“Bốt điện thoại gió” ở Nhật Bản: Gửi gió lời đau thương
Ở vùng ngoại ô thị trấn nhỏ Otsuchi, nơi từng cơn sóng thần kinh hoàng năm 2011 tấn công, có một bốt điện thoại đặc biệt cho những ai muốn liên lạc với người thân yêu đã mất.
Buồng điện thoại màu trắng với các tấm kính trong suốt không bao giờ đổ chuông vì các cuộc gọi đến, đồng thời những thông điệp cũng không được gửi đi qua đường dây điện thoại.
Thay vào đó, bốt điện thoại này là nơi giảng hòa cho các mối quan hệ, là nơi liên lạc giữa sự sống và cái chết. Nó đã trở thành một địa điểm quen thuộc với nhiều cư dân tại thị trấn, những người vẫn còn rối loạn trong nỗi đau, với các nút thắt trong lòng.
Khi một trận động đất và sóng thần xảy ra ở Nhật Bản vào năm 2011, những con sóng cao 9 mét đã nuốt chửng nhiều nhà cửa và xóa sổ các ngôi làng ven biển, trong đó có Otsuchi. Trận thảm họa kép này đã cướp đi sinh mạng của gần 16 nghìn người, với 10% là cư dân của làng chài cũ này.
Cơn sóng thần đã cuốn trôi nhiều thứ nhưng nó lại để lại nỗi đau cho nhiều người, trong đó có Itaru Sasaki. Ông vẫn luôn nhớ về cái chết của người anh em họ, và dù ông khao khát được liên hệ với người thân đã khuất mãnh liệt đến thế nào thì việc này cũng dường như bất khả thi. Cuối cùng ông quyết định xây “bốt điện thoại gió”.
“Bởi vì những lời tôi muốn nói không thể chuyển qua đường dây điện thoại“, Sasaki nói với kênh truyền hình Nhật Bản NHK Sendai. “Tôi muốn chúng được gửi vào gió“.
Nhiếp ảnh gia Alexander McBride Wilson đã nghe được đoạn phỏng vấn này và anh quyết định đi đến Otsuchi vào mùa Thu năm 2016, để chụp lại “bốt điện thoại gió” (trong tiếng nhật là kaze no denwa) và những người sử dụng nó.
Wilson nói, đối với Sasaki, bốt điện thoại đó không liên quan đến bất kỳ tôn giáo nào, “nhưng bạn sẽ có cảm giác rằng đó là một đền thờ và những người đến đây là khách hành hương”.
Trước sự tàn phá mạnh mẽ của cơn sóng thần, số lượng người hành hương tăng lên. Nỗi đau đã khiến cho các bước đi trở nên nặng nề và khó nhọc hơn.
Khi Wilson giúp ông Sasaki dọn dẹp một nhà kính, nhờ người phiên dịch mà hai người đàn ông này đã nói chuyện về việc những người sống sốt đã chiến đấu với nỗi đau, sự thất vọng và cảm giác tội lỗi như thế nào.
Khi bước vào bốt điện thoại đặc biệt, mọi người đều cảm nhận những cảm xúc đau đớn trong một không gian thoải mái. Tại đây, trong một khoảnh khắc người ta dường như bị bao trùm trong nỗi đau, nhưng nó bị giới hạn trong một hình dạng và cảnh quan cụ thể. Đó là một cách riêng để mọi người chiến đấu với bi kịch đã xảy ra.
Hàng chục nghìn người đã phải di dời vì thảm họa, nhưng một số người quay trở về để tưởng nhớ lại sự kiện đã xảy ra.
Trang báo This American Life cũng kể lại câu chuyện của một người phụ nữ 66 tuổi. Bà đã phải di chuyển đến một nơi cách thị trấn Otsuchi 80 km khi chồng bà, một ngư dân chuyên đánh cá ở vùng biển sâu, qua đời trong thảm họa sóng thần.
Một đoàn phóng viên của kênh NHK Sendai đã ghi lại hành trình của bà đến với “bốt điện thoại gió”. Khi người phụ nữ cầm lấy ống nghe, bà lẩm bẩm số điện thoại cũ của mình, và những ngón tay của bà xoay các con số theo phản xạ.
Người bà này và những đứa cháu của bà thường ghé thăm nơi đây và gửi một bức thư ngắn gọn cho người anh em họ ở thế giới bên kia, như: họ có những thói quen gì, họ nhớ anh ấy và hy vọng anh ấy vẫn tốt.
Điều này không giống như việc lập một bàn thờ cho những người thân đã mất trong Phật giáo, Miki Meek của This American Life nói. Đó là “một cách giữ liên lạc, để [những người đã ra đi] biết rằng họ vẫn là một phần quan trọng trong gia đình của chúng tôi“.
Đã hơn 6 năm sau thảm họa, các thành phố dọc ven biển phía Đông Bắc Nhật Bản vẫn đang trong quá trình xây dựng lại. “Trong 2 chiếc xe chạy trên đường sẽ có một chiếc xe tải hoặc xe trộn xi măng“, tờ Washington Post năm 2016 mô tả tình trạng ở khu vực gần thành phố Rikuzentakata.
>>> Tăng năng suất làm việc với phong cách thơ 3 dòng 17 âm tiết của Nhật Bản
Các khu đất vẫn đang được khai phá để chuẩn bị cho sự phát triển mới. Ông Wilson nhớ lại chiếc xe buýt của mình đi qua “những con đường ray và nhiều thứ khác về cơ bản vẫn chưa được sắp xếp theo một hệ thống hoàn chỉnh”.
Tại khu nhà nghỉ của ông có rất nhiều công nhân đến trú ngụ để chuẩn bị bắt tay vào việc xây dựng nhà cửa, đường xá, đường ray và những cây cầu. Tất cả “mọi thứ tạo thành một thị trấn” thu nhỏ, Wilson nói.
Khi thị trấn được xây dựng lại, nơi này khôi phục lại sức mạnh để chống chọi lại các hiện tượng thời tiết cực đoan trong tương lai, còn chiếc điện thoại gió của Sasaki trở thành một lời nhắc nhở về những tổn thương sâu sắc và mong manh. Chúng sẽ không thể nào được vá lành hoặc bị lãng quên.
Có thể thấy, thiên nhiên từ lâu được xem là nơi trú ẩn của những người mang mối sầu muộn trong tâm hồn. Từ thần thoại Hy Lạp, La Mã, cho đến thơ Haiku Nhật Bản và những bài thơ tình yêu cách đây hàng chục năm của Mỹ La Tinh. Những bài thơ tình yêu này thường ám chỉ sau những cái chết, tình yêu và đau khổ, chúng ta có thể tìm kiếm sự an ủi từ vẻ đẹp của thiên nhiên.
Như nhà văn Cheryl Strayed, khi mẹ của bà qua đời, bà cũng đã tìm kiếm sự an ủi trong những chuyến đi bộ đường dài. Tương tự như vậy, khi một cơn sóng thần thảm khốc tấn công Nhật Bản vào năm 2011 và giết chết hàng ngàn người, nhiều người đã tìm nơi trú ẩn cho tâm hồn mình bằng cách nói chuyện với người thân của họ “thông qua gió”.
“Bốt điện thoại gió” ở Nhật Bản chỉ là một phiên bản mới nhất được con người lặp lại trong việc tìm kiếm những thứ thiêng liêng trong cuộc sống hàng ngày.
Tú Văn, theo citylab