Bình Thuận tuyên bố không sử dụng Sách giáo khoa tiếng Việt Công nghệ Giáo dục
Trước những bức xúc của dư luận về nội dung bộ Sách giáo khoa (SGK) Công nghệ giáo dục tiếng Việt lớp 1 sau khi clip cô giáo giảng dạy được chia sẻ trên mạng xã hội, Đà Nẵng, Tp. HCM, và Bình Thuận đã có tuyên bố về việc không sử dụng bộ sách này.
Theo bài phỏng vấn của trang Bình Thuận Online, bà Nguyễn Thị Toàn Thắng – Phó Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Bình Thuận nhận định về clip giảng dạy nói trên:
“Về cách dạy đánh vần theo sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại. Đây là chương trình được Bộ GD&ĐT đưa vào thí điểm từ năm 1986 ở nhiều tỉnh thành.
Mục đích của tài liệu này để hỗ trợ cách đánh vần cho học sinh, đặc biệt là học sinh dân tộc thiểu số và một số học sinh có khó khăn trong việc ghép âm, đánh vần. Các tỉnh, thành sẽ lựa chọn những đặc điểm phù hợp với chương trình để triển khai tại địa phương mình.
Tuy nhiên, ở Bình Thuận chúng ta không áp dụng tài liệu dạy học này ở bất cứ trường tiểu học nào”.
Giải đáp về nguyên nhân không áp dụng bộ sách này, bà Thắng cho biết: “Vì lâu nay, tại Bình Thuận học sinh lớp 1 chúng ta chỉ thực hiện theo sách Tiếng Việt của chương trình sách giáo khoa hiện hành được áp dụng đại trà của Bộ GD&ĐT từ năm học 2001-2002. Từ đó đến nay, chất lượng học tập của học sinh khi sử dụng chương trình sách giáo khoa này ổn định và có hiệu quả trong nhiều năm”.
Video: Clip cô giáo dạy cách đánh vần mới theo sách giáo khoa Tiếng Việt Công nghệ giáo dục lớp 1
Nhận định của phụ huynh về nội dung sách Tiếng Việt – Công nghệ giáo dục lớp 1
- Không mang tính giáo dục
Chị Lê Phương T., một phụ huynh sau khi tìm hiểu về bộ sach đã tỏ ra rất bức xúc. Theo quan điểm cá nhân, chị T. đánh giá những câu chuyện trong sách không mang tính giáo dục và nhiều bài học vô nghĩa, dùng từ ngữ hết sức… chợ búa.
Cụ thể, chị đề cập đến câu chuyện “Quả bứa”, với ngôn từ “mày – tao”, cách ngắt câu khó hiểu và nội dung thể hiện sự thiếu chuẩn mực trong cách cư xử của người lớn. Bên cạnh đó trong bài “Mụ phù thủy”, cách sử dụng cụm từ so sánh “dữ như quỷ sứ” được cho là cách dùng phản giáo dục.
Bên cạnh đó, chị T. cũng cho rằng nội dung sách ẩn hiện những thói hư tật xấu, mà ở độ tuổi chưa hiểu chuyện có thể bắt chước theo, như tọc mạch, nói dối, sự ranh mãnh.
- Sử dụng những cụm từ mà ngày cả người lớn cũng chưa hiểu
Ví dụ các cụm từ như “trăm thứ bà giằn”, “bạt ngàn san dã”,… Một phần dẫn đến sự khó hiểu này là ngôn từ mang tính địa phương, cục bộ chứ không phải dạng từ phổ thông, ví dụ: gà qué, quả chấp, bé huơ, khuơ mũ, quện nhau, quả muỗm,… Hệ lụy của việc học những cụm từ xa rời thực tế và khó hiểu này là việc trẻ có thể học vẹt, học như máy.
“Thấy đa phần trong sách đều dùng từ ngữ ngoài miền Bắc, trong Nam mình đọc khó hiểu. Nhiều đoạn văn thật không ngờ là được đưa vào để dạy trẻ con, tụi nhỏ trong sáng thế thử hỏi mấy từ như “quỷ sứ” thì làm sao dạy nổi chúng”, chị L.Q. bức xúc.
Bộ sách này cũng bị các giáo viên phản ánh là có các cụm từ láy khó với cả người lớn, điển hình là thia lia, thìa lìa, chon chót, sứt sát, quằm quặp, khuýp khuỳm khuỵp…
Riêng về cách phát âm trong bộ sách Công nghệ giáo dục tiếng Việt, trước phản ánh của một số chuyên gia. Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Loan – Trung tâm Công nghệ Giáo dục NXB Giáo dục Việt Nam, đơn vị biên soạn sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục cho biết: “Đối với CNGD, việc truyền thông chưa được nhiều, rộng rãi nên có khá nhiều phụ huynh đặc biệt là phụ huynh ở vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn việc tiếp cận chưa được nhiều, trung tâm đang có những kế hoạch liên quan đến truyền thông giúp phụ huynh, cộng đồng hiểu hơn về bộ sách” .
Chương trình CNGD của GS Hồ Ngọc Đại được thí điểm năm 1978, sau đó năm 1985 được mở rộng ra các tỉnh. Đến năm 2000, chương trình được áp dụng tại 43 tỉnh, thành nhưng sau đó bị tạm dừng vì Luật Giáo dục 2005 quy định thực hiện một chương trình, một bộ sách giáo khoa thống nhất trong cả nước.
Đầu năm 2017, Bộ GD&ĐT đã cử một số đoàn công tác đi khảo sát, đánh giá hiệu quả thực hiện cuốn “Tiếng Việt – CNGD lớp 1” tại các địa phương trên toàn quốc. Dựa trên kết quả khảo sát thực địa này, ngày 19/04/2017, bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ban hành quyết định thành lập Hội đồng Quốc gia thẩm định cuốn “Tiếng Việt – CNGD lớp 1”.
Sau những ngày thẩm định, Bộ GDĐT đánh giá trong tương lai, nếu được nâng cao chất lượng, tài liệu này có thể được sử dụng như là một cuốn sách giáo khoa trong số những cuốn sách giáo khoa khác nhau khi cả nước áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới và chủ trương “một chương trình, nhiều sách giáo khoa” có hiệu lực.
Điều kiện tiên quyết là tài liệu này phải được Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa mới thẩm định và thông qua như tất cả các sách giáo khoa khác.
Trước mắt, nếu việc chỉnh sửa đáp ứng yêu cầu của Hội đồng và được Bộ GDĐT cho phép, thì tài liệu này có thể đưa vào nhà trường dưới hình thức thử nghiệm cho đến khi áp dụng sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Theo ST