Biển Đông xuất hiện áp thấp, miền Trung đề phòng lũ quét
Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn trung ương cho biết, chiều 18/10, khu vực phía Đông Bắc quần đảo Trường Sa hình thành một vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới với gió giật cấp 9.
Vùng áp thấp còn cách đảo Song Tử Tây khoảng 300km và đang di chuyển chậm theo hướng Đông Đông Bắc, mỗi giờ đi được 5 – 10km và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 19h tối 19/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 12,6 độ Vĩ Bắc; 119,5 độ Kinh Đông, cách đảo Palawan, Philippines khoảng 150km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 – 7 (40 – 60km/giờ), giật cấp 9.
Khu vực Nam biển Đông (bao gồm cả quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có mưa rào và dông mạnh, gió Tây Nam cấp 5, có lúc cấp 6, trong cơn dông có khả năng giật cấp 8.
Bên cạnh đó, cơ quan khí tượng cho biết, do ảnh hưởng kết hợp của dải hội tụ nhiệt đới và không khí lạnh, từ 18/9 đến hết ngày 19/10, các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ, phía Nam Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục có mưa vừa đến mưa to.
Ở Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, lượng mưa đạt 50 – 100mm/đợt. Các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận mưa phổ biến 30 – 70mm/đợt. Các tỉnh phía Nam Tây Nguyên (Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng) và khu vực Nam Bộ có mưa phổ biến 50 – 150mm/đợt.
Vùng núi, ngập úng cục bộ ở vùng trũng thấp ở khu vực này có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất
Trước đó, từ ngày 9 đến 12/10, áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh gây ra đợt mưa lớn ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Thống kê chưa đầy đủ, đợt mưa lũ làm 77 người chết, 26 người mất tích, nhiều khu vực vẫn đang bị ngập (Chương Mỹ, Hà Nội; Gia Viễn, Ninh Bình…).
Từ nay đến cuối năm 2017, còn khoảng 4 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông, trong đó 2 cơn bão và áp thấp có thể ảnh hưởng đến Trung Bộ và Nam Bộ.
TinhHoa tổng hợp