Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nói gì về tình trạng ‘phát nhầm’, ‘nhận nhầm’ tiền hỗ trợ Covid-19?
Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho rằng việc “phát nhầm”, “nhận nhầm” tiền hỗ trợ Covid-19 ở một số địa phương là do những địa phương này chủ yếu tiến hành thủ công dẫn đến sai sót.
Theo PLO, trong báo cáo vừa gửi tới các đại biểu Quốc hội liên quan đến việc thực hiện gói hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH cho biết trước tình hình dịch COVID-19, Chính phủ giao đơn vị này triển khai hai gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp với số tiền 64.000 tỷ đồng.
Tính đến ngày 7/11, tổng kinh phí đơn vị phê duyệt hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 là 26.390 tỷ đồng (cao hơn so với mức dự kiến 26.000 tỷ đồng), hỗ trợ 26,98 triệu lượt đối tượng.
Báo Dân Việt ngày 9/11 dẫn lời ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, tính đến ngày 7/11, tổng kinh phí đơn vị phê duyệt hỗ trợ là 26.390 tỷ đồng (cao hơn so với mức dự kiến 26.000 tỷ đồng), hỗ trợ 26,98 triệu lượt đối tượng.
Do tình hình dịch bệnh diễn biến kéo dài dẫn đến số người cần được hỗ trợ quá lớn, khiến việc triển khai gói hỗ trợ gặp nhiều khó khăn. Một số đơn vị vẫn còn cứng nhắc, nhiều thủ tục rườm rà khi chi hỗ trợ.
Đặc biệt tại một số địa phương còn xảy ra tình trạng “phát nhầm”, “nhận nhầm” tiền hỗ trợ. Tuy nhiên, ông Dung cho hay tình trạng đó chỉ là do phương thức quản lý thủ công dẫn đến sai sót.
“Ở nhiều địa phương vẫn chủ yếu tiến hành thủ công, chưa quan tâm đúng mức sử dụng cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin vào chi trả hỗ trợ, nên tình trạng “phát nhầm”, “nhận nhầm” xảy ra ở một số địa phương”, theo nội dung báo cáo.
Về gói hỗ trợ cho doanh nghiệp có quy mô 7.500 tỷ đồng được triển khai từ đầu tháng 7/2021, nhưng đến nay mới giải ngân 745,9 tỷ đồng, đạt chưa đầy 1% dù đầu tháng 10 điều kiện để doanh nghiệp được vay hỗ trợ đã được “nới lỏng”, theo quyết định bỏ yêu cầu “doanh nghiệp phải không có nợ xấu”.
Trước các tình trạng trên, Bộ nhận định là do một số chính sách còn chưa thực sự phù hợp với thực tiễn, không hấp dẫn và người sử dụng lao động khó tiếp cận như: Chính sách cho doanh nghiệp vay trả lương và phục hồi sản xuất từ nguồn tái cấp vốn qua Ngân hàng Chính sách xã hội; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo và đào tạo lại từ quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
Về giải pháp, Bộ LĐ-TB&XH đã trình sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến pháp lý để mở rộng đối tượng thụ hưởng, đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục để người lao động và người sử dụng lao động được hỗ trợ kịp thời, đặc biệt là chính sách cho vay trả lương từ Ngân hàng Chính sách xã hội.
Trước mắt, bộ sẽ lập 12 đoàn kiểm tra tại 33 tỉnh, TP để đôn đốc triển khai giám sát, đánh giá, lập danh sách, phê duyệt và hỗ trợ, trường hợp phát hiện vi phạm sẽ kiến nghị xử lý nghiêm.
Bộ đề nghị các tỉnh thành lập danh sách, phê duyệt, hỗ trợ, trong đó tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ của người lao động qua bưu chính, trực tiếp, trực tuyến, Cổng dịch vụ công quốc gia, email… linh hoạt trong việc giải quyết hồ sơ.
Đề nghị Bộ Tài chính cấp kinh phí và hướng dẫn các tỉnh thành chuẩn bị kinh phí để sớm chi trả cho các nhóm hỗ trợ đã được phê duyệt.
Yên Yên (t/h)