Bộ Ngoại giao nói về vụ hơn 40 người nhảy xuống sông trốn khỏi casino ở Campuchia
Liên quan đến vụ hơn 40 người Việt nhảy xuống sông trốn khỏi casino ở Campuchia, Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia đã liên hệ chính quyền địa phương để làm rõ thông tin, kiểm tra cơ sở này.
Theo báo Tuổi Trẻ, liên quan đến vụ hơn 40 người nhảy sông trốn khỏi casino ở Campuchia, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng ngày 19/8 cho biết, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia liên hệ với cơ quan chức năng sở tại làm rõ thông tin, kiểm tra cơ sở liên quan.
Việt Nam cũng đề nghị phía Campuchia hỗ trợ tìm kiếm người bị mất tích cũng như điều tra nguyên nhân vụ việc, đồng thời khẩn trương triển khai các biện pháp bảo hộ công dân.
‘Có dấu hiệu của tội phạm mua bán người‘
Theo nguồn tin từ VTC News, Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình nhận định vụ việc hơn 40 người Việt nhảy sông trốn khỏi casino ở Campuchia có dấu hiệu của tội phạm mua bán người nên đã đề nghị công an An Giang thụ lý điều tra.
Trước đó, báo Vnexpress đưa tin, do không chịu nổi cảnh bị giam cầm, tra tấn, bóc lột sức lao động, 42 người Việt làm việc tại một casino ở Campuchia ngày 18/8 đã liều mạng ‘phá vòng vây’, nhảy xuống sông Bình Di để bơi về lại Việt Nam. Trong nhóm có 7 – 8 người không biết bơi nhưng vẫn liều mạng nhảy xuống dòng nước chảy xiết do lũ thượng nguồn đổ về, cố gắng thoát sang bờ bên kia.
Một người trong số này đã bị bảo vệ casino bắt lại, còn 1 người khác bị mất tích trong quá trình bơi về Việt Nam.
‘Công việc chẳng khác nào địa ngục’
“Tối hôm qua cả nhóm không ai ngủ được vì quá ám ảnh. Tôi cứ nhắm mắt lại là thấy nước ngập qua đầu, tai luôn vang tiếng gậy nhóm bảo vệ đánh đập người bị bắt lại”, chị Đoàn Thị Ngọc Diệp (20 tuổi, quê Cao Bằng) chia sẻ hôm 19/8.
Vợ chồng Diệp thuộc nhóm 40 người may mắn chạy thoát về Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, tỉnh An Giang.
“4 tháng vợ chồng tôi bị lừa bán sang Campuchia làm việc trong casino chẳng khác gì địa ngục”, chị Diệp kể. Ba năm trước họ sang Bắc Ninh làm công nhân nhưng lương không đủ sống. Hồi tháng 4, chị Diệp bàn với chồng tìm việc khác. Thấy thông tin tuyển dụng trên Facebook, chị tìm hiểu thì được môi giới mời gọi công việc lương thấp nhất 25 triệu đồng.
“Họ bảo công việc rất nhàn, làm việc trên máy tính, trong phòng lạnh”. Bị hấp dẫn bởi mức lương gấp 4 lần hiện tại, vợ chồng chị Diệp xếp đồ, lên ôtô theo chỉ dẫn của môi giới. Sau 3 ngày di chuyển, 4 – 5 lần chuyển xe, hai người đã có mặt trên đất Campuchia. Từ thời điểm đó, vợ chồng chị Diệp bị chủ casino doạ nạt, bắt lao động cật lực.
Tháng đầu chị được đào tạo sử dụng nick ảo để mời gọi người khác tham gia game hẹn hò, dụ dỗ họ nạp tiền. Biết bản chất công việc lừa đảo nhưng chị không có lựa chọn khác bởi “nếu không làm sẽ bị đánh đập thậm chí đe doạ tính mạng”. Nhiều tháng không đạt chỉ tiêu (kiếm được 300 triệu mỗi tháng cho chủ), chị bị dọa đưa lên tầng trên chích điện. Có ngày chị phải làm đến 14 tiếng, lê lết về phòng chỉ muốn lăn ra ngủ.
Lúc nhóm người Việt làm cùng casino bàn kế hoạch đào tẩu, vợ chồng chị lưỡng lự vì chỉ còn 2 tháng nữa sẽ được thả về như chủ đã hứa. Nhưng nghĩ lại, chị Diệp thấy khả năng cả 2 vợ chồng sẽ bị bán cho chủ khác, tình huống tệ hơn có thể chết trên đất khách. Trước lựa chọn sinh tử, chị Diệp và nhiều người chỉ có ý niệm duy nhất “thà chết ở quê hương, chứ không chết trên đất người khác”…
Xuân Hạ (t/h)