Việt Nam phản đối Mỹ vinh danh blogger có biệt danh Mẹ Nấm
Mới đây, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã trao giải “Phụ nữ Can đảm Quốc tế” năm 2017 cho blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Đại diện Bộ ngoại giao Việt Nam lập tức lên tiếng cho rằng việc trao giải thưởng này không có lợi cho việc phát triển quan hệ hai nước…
Trả lời câu hỏi của phóng viên về đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã trao giải “Phụ nữ Can đảm Quốc tế” năm 2017 cho blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nêu rõ:
“Việt Nam cho rằng Bộ Ngoại giao Mỹ trao giải thưởng cho một cá nhân đang bị tạm giam để điều tra vì hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam là một hành động thiếu khách quan, không phù hợp và không có lợi cho việc phát triển quan hệ hai nưcớc”, ông Lê Hải Bình nói.
Bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh được biết đến nhiều nhất dưới cái tên “Mẹ Nấm”, 38 tuổi, trú tại 24 Đặng Tất, Vĩnh Phước, TP Nha Trang, Khánh Hòa.
Bà Quỳnh từng bị bắt nhiều lần vì tham gia các hoạt động dân sự, đòi dân quyền, biểu tình phản đối Trung Quốc chiếm biển đảo tại Biển Đông, và phản đối tập đoàn Formosa của Đài Loan trong vụ việc cá chết hàng loạt tại miền Trung.
Về hoạt động vinh danh này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Tom Shannon trong phát biểu tại Lễ trao giải thưởng Phụ nữ Quả cảm Quốc tế 2017 đã nói: “Kể từ 2007, giải thưởng này đã vinh danh các phụ nữ trên toàn cầu, những người đã cho thấy sự quả cảm và sự lãnh đạo đặc biệt xuất sắc, đã lấy sức mạnh từ nghịch cảnh để giúp cải tạo xã hội”.
Ông cũng nói những người được giải thưởng đã huy động dư luận và cả chính phủ để “vạch trần và xử lý bất công, cất tiếng nói chống lại tham nhũng, ngăn ngừa khủng bố bạo lực và đứng lên bảo vệ pháp quyền và hòa bình…”.
Trong số các phụ nữ khác được Bộ Ngoại giao Mỹ vinh danh, còn có các phụ nữ đến từ Botswana, Cộng hòa Dân chủ Congo, Niger, Papua New Guinea, Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Iraq, Yemen, Sri Lanka, Bangladesh, Colombia và Peru.
Trước việc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chọn blogger Mẹ Nấm cùng 12 phụ nữ khác trên khắp thế giới cho Giải thưởng Người Phụ nữ Can đảm Quốc tế, trên trang Mạng Lưới Blogger Việt Nam nhiều người đã bày tỏ tâm tình đối với Mẹ Nấm qua sự kiện này.
Linh mục Anton Lê Ngọc Thanh nói rằng ông “vui vì những nỗ lực hết mình, bất chấp rủi ro của Mẹ Nấm dành cho quyền tự do ngôn luận, bảo vệ các nhà hoạt động và ngăn chặn tình trạng bị chết trong đồn công an, đã được không chỉ người Việt Nam trong nước và hải ngoại biết đến, mà được cả Bộ ngoại giao Hoa Kỳ công nhận đó là một giá trị xứng đáng cả thế giới khen ngợi”.
Luật sư Lê Công Định ở Sài Gòn phát biểu: “Tin Mẹ Nấm được Bộ ngoại giao Hoa Kỳ trao Giải thưởng Phụ nữ quốc tế dũng cảm thật sự làm tôi xúc động mạnh. Đó là sự nhìn nhận ở tầm mức quốc tế công sức bao năm qua của chị trong công cuộc tranh đấu cho quyền tự do ngôn luận nói riêng và quyền con người nói chung ở Việt Nam. Giải thưởng này tôn vinh những phụ nữ bị bắt giam, đánh đập và đe dọa giết chết vì đã đứng lên cho công lý, nhân quyền và pháp trị. Mẹ Nấm hoàn toàn xứng đáng với giải thưởng này, và chị đã đi vào lịch sử không chỉ của Việt Nam, mà còn của nhân loại như một chiến sĩ tranh đấu bảo vệ các giá trị tốt đẹp nhất của nền văn minh chúng ta”.
Một người dùng Facebook cũng lên tiếng trước giải thưởng của Blogger Mẹ Nấm: “Ngày trước lúc sinh viên nghe đài báo nói Mỹ, Châu Âu hay can thiệp vào các vấn đề nhân quyền của Việt Nam hay một số nước khác, hay chuyện cử quan sát viên giám sát bầu cử một số nước. Lúc đó mình nghĩ sao bọn đó xấu thế việc của nội bộ người ta cứ xía vô làm gì? Giờ thì hiểu chỉ có người văn minh người ta mới can thiệp vào nhân quyền, quyền tự do cơ bản của con người. Kiểu như trong gia đình chồng có bịt miệng vợ đánh nhiều lần thì các đoàn thanh niên, hội phụ nữ không liên quan cũng phải đến nhắc nhở ông chồng. Lúc đó không phải là chuyện riêng gia đình nữa mà còn là quyền bình đẳng của phụ nữ, bạo lực gia đình, vi phạm luật hôn nhân gia đình và cả vi phạm luật hình sự”.
TinhHoa tổng hợp