Bí mật về Giang Miên Khang và âm mưu thao túng quân đội của cha con họ Giang
Trong khi Tập Cận Bình đang từng bước “trảm” hết phe cánh của cha con Giang Trạch Dân, thì báo chí Trung Quốc cũng vừa đăng bài, tiết lộ nhiều thông tin chưa biết về Giang Miên Khang, con trai thứ 4 nhà họ Giang. Theo giới quan sát nhận xét, đây là cách thức nhằm hạ uy tín, tiến đến hợp thức hóa xử tội các cán bộ cao cấp trong nội bộ ĐCSTQ.
Giang Miên Khang liên tục bị phanh phui nhiều bê bối trong thời gian gần đây. Vào năm 2015, ông này từng bị một nữ quan chức Trung Quốc trốn ra nước ngoài tên Dương Tú Châu tố cáo vụ bê bối đất đai trên truyền thông quốc tế. Đến đầu năm nay, báo chí hải ngoại lại phanh phui âm mưu “thôn tính quyền lực quân đội” của cha con Giang Miên Khang.
Kế hoạch đưa Giang Miên Khang vào Bộ Tổng Tham mưu không thành.
Truyền thông Trung Quốc gần đây lan truyền bài viết “Giang Trạch Dân giao đấu với Trì Hạo Điền, Giang Miên Khang không vào được Tổng cục Tham mưu” của tác giả Khương Thanh.
Theo bài viết, trước Đại hội 16, Giang Trạch Dân chuẩn bị chuyển giao quyền lực để thoái vị, khi đó cha con nhà họ Giang sau khi phân tích những “kẻ địch” tại Trung ương đã nhận thấy, phải đưa Giang Miên Khang vào Tổng cục Tham mưu để nắm quyền lực tình báo. Chỉ cần tiến vào Tổng cục Tham mưu. Giang Trạch Dân sẽ xúc tiến nhanh chóng việc đề bạt ông Giang Miên Khang lên cấp tướng, sau đó sẽ lên chức Tổng Tham mưu trưởng.
Tuy nhiên, việc một người chưa từng trải qua quân ngũ như Giang Miên Khang vào quân đội và giữ chức vị cao đã làm kinh động các vị tướng lão thành. Giới quan chức cấp cao Tổng cục Tham mưu không hiểu về Giang Miên Khang nhưng hiểu Giang Trạch Dân, họ không muốn cho cha con nhà Giang thao túng quyền lực, vì thế một số quan chức đã đi tìm Phó Chủ tịch Quân ủy, Bộ trưởng Quốc phòng Trì Hạo Điền để tìm đối sách.
Kết quả, nhờ có sự ủng hộ của Trì Hạo Điền, Tổng cục Tham mưu đã mượn cơ hội Hội nghị Quân ủy đưa vấn đề này ra công khai, làm “kế sách ngầm” của Giang Trạch Dân gặp khó khăn.
Sau khi thấy tình hình không thuận lợi, Giang quay sang tìm Từ Tài Hậu, Phó Chủ nhiệm Thường vụ Tổng cục Chính trị, nhờ đưa Giang Miên Khang vào Tổng cục Chính trị. Nhờ thế Giang Miên Khang nhanh chóng được giao chức Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức của Tổng cục Chính trị, tiếp đó lại lên chức Vụ trưởng.
Ngày 13/11/2002, tại Hội nghị lần IV Ban Thường vụ Đoàn Chủ tịch Đại hội 16 Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), Giang Trạch Dân đã hợp lực cùng Phó Chủ tịch Quân ủy Trương Vạn Niên và Phó Tổng Tham mưu trưởng Quách Bá Hùng phát động “chính biến quân sự”, ép Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào phải chấp nhận cho Giang Trạch Dân tiếp tục giữ chức Chủ tịch Quân ủy thêm 2 năm.
Mơ hồ thông tin ông Giang Miên Khang từng tham gia quân ngũ.
Những thông tin về Giang Miên Khang khá mơ hồ. Tuy nhiên trên Bách khoa toàn thư Baidu có ghi:
“Giang Miên Khang sinh năm 1954, năm 1968 được cho tòng quân sau khi tốt nghiệp Trung học Cơ sở. Năm 1985, (31 tuổi) tốt nghiệp Đại học Công nghiệp Thượng Hải, năm 1999 giành học vị Tiến sĩ tại Đại học Sư phạm Hoa Đông. Từng nhậm chức Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu Phát triển thông tin thành phố Thượng Hải, Phó Hội trưởng Hội Kinh tế học Thượng Hải, Tổng Biên tập Tạp chí Phát triển Thượng Hải, Chủ tịch Hội Liên hiệp GIS Trung Quốc”.
Trang thông tin nổi tiếng Club.kdnet (Một trang báo do nhà nước quản lý) ngày 27/8/2005 từng có bài “Đồng chí Giang Miên Khang, cán bộ chính trị xuất sắc của quân ta”, theo đó giới thiệu Giang Miên Khang là Vụ trưởng Vụ Tổ chức Tổng cục Chính trị Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, quân hàm Thiếu tướng, sinh năm 1954.
Ông này từng đi nghiên cứu tại Trường Đại học Drexel (Đức), nói thông thạo tiếng Đức. Sau khi về nước từng làm việc tại Tập đoàn Siemens, tham gia thúc đẩy hoạt động thương mại giữa Trung Quốc và Đức.
Tất nhiên, những thông tin đăng tải trên các trang báo do chính quyền quản lý thường chỉ mang ý nghĩa tuyên truyền, nếu không phải nói là hoàn toàn sai sự thật. Trung Quốc được cho là quốc gia không có tự do báo chí, với chính sách kiểm duyệt thông tin chặt chẽ. Vì vậy, mọi thông tin chúng ta biết và đáng tin cậy về TQ thường do các trang báo bên ngoài Đại Lục đăng tải.
Ông Vương Kỳ Sơn triệu tập nhiều “Thái tử Đảng” vào kinh để nhắc nhở.
Gần đây có nhiều thông tin đưa ra về việc ĐCSTQ đẩy mạnh công tác chỉnh đốn giới “Thái tử Đảng”.
Tạp chí Tranh Minh ở Hồng Kông số tháng 2 vừa qua đưa tin, đầu năm 2016, Ủy ban Kỷ luật Trung ương cùng Ban Tổ chức Trung ương đã cho mời khoảng 250 “Thái tử Đảng” đời thứ 2 (đời sau của những người có công lớn trong thời kỳ đầu xây dựng ĐCSTQ) để nhắc nhở.
Những người bị triệu tập được thông báo “5 điều không được phép”:
“không kéo bè kết phái; không có những hành vi không chuẩn mực; không làm trái lệnh Trung ương; không cấu kết với thế lực ở nước ngoài; không vơ vét của cải bất hợp pháp“.
Báo Tranh Minh còn chỉ ra, vào tháng 9/2016, Văn phòng Trung ương Đảng và Ủy ban Kỷ luật Trung ương Trung Quốc đã triệu tập hơn 320 người thuộc con cái của thế hệ “Thái tử Đảng” đời thứ 2 tới Bắc Kinh để nghe giáo huấn, theo đó họ được thông báo không được tự ý xuất ngoại nếu chưa được cho phép.
Ngày 22/2, BBC tiếng Trung đưa tin, theo Báo cáo Tài chính thường niên của Tập đoàn HSBC Holdings, hiện họ đang hợp tác với Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Mỹ (U.S. Securities and Exchange Commission) để điều tra về những sai phạm trong công việc của giới “Thái tử Đảng” ở Trung Quốc.
Theo Đại Kỷ Nguyên