Bí mật trang điểm cổ đại: Đàn ông cũng tô son?
Với phụ nữ, trang điểm và làm đẹp luôn là những nhu cầu tất yếu, do đó không có gì lạ khi công nghệ trang điểm đã tồn tại từ 4.000 năm trước. Tuy nhiên, ít ai biết rằng đàn ông cổ đại cũng trang điểm.
Vào một sáng sớm, tại đình viện phía sau tường vây, chim oanh đầy sức sống hót líu lo. Thiếu nữ thức dậy chải đầu rửa mặt xong ngồi trước gương đồng, a hoàn đứng bên cạnh đợi hầu hạ. Nàng có bàn tay như ngọc để thế lan hoa chỉ, ngồi trước gương tô son vẽ mày. Trong phòng đặt lư hương bốc khói mờ ảo, gió thổi hiu hiu. Đây chính là cảnh phụ nữ Trung Quốc cổ đại vào 2.000 năm trước.
Trang điểm cổ đại
Thực ra, trang điểm đã có lịch sử lâu đời, từ thời thượng cổ, phụ nữ Trung Quốc đã bắt đầu biết trang điểm.
Vào các triều đại Hạ – Thương – Chu, người dân bị bị ảnh hưởng tư tưởng “trọng đức khinh sắc” của thời Chư Tử Bách Gia nên coi “Thanh thủy xuất phù dung, thiên nhiên khứ điêu sức” (nước trong sẽ mọc ra hoa sen, tự nhiên không cần trang điểm) là cảnh giới thẩm mỹ cao nhất. Do đó phụ nữ thời này hầu như không trang điểm, chỉ thoa ít phấn lên mặt.
Đến nhà Tần, trang sức màu đỏ mới bắt đầu xuất hiện, điển hình là trong nội cung của Tần Thủy Hoàng có rất nhiều trang sức màu đỏ đính ngọc. Vào thời này, những ràng buộc về màu sắc trang điểm cũng bị phá vỡ, mở ra phong trào mốt trang điểm màu sắc hóa, tạo hình đa dạng trong ngày nay.
Đến thời Ngụy – Tấn – Nam Bắc triều, phụ nữ càng mạnh dạn hơn trong việc sử dụng màu sắc trang điểm, lúc này xuất hiện kiểu đánh má hồng được gọi là “hiểu hà” hay “tà hồng”. Cách trang điểm này được truyền ra dân gian từ nội cung của Tào Ngụy Văn Đế, con trai của Tào Tháo.
Tương truyền, vào một buổi tối, phi tử họ Tiết của Văn Đế bị thương ở khóe mắt, vết máu khiến nàng càng xinh đẹp hơn, người đời sau liền bắt chước dùng son vẽ lên dần dần phát triển thành kiểu trang điểm tà hồng.
Vào thời này còn có một kiểu trang điểm cực kỳ đặc sắc là “ngạch hoàng”, tức là vẽ hoa văn màu vàng lên trán. Câu “Đương song lý vân mấn, đối kính thiếp hoa hoàng” trong “Mộc Lan từ” chính là nói đến cách trang điểm này.
“Đương song lý vân mấn, đối kính thiếp hoa hoàng”. (Ảnh: Pinterest)
Đến nhà Đường cường thịnh, kinh tế phồn vinh, xã hội cởi mở, phụ nữ thịnh hành chạy theo mốt. Theo cuốn tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc “Lang huyên ký”, mỹ nữ nổi tiếng thời Đường Dương Ngọc Hoàn (Dương Quý phi) xem son môi, phẩm xanh đen (loại phẩm phụ nữ thời xưa dùng để vẽ lông mày), phấn, son, cộng thêm trang sức, quần áo đều là vật cần thiết trong trang điểm.
Cách ăn mặc, kiểu tóc của phụ nữ thời Tống thiên về lịch sự tao nhã, mới mẻ xinh đẹp, các nàng xem trọng phong cách trang nhã.
Bức tranh “Dao thai bộ nguyệt đồ ” của Trần Thanh Ba thuộc triều đại Nam Tống, hiện được cất giữ ở Viện bảo tàng Cố Cung ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: Sina)
Đến triều đại Nguyên – Minh – Thanh, phụ nữ dần dần chuyển sang phong cách trang điểm, ăn mặc thanh đạm, giản dị. Nhìn chung trong lịch sử trang điểm của Trung Quốc cổ đại, trình độ cao nhất là vào thời Đường nhưng nó chỉ thịnh hành nhất thời, cách trang điểm chủ yếu của phụ nữ xưa vẫn là son phấn nhạt, các kiểu vẽ lông mày đơn giản “bạc trang”, “tố trang” và “đạm trang”.
8 bước trang điểm chính của phụ nữ cổ đại
Trình tự trang điểm của phụ nữ cổ đại cũng không chút nào thua kém ngày nay, nó không chỉ rườm rà mà tất cả đồ trang điểm của người xưa đều là sản phẩm tự nhiên 100% không hề có thêm chất gì khác.
Bước 1: Rửa mặt
Trong “Lễ ký” có ghi lại rằng người xưa dùng nước vo gạo rửa mặt, lợi dụng tính kiềm trong đó để tẩy trừ chất bẩn, sau khi rửa mặt xong dùng sáp dầu giữ ẩm da mặt, tác dụng giống kem dưỡng ẩm ngày nay.
Bước 2: Đánh phấn (phấn lót)
Từ xưa đến nay, nước da trắng nõn là tiêu chí mỹ nữ của phương Đông. Phấn trang điểm cổ đại gồm 2 loại là bột thực vật và bột kim loại. Trong đó, bột thực vật không gây ra tác dụng phụ nhưng lại có khuyết điểm là bám không lâu bằng bột chì nên phải thường xuyên dặm phấn lại, công hiệu làm da trắng và láng bóng cũng không tốt như bột chì.
Bước 3: Son
Chữ hồng nhan trong câu “hồng nhan tri kỷ” chính là chỉ dung mạo khi đã tô son. Vào Hậu Đường thời Ngũ Đại (có năm triều đại thay nhau thống trị vùng Trung Nguyên trong khoảng thời gian 907-960: Hậu Lương, Hậu Đường, Hậu Tấn, Hậu Hán, Hậu Chu ở Trung Quốc), học giả Mã Cảo nói trong “Trung Hoa cổ kim chú” rằng, son bắt đầu từ thời vua Trụ, được làm từ nước ép các loài hoa có màu đỏ, xanh để khô đặc lại thành son. Nếu như cách nói của Mã Cảo là thật thì son ít nhất đã xuất hiện từ 3.000 năm trước.
Bước 4: Vẽ lông mày
Phụ nữ Trung Quốc cổ đại không kẻ mắt nhưng rất xem trọng việc vẽ lông mày. Dụng cụ vẽ lông mày được sử dụng sớm nhất là đá vẽ. Trước khi vẽ lông mày còn phải dùng nhíp nhổ bớt lông mày, giống như chúng ta ngày nay tỉa lông mày.
Đến triều đại Tần – Hán, con người bắt đầu dùng nước ép cỏ xanh chế thành phấn gọi là phẩm xanh đen để phụ nữ vẽ lông mày, nhưng đến Nam Bắc Triều nó mới được sử dụng rộng rãi.
Trong “Tây Kinh tạp ký” ghi lại, vợ của Tư Mã Tương Như là Trác Văn Quân có lông mày như núi xa, người cùng thời bắt chước theo vẽ lông mày núi xa. Ngoài ra, lông mày dài là kiểu phổ biến nhất thời nhà Hán, nó hình thành dựa trên cơ sở mày ngài, có đặc điểm là dài và thanh.
Bước 5: Trang điểm “ngạch hoàng”
Vào thời Nam Bắc triều, họa gia Dương Tử Hoa có một bức tranh tên “Bách Tề giáo thư đố”, vẽ các nữ quan của phi tần triều đại Bắc Tề với phần trán màu vàng.
Trang điểm ngạch hoàng và hoàng phấn được gọi chung là hoàng trang, chỉ kiểu thoa phấn vàng trên trán hoặc cả mặt, hay dùng phấn vàng vẽ hình tròn hoặc bán nguyệt trên trán.
Thời xưa, ngạch hoàng là cách trang điểm thịnh hành của các thiếu nữ chưa gả chồng, cho nên câu “hoa cúc khuê nữ” mà chúng ta thường nghe chính là chỉ các cô gái trẻ.
Bước 6: Khảm hoa
Đây là cách trang điểm thịnh hành nhất nhà Đường. Nó tương tự với ngạch hoàng nhưng thay vì vẽ lên trán thì khảm hoa là dán lá trang sức mỏng lên trán, mi tâm, hai bên mặt hoặc mép tóc. Loại trang sức này được khắc chế bằng vàng, bạc, ngọc hoặc ngọc trai với nhiều kiểu dáng khác nhau.
Tương truyền, con gái của Tống Vũ Đế là Thọ Dương công chúa trong một lần nghỉ ngơi dưới gốc mai gặp gió thổi làm rụng hoa mai đúng ngay trán nàng, để lại dấu vết 5 cánh hoa. Nữ tử trong cung thấy hình hoa mai rất đẹp nên bắt đầu làm theo, dán hoa mai trên trán, từ đó cách trang điểm “hoa mai” ra đời.
Bước 7: Má lúm đồng tiền
Kiểu trang điểm này rất thịch hành vào thời Đường, được gọi là “lúm đồng tiền”, “hóa trang má lúm đồng tiền” hay “hoa văn má lúm đồng tiền”, chính là dùng các loại màu chấm lên vị trí má lúm đồng tiền hoặc vẽ hoa văn nhất định.
Có một cách nói về nguồn gốc của cách trang điểm này rằng đó là một dấu hiệu đặc thù của sinh hoạt cung đình. Khi một phi tử trong cung đến ngày kinh nguyệt, không thể để vua “lâm hạnh”, nàng chỉ cần chấm 2 điểm trên mặt là được. Về sau chuyện này bị truyền ra dân gian, dần dần trở thành một cách trang điểm thịnh hành.
Bước 8: Son môi
Thành phần chủ yếu trong son môi của phụ nữ thời nhà Hán là chu sa, nhưng nó không có độ dính nên sau khi tô lên môi sẽ rất nhanh phai mất, do đó người xưa trộn nó với một lượng mỡ động vật vừa phải.
Son môi thông thường được chế tạo từ mỡ động vật, dầu khoáng, sáp khoáng chất và nhiều loại hương liệu, có tác dụng phòng ngừa khô môi nứt nẻ, nếu muốn tạo màu sắc thì dùng chu sa, tử thảo, sáp ong hoặc dầu có màu sắc khác.
Người xưa thích phụ nữ môi nhỏ nên mới có cách nói “miệng anh đào nhỏ nhắn”. Trước khi tô son, phụ nữ cổ đại sẽ dặm phấn lên môi để che đi màu sắc vốn có.
Phụ nữ hoàng gia cổ đại dưỡng da như thế nào?
Thái Bình công chúa – Mặt nạ hoa đào
Để giữ gìn dung nhan, Thái Bình công chúa đã sử dụng một loại mặt nạ đặc thù: Hái hoa đào vào tháng 3 âm lịch hàng năm, đem đi phơi khô ở chỗ râm rồi mài thành bột, để đến tháng 7 trộn với xương quạ, máu gà thoa lên mặt. Loại mặt nạ này được cho là có hiệu quả trắng da thần kỳ.
Từ Hi Thái hậu – Bí phương chăm sóc tóc
Từ Hi Thái hậu qua đời ở tuổi 73 nhưng lúc đó tóc của bà rất đen. Bí phương chăm sóc tóc của Từ Hi Thái hậu: cỏ bội lan (linh lăng hương), mộc lan, hoa hồng, đàn hương gia công xong nghiền nhỏ, sử dụng sau khi gội đầu, bôi thuốc lên tóc, da đầu để 30 phút rồi lấy lược dày chải, làm như vậy tóc vừa thơm mà lại dưỡng tóc.
Dương Quý phi – Thái chân hồng ngọc cao
Thái chân hồng ngọc cao là bí phương làm đẹp của một trong tứ đại mỹ nhân Dương Ngọc Hoàn, sau khi sử dụng da mặt tươi tắn, hồng hào, mịn màng, xinh đẹp phi thường. Ngâm hạnh nhân cho bong vỏ ra rồi nghiền thành mảnh vụn trộn với calomel, bột tan, đem đi hấp cách thủy, sau đó cho một ít băng phiến (Borneol), xạ hương và lòng trắng trứng vào trộn lên thành dạng kem, thoa lên mặt sau khi rửa mặt vào mỗi buổi sáng.
Võ Tắc Thiên – Thần tiên ngọc nữ phấn
Theo “Tân Đường thư”, Võ Tắc Thiên dù tuổi cao nhưng lại cố gắng tự tẩy rửa dù xung quanh có người hầu hạ. Cách bảo dưỡng của bà là đầu tháng 5 hàng năm ngắt cây ích mẫu, phơi khô xong làm thành thuốc viên lớn như trứng gà, rồi lại phơi khô. Lúc dùng cho thêm 1/10 bột tan, 1% son, nghiền nhỏ trộn đều, khi rửa tay, rửa mặt hoặc đi tắm thì dùng hỗn hợp này chà lau.
Đàn ông cổ đại cũng trang điểm?
Thật ra không chỉ riêng phụ nữ mới thích làm đẹp, đàn ông cổ đại cũng trang điểm, đặc biệt là tầng lớp quý tộc. Các nhà khảo cổ phát hiện đồ trang điểm lâu đời nhất là vật dụng của nam giới.
Hộp trang điểm khai quật được tại một ngôi mộ ở Tảo Dương, tỉnh Hồ Bắc, chứa gương đồng, lược gỗ lớn và nhỏ, hộp son, dao cạo. Vào thời nhà Hán, rất nhiều nam giới khi qua đời được chôn cất theo nhiều đồ trang điểm.
Iris, theo Secret China