Bộ Thương mại Mỹ mở cuộc điều tra chống phá giá nhôm của Trung Quốc
Chính quyền của ông Donald Trump vừa tuyên bố tiến hành một cuộc điều tra chống bán phá giá các sản phẩm nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc.
Chính quyền Trump đã phát động một đợt tấn công thương mại mới chống lại Trung Quốc vào ngày 28/11 vừa qua. Động thái điều tra chống bán phá giá “tự phát” đối với nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc đánh dấu lần đầu tiên kể từ năm 1985, Bộ Thương mại Mỹ tự tiến hành điều tra mà không có yêu cầu từ các bên liên quan trong ngành. Cuộc điều tra tương tự gần nhất được tiến hành dưới thời Reagan với cuộc điều tra nhằm vào chip bán dẫn nhập khẩu từ Nhật Bản, trong lúc căng thẳng giữa hai bên đang lên cao.
Bộ trưởng Wilbur Ross cho biết: “Tổng thống Donald Trump đã chỉ rõ ngay từ đầu rằng các hình thức thương mại bất công sẽ không được tha thứ khi ông tại nhiệm. Hành động ngày hôm nay cho thấy chúng tôi sẽ thực hiện lời hứa đó với người dân nước Mỹ”. Ross cũng cho biết Bộ Thương mại đã làm việc với ngành công nghiệp nhôm tại Mỹ nhằm điều tra vụ việc.
Chuyên gia thương mại Chad Bown từ Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho biết động thái điều tra tự phát này có thể là một “dấu hiệu hiếu chiến”. Ông chia sẻ: “Chính quyền Trump sẽ không đợi các ngành công nghiệp Mỹ đứng lên và yêu cầu điều tra – họ đang thể hiện mong muốn bảo hộ nhập khẩu , ngay cả khi các doanh nghiệp Mỹ không đòi hỏi điều đó”.
Cuộc điều tra được tiến hành chỉ một vài tuần sau chuyến công du Trung Quốc của ông Trump. Trong chuyến công du này, Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đã thể hiện sự thân thiện và mối quan hệ cá nhân ngày càng thân thiết.
Bên cạnh đó, ông Trump cũng đang phải đối mặt với ngày càng nhiều chỉ trích trong nước do trì hoãn các hành động thương mại chống Trung Quốc khác mà ông từng hứa hẹn, đặc biệt là thất bại trong thực hiện cam kết sẽ chính thức chứng minh Trung Quốc thao túng tiền tệ.
Để đáp lại công chúng, chính quyền Trump hứa sẽ cứng rắn hơn trong vấn đề thương mại với Trung Quốc. Cuộc điều tra chống bán phá giá nhôm và những động thái tương tự có thể sẽ châm ngòi chiến tranh thương mại với Trung Quốc như nhiều người Mỹ theo chủ nghĩa dân tộc về kinh tế mong muốn.
Nhiều quan chức khẳng định các cuộc điều tra gây tranh cãi liên quan tới nhôm và thép nhập khẩu sẽ sớm có kết quả. Mục tiêu của các cuộc điều tra này là kiểm soát lượng xuất khẩu tăng mạnh từ Trung Quốc trong những năm gần đây.
Một cuộc điều tra riêng biệt về vấn đề đánh cắp tài sản trí tuệ của Trung Quốc và các quy định buộc nhà đầu tư nước ngoài phải chuyển giao công nghệ then chốt cũng đang trong quá trình chuẩn bị và có khả năng sẽ bắt đầu trong một vài tháng tới.
Quốc hội Mỹ cũng đang xem xét một dự luật mới về việc thắt chặt giám sát các khoản đầu tư nước ngoài trực tiếp vào Mỹ, đặc biệt là trước thái độ quan tâm ngày càng lớn của Trung Quốc đối với các ngành chiến lược như sản xuất chip bán dẫn.
Cuộc điều tra chống bán phá giá khởi xướng vào ngày 28/11 vừa rồi là ví dụ gần nhất cho thấy chính quyền Trump đang dần tách khỏi con đường thương mại chính thống của Washington. Điều tra trợ giá hoặc bán phá giá thường xuất phát từ đề nghị từ các bên liên quan trong ngành.
Tuy nhiên, phần lớn, với những trường hợp này, khi phản hồi những phàn nàn từ các đối tác thương mại, Mỹ từ lâu đã luôn nhấn mạnh những chỉ đạo từ phía Bộ Thương mại về những tranh chấp này gần như chỉ mang tính pháp luật và kĩ trị. Dù vậy, với động thái điều tra tự phát, Ross đã phủ nhận nhận định trên và khẳng định với tư cách là một bên liên quan khi xảy ra tranh chấp, Bộ Thương mại sẽ đưa ra quyết định.
Ross cho biết các bằng chứng Bộ Thương mại thu thập được cho thấy giá nhôm tấm của các nhà sản xuất Trung Quốc tại Mỹ thấp hơn giá trị hợp lý và Bắc Kinh đã trợ giá cho các nhà xuất khẩu, gây thiệt hại cho ngành công nghiệp Mỹ. Vào năm 2016, giá trị nhập khẩu nhôm tấm Trung Quốc của Mỹ đạt trên 600 triệu USD.
Tai bay vạ gió
Trong tháng 2/2017, Trung Quốc đã sản xuất 2,95 triệu tấn nhôm, nhiều nhất từ trước tới nay. Và chính phủ Trung Quốc đã chi ngân sách viện trợ cho các nền công nghiệp lớn, không chỉ có nhôm mà còn cả sắt thép, xi măng, thủy tinh.
Nhiều chuyên gia đặt nghi vấn về việc các nước đang sở hữu ưu đãi về thuế, trong đó có Việt Nam có thể bị lợi dụng trong việc cấp nguồn gốc xuất xứ (C/O) để xuất sang nước thứ ba nhằm tận dụng lợi thế về thuế đối với sản phẩm nhôm.
Lý do là xuất khẩu phôi nhôm từ Trung Quốc vào Mỹ bị áp thuế chống bán phá giá tới 374% trong khi mức thuế cho mặt hàng này có xuất xứ từ Việt Nam chỉ vào khoảng 5%.
Theo Wall Street Journal, sau khi bị Mỹ đánh thuế bán phá giá, công ty của tỉ phú Liu Zhongtian và nhiều nhà xuất khẩu nhôm Trung Quốc đã tìm cách thành lập các pháp nhân bí mật tại những nước như Mexico hay Việt Nam để che giấu nguồn gốc xuất xứ nhằm trốn thuế khi xuất khẩu hàng của mình vào Mỹ.
Hồng Liên t/h