năm 2016, tòa sơ thẩm xử ngư dân thắng kiện, doanh nghiệp chế biến hải sản phải có trách nhiệm bồi thường. Nhưng rồi đến đầu tháng 4/2017, cá lại chết.
Bằng những phân tích khách quan và khoa học, các ngành chức năng đã xác định rằng nước trong đầm là tác nhân chủ yếu (hơn 76%) gây chết cá.
Nguyên nhân đã được xác định, nhưng tại sao đến nay ngư dân Long Sơn vẫn chưa thể yên ổn làm ăn? Và trách nhiệm thuộc về ai?
Năm 2015 hàng loạt nhà máy ở khu vực Tân Hải đã bị chính quyền ban hành lệnh ngưng, đình chỉ hoặc chỉ được hoạt động một phần công suất. Nhưng mệnh lệnh ban ra lại thiếu sự kiểm tra, thiếu sự giám sát sâu sát và lâu dài.
Bởi vậy, phải khẳng định rằng, một phần trách nhiệm thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thực thi pháp luật.
Trong buổi đối thoại với chính quyền tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tháng 10/2016, ngư dân Long Sơn từng chất vấn: Cắt điện, cắt nước của nhà máy nhưng họ vẫn chở nước đến, chạy máy điện để sản xuất thì sao? Và trên thực tế vào cuối tháng 3, đầu tháng 4/2017, cảnh sát môi trường phát hiện có nhà máy tuy đã bị đình chỉ hoạt động nhưng vẫn xả thải.
Sự xung đột về lợi ích kinh tế giữa người nuôi trồng và người chế biến xảy ra khi người chế biến gây ô nhiễm nguồn nước. Sự xung đột này sẽ được hóa giải đáng kể nếu các doanh nghiệp chế biến hải sản thực hiện nghiêm túc cơ chế bảo vệ môi trường đã được quy định. Thậm chí cả hai cùng có thể hợp tác trong làm ăn: người nuôi trồng bán cá, tôm cho người chế biến.
Ngư dân Long Sơn ngày nay chỉ biết trông dựa vào ngành nghề nuôi trồng hải sản để sinh sống. Nghề này cùng với những làng bè kinh doanh dịch vụ ăn uống hải sản đã trở thành ngành nghề đặc hữu của Vũng Tàu.
Đồng ý rằng phát triển kinh tế là cần thiết, nhưng cũng cần bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn sống của người dân. Các doanh nghiệp chỉ coi việc xả thải ra ngoài là việc bình thường và là lợi ích của họ. Tuy nhiên, việc hủy hoại tài sản, cuộc sống của người khác đều phải bồi thường và chịu hình phạt trước pháp luật.
Bởi vậy, trước khi trông chờ vào ý thức bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp chế biến hải sản, ngư dân Long Sơn chỉ biết dựa vào trách nhiệm quản lý của những cơ quan thực thi pháp luật.
Trách nhiệm này phải được thực thi đúng mức thì ngư dân nuôi cá trên sông Chà Và mới có thể yên tâm làm ăn và sinh sống.
Bảo An tổng hợp