Biểu tượng xe máy Nhật một thời sắp bị khai tử
Dòng xe máy động cơ 50cc của Nhật Bản có thể sắp “tuyệt chủng” vì những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về khí thải làm tăng chi phí sản xuất và nhu cầu sụt giảm.
Ngoài mùi tanh đặc trưng của hải sản, người mua hàng và khách tham quan chợ cá Tsukiji nổi tiếng ở Tokyo (Nhật) thường bị bủa vây bởi những âm thanh ồn ã liên tục. Chợ cá lớn nhất thế giới mở cửa từ trước bình minh này tràn ngập tiếng động cơ xe máy chở hàng tới các nhà hàng sang trọng gần quận Ginza.
Đó chính là âm thanh riêng biệt của những chiếc xe chạy động cơ 50cc. Cũng nhờ loại động cơ nhỏ gọn này, Honda đã trở thành nhà sản xuất xe máy lớn nhất thế giới.
Chợ cá Tsukiji phụ thuộc rất nhiều vào những chiếc xe máy 50cc chở hàng nhỏ gọn, dễ lái. Tuy nhiên, sự tồn tại của dòng xe máy này đang bị đe doạ bởi những quy định về khí thải nghiêm ngặt được thiết lập cho tới năm 2020. Cũng giống như các quốc gia trên toàn cầu, Nhật đã áp dụng các tiêu chuẩn về khí thải xe của EU làm cơ sở.
Những quy định này ban đầu chỉ giới hạn về các chất ô nhiễm trong khí thải nhưng phiên bản thứ tư có hiệu lực từ mùa thu tới đây yêu cầu hệ thống tự chẩn đoán để đảm bảo động cơ chạy sạch ít nhất 20.000 km. Đây chính là yếu tố góp phần xoá sổ những dòng xe máy 50cc nổi tiếng như Honda Z-Series hay Super Cub.
Phiên bản thứ năm có hiệu lực từ năm 2020 yêu cầu gia tăng tuổi thọ của phương tiện. Theo một nghiên cứu của Uỷ ban châu Âu (EC), quy định mới sẽ làm giảm một nửa lượng khí thải trong vòng 20 năm, nhưng chi phí sản xuất mỗi chiếc xe sẽ tăng thêm 111 euro (130 USD). Số tiền này tương đương 10% giá bán của một số mẫu xe máy Nhật.
Vì vậy, Honda, Yamaha, Suzuki đang dừng sản xuất hàng loạt và cảnh báo có thể xoá sổ hoàn toàn các mẫu xe 50cc khi mà chi phí ngày càng gia tăng. Những mẫu xe này sẽ dần trở thành một phân khúc không mang về lợi nhuận cho các nhà sản xuất trên thị trường xe máy Nhật trị giá khoảng 1,5 tỷ USD .
Những “nạn nhân” đầu tiên trong năm nay bao gồm cả “xe khỉ” – biểu tượng một thời cho dòng xe nhỏ Z-Series của Honda. Sau 50 năm ra mắt, những chiếc “xe khỉ” cuối cùng sẽ được xuất xưởng vào tháng 8.
“Xét trên một mặt nào đó, chúng tôi buộc phải điều chỉnh cho phù hợp với những quy định sắp được áp dụng nhưng trên phương diện công nghệ, chúng tôi đã phát triển tới tới giới hạn cao nhất. Chúng tôi không muốn sản xuất sản phẩm mà khách hàng không còn hài lòng với nó nữa”, theo Noriaki Abe – Giám đốc điều hành mảng xe máy của Honda cho biết.
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Nhật, khoảng 60% xe máy 50cc được bán trong năm 2016 là của Honda, phần còn lại là Yamaha và Suzuki. Doanh số của dòng xe này tại Nhật năm 2016 lao dốc 94% xuống còn hơn 162.000 chiếc so với thời điểm đỉnh cao hồi năm 1982 với khoảng 2,8 triệu chiếc.
“Đến năm 2020, phát triển sản phẩm sẽ cực kỳ khó khăn. Kiểm soát các thiết bị đo đạc sẽ trở nên phức tạp và tốn kém hơn“, CEO Hiroyuki Yanagi của Yamaha nhận định.
Chủ tịch Osamu Suzuki của Suzuki chia sẻ: “Những chiếc xe máy 100cc hay 50cc chắc chắn sẽ biến mất. Những chiếc 125cc hay 150cc sẽ trở thành giới hạn thấp hơn cho những phương tiện nhỏ“.
Còn Masayoshi Iwasaki – biên tập viên của tạp chí Scooter Days cho rằng: “Các nhà sản xuất không thể tiếp tục đổ tiền để phát triển“.
Tuy nhiên, tương lai ảm đạm của những chiếc xe máy 50cc hiện vẫn chưa xuất hiện tại chợ cá Tsukiji – nơi chúng vẫn được dựng trước các cửa hàng mỗi sáng trước bình minh.
Ông Hiroyukia Douko đã chở hàng bằng một chiếc Honda suốt ba thập kỷ cho biết, những chiếc xe khác không phù hợp vì quá lớn và cũng không tin tưởng xe máy điện. “Với tôi, xe 50cc là kích cỡ hoàn hảo. Những chiếc xe này là không thể thay thế”, người đàn ông 63 tuổi chia sẻ.
Xe 50cc từng là biểu tượng một thời của ngành sản xuất xe máy Nhật. Đồng thời, 50cc cũng là loại động cơ xe máy được sản xuất nhiều nhất trong lịch sử.
Mẫu Super Cub của Honda sẽ vượt mốc 100 triệu xe trong năm nay. Phiên bản Super Cub đầu tiên được sản xuất với một động cơ 50cc 4 kỳ nhưng hiện đã có sẵn nhiều loại động cơ tại hơn 160 quốc gia. Phiên bản 50cc hiện chỉ được sản xuất tại thị trường Nhật.
Theo VNE