Bộ phim “Góc khuất của thế giới”: Câu chuyện đời thường bên lề Thế chiến II
Dù bạn là người Nhật hay người nước ngoài, thì khi xem bộ phim hoạt hình “Góc khuất của thế giới” cũng có thể cảm nhận được phần nào sức sống mãnh liệt của tầng lớp người dân hiền hòa Nhật Bản trong thời chiến.
Nhắc đến chiến tranh thì bạn nghĩ các nhà làm phim sẽ đưa đề tài gì lên màn ảnh? Cuộc chiến đẫm máu, pha hành động gay cấn, màn đấu tranh tâm lý giữa hai phe… thì “Góc khuất của thế giới” lại mang một không khí khác: Vượt trên thống khổ của chiến tranh là ý chí sống còn bất diệt.
Sống, kiểu gì cũng phải lạc quan mà sống!
Nhân vật chính trong phim là Suzu, một cô gái hiền lành nhút nhát, có phần hơi… chậm chạp và ngờ nghệch. Không phải hình tượng nữ anh hùng trong cuộc chiến giúp tăng thêm phần kịch tính cho phim, chỉ đơn giản là một cô gái dịu dàng Suzu, lặng lẽ sống nhưng sức sống luôn mãnh liệt – đại diện được cho tầng lớp người dân hiền hòa ở mặt trận “hậu phương”, chịu nhiều khổ đau nhưng không bao giờ đầu hàng số phận.
Suzu thích vẽ, cách cô bé nhìn sự vật và liên tưởng rất thú vị. Bạn có bao giờ nghĩ:
Con sóng biển nhấp nhô lại có thể là những chú thỏ đang tung tăng bay nhảy?
Bạn có thể tưởng tượng thành pháo bông rực rỡ trên trời cao khi tận mắt nhìn thấy hàng trăm quả bom đang nổ tung chứ?
Có bao giờ dành thời gian chăm chú nhìn đàn kiến men thành hàng dài tiến vào… hũ đường?
Khi lạc đường, chắc chắn bạn sẽ không thể bình tĩnh… ngồi chồm hổm và vẽ tranh.
Trong bụi khói mù mịt bởi những quả bom thả xuống, bạn có thể giặt đồ và phơi đồ…?
Thế nhưng đó là những hành động của Suzu! Tâm hồn Suzu phải thật sự trong sáng, luôn hướng tới tương lai tích cực mới có thể nhìn ra được nét đẹp bình dị của ngay trong bối cảnh hoang tàn như thế. Phải chăng chúng ta nên học hỏi từ cô bé Suzu đặc biệt này, để có một cuộc sống tích cực hơn, bớt đi những điều phiền muộn.
Không chỉ có Suzu, rất nhiều những nhân vật trong phim làm tôi phải ấn tượng theo nhiều cách khác nhau, nhưng gộp chung lại, họ luôn cố gắng vượt trên hoàn cảnh khó khăn và tiếp tục cuộc sống theo một hướng tích cực nhất.
Sống, phải sống! Bom nổ trên đẩu? Vào hầm trốn, Suzumaats tay phải? Vẫn sống và làm việc bình thường. Khi bé Harumi chết, nhân vật Keiko đã rất đau khổ nhưng sau đó, cô vẫn tiến về phía trước như bao người. Kiểu gì cũng phải sống, vì được sống là có thêm cơ hội để mang lại điều có ích cho cuộc đời.
Tâm huyết của ekip khi tái hiện nền văn hóa Nhật Bản cổ xưa trong 120 phút
Không phải chỉ có cốt truyện mới làm cho bộ phim nhận được cơn mưa giải thưởng, trên dưới 40 giải trong đó có “Phim hoạt hình xuất sắc nhât” tại giải Viện Hàn Lâm Nhật Bản lần thứ 40, “Góc khuất của thế giới” còn khiến người xem mê mẩn bởi cách vẽ rất đẹp và gần gủi.
Đạo diễn Sunao Katabichi “xuất thân” từ xưởng phim Ghibli của huyền thoại Hayao Miyazaki, nên chắc chắn bạn sẽ cảm nhận được nét vẽ gần như toàn bộ có xuất phát điểm từ Ghibli như thế nhưng chất liệu làm nên “thương hiệu Sunao Katabuchi” không mang nhiều dáng dấp của Ghibli, mà bắt nguồn từ sự chuẩn bị công phu của ông và ekip làm phim.
Ekip làm phim đã phải qua thống kê nhiệt độ, từng đợt thủy triều lên, cách con tàu neo tại bến cảng mỗi ngày để có số liệu, hình ảnh bối cảnh ở tỉnh Hiroshima chính xác nhất. Với trang phục của nhân vật, đạo diễn đã lấy trực tiếp từ nguyên tác manga của Fumiyp Kono vì đây cũng là một điểm cực kỳ quan trọng, thể hiện người dân Nhật Bản đã sống, mặc như thế nào trong điều kiện thiếu thốn thời chiến tranh.
Đạo diễn Sunao còn đến thăm Bảo tàng về cuộc sống người dân thời kỳ Showa không biết bao nhiêu lần để xem từng vật dụng, hỏi thăm lối sống của người dân Nhật Bản trong những năm tháng trước và sau chiến tranh. Ông cũng đã dành rất nhiều thời gian để phỏng vấn những “nhân chứng sông”, những bậc cao niên từng có tuổi thơ ở Hiroshima hơn 70 năm trước với mong muốn rằng,”Dù bạn là người Nhật hay người nước ngoài, khi xem bộ phim này cũng sẽ giúp bạn khắc họa được phần nào đó khung cảnh bình yên của một Nhật Bản của nhiều năm về trước”.
Theo Kilala.vn