Bức tranh hiếm vẽ gương mặt Chúa Giêsu lúc trẻ được phát hiện ở Israel
Các nhà khảo cổ Israel vừa tìm thấy một bức tranh 1500 tuổi vẽ gương mặt Chúa Giêsu chưa từng được biết đến tại một nhà thờ Byzantine nằm tại hoang mạc Negev của Israel.
Phát hiện này khiến các chuyên gia cảm thấy rất thú vị và họ tin rằng nó có thể giúp chúng ta hiểu thêm về nghệ thuật Kitô giáo thời kỳ đầu vì bức tranh không mang nét mô tả đặc trưng thường thấy của Chúa Giêsu. Hơn nữa, nó có thể giúp các nhà nghiên cứu hiểu rõ hơn về văn hóa tôn giáo thời kỳ Byzatine (thời kỳ đế quốc Đông La Mã) và sự phát triển của nó trong giai đoạn đầu Trung cổ.
Bức tranh được phát hiện bởi các chuyên gia từ Đại học Haifa tại một ngôi làng Byzantine bị bỏ hoang từ lâu tên là Shivta. Nơi này từng là một khu sầm uất ở biên giới đế chế Byzantine, trong sa mạc Negev (bây giờ thuộc Israel). Shivta từng là một ngôi làng Kitô giáo lớn với một số nhà thờ đạt đến đỉnh cao trước khi diễn ra sự nổi dậy của người Hồi giáo (thế kỷ thứ 6 SCN). Sau cuộc xâm chiếm của người Hồi giáo ở các tỉnh phía Đông đế quốc Byzantine, ngôi làng nhanh chóng suy tàn và bị bỏ hoang trong suốt thế kỷ thứ 9 SCN. Nó chỉ được khám phá lại vào thế kỷ 19.
Gương mặt của Chúa Giêsu
Một nhóm từ Đại học Haifa đang nghiên cứu ngôi làng đổ nát Shivta để tìm hiểu về sự sụp đổ của đế quốc Byzantine sau cuộc xâm chiếm của người Hồi giáo. Theo Cambridge Core, khi họ đang kiểm tra “các đặc điểm chính của nhà thờ Shivta” thì tìm thấy bức tranh. Các nhà nghiên cứu đang ghi chép lại về các tác phẩm nghệ thuật còn sót lại trên bức tường của nhà thờ Thiên chúa giáo ở phía nam ngôi làng thì một thành viên trong nhóm nhìn thấy hình ảnh đặc biệt của Chúa Giêsu, một cách hoàn toàn tình cờ.
Bức tranh trên bức tường nhà thờ lần đầu tiên được tìm thấy vào những năm 1920. Tuy nhiên, lớp bụi đất trên tường dày đến nỗi không ai có thể biết chắc nó mô tả những gì. Bức tranh được cho là vẽ Chúa Giêsu, nhưng không ai có thể thực sự nhìn ra hình ảnh.
Tuy nhiên, Maayan-Fanar, một thành viên của đội, khi đang nghiên cứu khu nhà thờ thì có tia sáng Mặt trời rọi vào đúng chỗ, và cô nhìn thấy một khuôn mặt nhìn về phía mình. May mắn thay, nhờ ánh sáng mặt trời chiếu vào trong nhà thờ, cô đã có thể nhìn thấy dấu vết của bức tranh dưới lớp bụi bẩn tích tụ. Tờ Western Journal dẫn lời của Maayan-Fanar: “Đó là khuôn mặt của Chúa Giêsu trong lễ rửa tội của ngài, đang nhìn chúng tôi”.
Phát hiện may mắn
Bức tranh của Chúa Giêsu được khắc họa cho thấy Chúa mang dáng vẻ một người đàn ông trẻ tuổi không có râu, mái tóc xoăn, cái mũi dài, và đôi mắt biểu cảm. Trong những thế kỷ đầu ở một số khu vực của đế chế Byzantine, Chúa Giêsu thường được mô tả như một thanh niên. Fox News cho biết đây là phong cách chân dung “đặc biệt phổ biến ở Ai Cập và Syro-Palestine, nhưng đã biến mất khỏi nghệ thuật Byzantine sau này”. Một hình ảnh tương tự về Đấng Messiah Kitô giáo cũng đã được phát hiện ở Rome.
Một hình ảnh nhân vật khác được thể hiện bằng một vầng hào quang được vẽ gần hình tượng Chúa Giêsu. Người ta tin rằng đây có thể là Thánh John. Theo Cambridge Core, “vị trí của khung cảnh – bên trên bình đựng nước thánh hình thập giá — cho thấy đó là phép rửa tội của Chúa Giêsu”. Phép rửa tội của Chúa Giêsu là một đề tài phổ biến trong lịch sử thời kỳ đầu của nghệ thuật Byzantine, đặc biệt là ở ngoài thủ đô Byzantium.
Dựa trên sự phát hiện ra các mảnh sơn, người ta tin rằng khuôn mặt của Chúa Giêsu đã từng là một phần của một bức tranh lớn hơn trong nhà thờ, và sẽ còn nhiều thứ nữa có thể được phát hiện trong tương lai. Các chuyên gia muốn tiếp tục nghiên cứu hình ảnh và tìm cách bảo tồn nó cho hậu thế.
Bức tranh này vô cùng hiếm, vì nhiều tác phẩm của nghệ thuật Byzantine đã bị phá hủy trong hai đợt bài trừ thánh tượng vào thế kỷ thứ 7 và thứ 8 SCN. Điều này cũng giúp các chuyên gia hiểu được sự phát triển của nghệ thuật Byzantine ở các vùng của Đế quốc. Nó cũng là bức tranh duy nhất về phép rửa tội của Chúa Giêsu còn sót lại trong vùng.
-
Những người bức tử Chúa Giê-su cuối cùng có kết cục như thế nào?
-
Chúa Jesus, Phật Thích Ca hạ thế độ nhân, nhưng vì sao lại bị con người hãm hại?
Bảo San, theo AO