“Bóc mẽ” 12 học thuyết sinh học vẫn được xem chân lý
Nhà văn người Mỹ Mark Twain đã từng nói: “Đừng bao giờ để trường học can thiệp vào việc học tập của bạn”. Bởi đôi khi khoa học sẽ phát triển nhanh hơn những chương trình giảng dạy ở trường và 12 học thuyết lạc hậu sau đây là ví dụ điển hình.
Nhà văn người Mỹ Mark Twain đã từng nói: “Đừng bao giờ để trường học can thiệp vào việc học tập của bạn”. Bởi đôi khi khoa học sẽ phát triển nhanh hơn những chương trình giảng dạy ở trường.
Hơn nữa các giáo viên thường dễ dàng đưa ra lời giải thích đơn giản về một sự kiện nào đó, thay vì họ phải trả lời một cách đầy đủ và chi tiết về nó. Vì thế một vài kiến thức bạn được dạy ở trường có thể sẽ không đúng với thực tế.
Dưới đây là một số những quan niệm sai lầm phổ biến. Nó khiến nhiều người ngạc nhiên khi phát hiện ra sự thật.
- Con người tiến hóa từ tinh tinh
Ý tưởng cho rằng con người tiến hóa từ loài vượn là một trong những quan niệm sai lầm phổ biến nhất. Darwin không bao giờ tuyên bố rằng chúng ta tiến hóa từ loài vượn người.
Thay vào đó ông lập luận rằng: Do những điểm tương đồng lớn giữa con người và loài vượn, nên chúng ta và nó có thể đã có cùng một tổ tiên. Những người đã sống trên Trái Đất hàng triệu năm trước.
Đồng thời thuyết tiến hóa của Darwin vẫn còn là một giả thuyết đang tranh cãi với quá nhiều sơ hở, nhưng nó lại đang được rao giảng như một chân lý tại nhiều nơi trên thế giới.
- Con người ở trên cùng của chuỗi thức ăn
Một nhóm các nhà nghiên cứu người Pháp đã tính toán được chính xác vị trí của con người trong chuỗi thức ăn. Dựa trên hành vi ăn uống của mình, chúng ta không được xếp hạng cao hơn cá đối hoặc heo.
Hay nói cách khác, vị trí trên đỉnh chuỗi thức ăn chỉ dành cho con vật có thể ăn thịt của những kẻ săn mồi khác. Nhưng con người thì không thể làm được điều này. Thực tế chúng ta chỉ tiêu thụ một nhóm thức ăn hỗn hợp bao gồm thực vật và thịt động vật.
- Mèo và chó bị mù màu
Có một huyền thoại đã tồn tại rất lâu. Đó là cho rằng mèo và chó chỉ có thể thấy được 2 màu đen, trắng. Thông tin này xuất hiện sau một thử nghiệm vào năm 1915. Kết quả cho thấy mèo không phân biệt được giữa màu xám và các màu sắc khác.
Nhưng các thí nghiệm sau đó lại cho thấy mèo có thể nhìn thấy màu sắc, nhưng không nhìn ra được màu đỏ, hoặc chúng thấy màu đỏ không rõ ràng như con người.
Trong một thí nghiệm tương tự, người ta nhận thấy rằng chó chỉ bị mù màu một phần và nó không phân biệt được giữa màu đỏ với màu da cam. Tuy nhiên, đối với những màu sắc còn lại chó vẫn có thể nhìn thấy một cách rõ ràng.
- Con người chỉ có 5 giác quan
Nguyên lý 5 giác quan cơ bản của con người được bắt nguồn từ Aristotle. Nhưng thực tế đây là một nhận định chưa đầy đủ về các giác quan của chúng ta.
Nếu bộ não mang ý nghĩa là nơi tiếp nhận thông tin về thế giới, thì con người có hơn 5 giác quan cần được đặt tên.
Đói, khát và đau cũng chính là các giác quan của con người. Chúng cung cấp cho bộ não những thông tin về trạng thái cơ thể của chúng ta. Ngoài ra, con người cũng đang sở hữu các thụ thể nhạy cảm với nhiệt độ và áp suất không khí. Danh sách này có thể tiếp tục được kéo dài, tùy thuộc vào định nghĩa giác quan của chúng ta.
- Bản đồ vị giác trên lưỡi
Bạn có nhớ cách phân chia sơ đồ vị giác của lưỡi? Nó bao gồm 4 khu vực chính là: ngọt, chua, mặn và đắng. Sơ đồ này khẳng định rằng: Những vùng vị giác được xác định cụ thể sẽ giúp bạn cảm nhận các hương vị một cách rõ ràng. Nhưng bạn nên quên đi huyền thoại này mãi mãi!
Trên thực tế, có 5 vị giác cơ bản và khoa học đã chứng minh toàn bộ vùng lưỡi của bạn có thể cảm nhận được chúng. Ý tưởng về bản đồ vị giác của lưỡi có từ năm 1901. Sau đó, nó đã nhiều lần được chứng minh là sai lầm!
- Đường gây hiếu động
Nhiều phụ huynh tin rằng có mối liên hệ mật thiết giữa sự hiếu động của các bé và chế độ ăn uống của chúng. Nhưng trên thực tế phần lớn các nghiên cứu đã thất bại, khi cố gắng tìm ra mối liên hệ giữa việc tiêu thụ đường và hành vi của trẻ.
Hơn nữa, các nghiên cứu còn cho thấy rằng: Khi cha mẹ không nhìn thấy được việc sử dụng đường của con họ là có hay không, thì sự liên tưởng của phụ huynh về mối liên hệ giữa đường và hành vi của trẻ lập tức biến mất.
- Chuột Lemming tự sát tập thể
Một trong những tin đồn phổ biến nhất về chuột Lemming là khi nào chúng quá đông mà thức ăn lại không đủ, một nhóm nhỏ phải rời bầy và cùng nhau lao mình xuống vách núi tự tử, để bầy còn lại không bị chết đói.
Tin đồn này được lan truyền vào năm 1958, bắt nguồn từ bộ phim thiên nhiên hoang dã “White Wilderness” của Disney. Bộ phim này đã ghi lại cảnh hàng loạt các chú chuột Lemming nhảy khỏi vách đá, nhưng thực tế những cảnh quay đó là do con người dàn dựng. Họ đã đẩy những con chuột Lemming khỏi vách đá.
Đôi khi những chú chuột Lemming có thể nhảy ra khỏi vách đá hoặc bơi một chặng đường dài trong quá trình di cư. Tuy nhiên, hành động này nhằm mục đích tìm kiếm một nơi trú ẩn mới, chứ không hề để tự sát.
- Chim đà điểu lẩn trốn bằng cách vùi đầu vào cát
Đà điểu vùi đầu trong cát khi sợ hãi là hiểu lầm phổ biến. Nhưng thực tế khi đà điểu cảm thấy nguy hiểm chúng thường cố gắng chạy trốn. Nếu đà điểu không thể chạy trốn, chúng sẽ rũ đầu xuống đất và đứng yên.
Sự thật là đà điểu chỉ vùi đầu xuống đất khi muốn nuốt sỏi và cát để giúp tiêu hóa thức ăn. Hoặc chúng sẽ vùi đầu khi cần đào hố đẻ trứng.
- Cá vàng có “trí nhớ 3 giây”
Ai đó có trí nhớ tệ thường được so sánh với não cá vàng, loài vật được cho là chỉ lưu trữ thông tin trong 3 giây. Nhưng điều này có phải là sự thật?
Một thí nghiệm đã huấn luyện cá vàng để phản hồi một số âm thanh nhất định. Sau vài tháng luyện tập, chúng có thể làm công việc này rất tốt.
Như vậy rõ ràng, cá vàng có thể nhớ mọi thứ tối đa trong 3 tháng và thậm chí nó còn có khả năng xác định thời gian.
- Não người không thể sản xuất neroun thần kinh mới
Đây là một quan niệm sai lầm nhưng rất phổ biến. Nhiều người tin rằng khi các neroun thần kinh chết đi sẽ không có neroun mới xuất hiện.
Nhưng nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng bộ não của chúng ta vẫn tiếp tục sản sinh các neroun thần kinh mới. Quá trình này được gọi là neurogenesis.
- Máu trong tĩnh mạch có màu xanh
Đây là một thông tin sai lầm khác về tĩnh mạch, và đáng ngạc nhiên là nó lại rất phổ biến.
Theo đó, đúng là các tĩnh mạch của chúng ta có màu xanh. Nhưng loại màu xanh được nhìn thấy chỉ xuất hiện khi các bước sóng ánh sáng phản chiếu trên làn da của bạn. Lúc này ánh sáng đỏ bị hấp thụ và ánh sáng xanh được phản xạ.
Còn trên thực tế, máu của con người luôn luôn có màu đỏ. Màu sắc này do một số lượng lớn các tế bào máu đỏ tạo ra.
- Lạc đà lưu trữ nước trong bướu của chúng
Đúng là lạc đà có thể tồn tại vài ngày mà không có nước. Nhưng không phải nhờ vào lượng nước mà chúng đã dự trữ trong bướu như mọi người thường nghĩ.
Thật ra, các bướu của lạc đà được sử dụng để lưu trữ mô mỡ chứ không phải nước. Những mô mỡ này cung cấp cho lạc đà nguồn năng lượng giá trị và nó có thể thay thế cho thức ăn. Điều này có ý nghĩa rất lớn đến sự sống còn của chúng, nhất là tại một nơi khan hiếm thức ăn như sa mạc.
Vậy đâu mới là nơi mà lạc đà dùng để trữ nước? Đó chính là thận và ruột của nó.
Bạn có ngạc nhiên về sự thật của các huyền thoại được đề cập trong bài viết này không? Bạn có biết một số quan niệm sai lầm khác cần được thêm vào danh sách này hay không? Nếu có, bạn hãy chia sẻ với chúng tôi!
Uniwriter, theo Brightside