Biên tập viên Mỹ phát hiện vấn đề của xe tự lái nhờ giao thông hỗn loạn ở Việt Nam
Từ trước đến nay tuyết và băng vẫn là thách thức với xe tự lái. Tuy nhiên, sau khi chứng kiến giao thông hỗn loạn ở Việt Nam, một biên tập viên Mỹ đã phát hiện các vấn đề lớn hơn của xe tự lái.
Xe tự lái đang là xu hướng hiện nay, tất cả các hãng từ Google đến Ford đều đang phát triển dòng xe này.
Nhiều cuộc thử nghiệm đã được thực hiện tại Singapore. Thậm chí bạn có thể tham gia đi xe mẫu để trải nghiệm cảm giác hồi hộp khi ngồi trong chiếc xe tự chạy trên đường cao tốc hay đường phố, và tự dừng lại khi gặp đèn đỏ.
Tuyết và băng vẫn là thách thức với xe tự lái nhưng đó chỉ là vấn đề cải tiến công nghệ. Tuy nhiên sau khi đến Việt Nam hồi tháng 8, Alexei Oreskovic của tờ Business Insider nhận thấy thách thức của xe tự lái không chỉ vậy, nó còn phải đối mặt với nhiều vấn đề cơ bản và lớn hơn.
Oreskovic cho hay, bất kỳ ai quen với cách lái xe ở Mỹ đều sẽ thấy giao thông Việt Nam hỗn loạn. Thay vì lái xe lịch sự và tuân theo đèn giao thông, đường phố ở đất nước hình chứ S khá “tự do”, mọi người dường như chạy xe theo ý thích bản thân, họ chủ yếu chỉ tránh tông nhau.
Khi lái xe, con người sử dụng nhiều giác quan, cả hình ảnh và âm thanh, cùng khả năng đa nhiệm tuyệt vời của não bộ để xử lý mọi tình huống. Trong khi xe tự lái hoạt động theo các lập trình hạn chế hơn nhiều.
Hồi tháng 2, một chiếc xe tự lái của Google đã va chạm với xe buýt công cộng Mountain View, California, vì cho rằng xe buýt sẽ dừng lại hoặc đi chậm lại.
Khi chạy trên đường phố Việt Nam, xe tự lái sẽ phải thực hiện hàng trăm dự đoán cấn thiết. Với hàng chục xe máy, ô tô, người đi bộ, tất cả đều di chuyển theo quy tắc riêng, thật dễ tưởng tượng ra cảnh một chiếc xe tự lái bị quá tải và đứng yên tại chỗ, không thể đưa ra quyết định di chuyển.
Giáo sư Raj Rajkumar tại Đại học Carnegie Mellon, một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về xe tự lái cho hay, mô hình giao thông như ở Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ đặt ra một thách thức lớn cho các phương tiện tự lái.
Tuy nhiên, ông tin rằng công nghệ sẽ xử lý được điều đó, nhưng sẽ mất thời gian khá dài. Phải hơn 10 năm, Rajkumar ước tính.
“Cảm biến trên xe tự lái sẽ có một số điểm không chính xác, và cũng đòi hỏi một lượng lớn phép toán. Việc thiết kế, thực hiện và thử nghiệm này sẽ mất thời gian“, ông nói.
Có lẽ điều quan trọng hơn, theo Rajkumar, ngành công nghiệp cần phải “giải mã” giao thông ở những nơi như Việt Nam, nơi mọi người sử dụng “quy tắc ngầm”.
Chuyên gia xe tự lái đã làm việc với GM để phát triển một hệ thống liên kết “xe với xe” và “xe với người” để xử lý thách thức này. Cụ thể, đó là công nghệ kết nối tất cả ô tô với người đi bộ.
Tuy nhiên, ngay cả Rajkumar cũng thừa nhận rằng cần phải có rất nhiều điều kiện để hệ thống này thành hiện thực. Nó chỉ hoạt động khi mỗi chiếc xe và mỗi người đi bộ đều trang bị công nghệ này và điều đó không hề dễ dàng.
Iris, theo Business Insider