Cá bị cắt đầu, xẻ đôi vẫn quẫy mình dữ dội khiến dân mạng hoảng sợ
Mới đây, trên mạng xuất hiện đoạn video ghi lại cảnh tượng một con cá đã mất đầu và bị xẻ đôi vẫn quẫy mình đến mức gần văng khỏi khay đựng. Hình ảnh này nhanh chóng được lan truyền rộng rãi và khiến nhiều người hoảng sợ.
Tài khoản Lord Flaconegro chia sẻ video một con cá “không thể chết” trên mạng xã hội Twitter hôm 19/12, thu hút hơn 143.000 lượt thích và 64.000 lượt chia sẻ, theo IFL Science.
Trong video, con cá bị cắt bỏ đầu và xẻ dọc làm đôi, nhưng vẫn quẫy mình dữ dội trên mặt bàn trong một gian bếp ở Mỹ. Con cá vùng vẫy mạnh tới mức gần như rơi ra ngoài khay đựng.
Nature is fuckin’ crazy pic.twitter.com/i9NMO9tt0N
— Barstool Sports (@barstoolsports) Ngày 11 tháng 07 năm 2017
Đây không phải con cá duy nhất vẫn quẫy mình dù đã bị cắt đầu. Trước đây từng có một số trường hợp tương tự được ghi nhận.
Vậy chuyện gì đã xảy ra?
Các nhà khoa học cho rằng, con cá không còn hoạt động não cũng như bất kỳ dấu hiệu nào khác của sự sống. Con cá cũng không có cảm giác đau do nó không còn sống. Chuyển động vùng vẫy của con cá chỉ là kết quả từ những phản xạ vô điều kiện mạnh mẽ của cơ thể nó.
Sau khi con cá chết, nơron vận động cơ bên trong các mô còn một lượng nhỏ điện thế màng. Não của con cá đã chết từ lâu nhưng phần cột sống và dây thần kinh trên cơ thể vẫn còn hoạt động. Các cơ trong cơ thể cá chứa adenosine triphosphate, nguồn năng lượng chính cho phép cơ bắp co rút.
Khi chạm tay vào thân cá, phần tủy sống của cá bị kích thích sẽ tiếp tục gửi những tín hiệu đến cơ, tạo phản xạ co cơ. Cùng với đó, các cơ bắp trong cơ thể cá vẫn giữ năng lượng sẽ giúp chúng thực hiện những “điệu nhảy” quẫy mình.
“Hầu hết mô thực chất vẫn hoạt động. Trao đổi chất trong tế bào gần như bình thường, điện thế màng tồn tại ở tế bào thần kinh khá hoàn chỉnh. Ngay cả khi chức năng não mất đi, các mô sẽ vẫn đáp lại kích thích“, một giáo sư hóa học ở Đại học Virginia giải thích trên kênh Discovery News.
Tại Nhật Bản còn có một món ăn “sống động” với phần xúc tu của con mực cử động như đang còn sống có tên Odori-don, hay còn được biết đến là món mỳ gạo mực nhảy múa.
Và nguyên lý hoạt động của con mực này cũng giống như các con cá trên. Tuy nhiên trong trường hợp này, việc rắc muối hoặc nước tương mới là điều thúc đẩy co rút cơ ở con mực. Muối ngấm vào cơ thể và làm thay đổi điện thế ở màng tế bào thần kinh, kích thích cơn co rút mạnh, khiến xúc tu của con mực chuyển động như trong video.
Tú Văn (t/h)