Bí ẩn xuyên thế kỷ, thách thức trí tuệ khoa học gần 600 năm
Rộng 510.072.000 km², Trái Đất là một tinh cầu rộng lớn ẩn chứa vô số những vùng đất, hiện tượng, vật chất, sinh vật… kỳ lạ mà khi nghe đến bạn vẫn không tin vào sự tồn tại của chúng. Điển hình như gần 6 thế kỷ đã qua, bản thảo kỳ lạ Voynich Code vẫn khiến nhà nghiên cứu và chuyên gia mật mã đau đầu lý giải.
Từ những vùng hồ chứa khí độc tồn tại trong lòng đại dương đến khu vực “không thể tiếp cận” Point Nemo; hay việc nhà khoa học Anh chế tạo thành công vật liệu tối nhất trên Trái Đất có tên Vantablack… Tất cả đều đang tồn tại dù là tự nhiên hay nhân tạo.
Bản thảo Voynich là một cuốn sách thời Trung Cổ dày 240 trang được viết bằng loại ngôn ngữ khó hiểu, thách thức trí tuệ của các sử gia và chuyên gia giải mật mã trên thế giới.
Bản thảo được cho là có nguồn gốc từ năm 1404 đến năm 1438. Nó chứa đựng những hình minh họa về cơ thể người, sơ đồ bí ẩn và các loại cây chưa từng được định danh. Tất cả các nỗ lực dịch văn bản cũng như giải mã mật mã Voynich hoặc định danh các loài cây trong cuốn sách đều thất bại.
Vào tháng 1/2018, một nhóm các nhà khoa học máy tính Canada thông báo họ có thể giải mã một phần bản thảo nhờ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn cho rằng cần nghiên cứu chuyên sâu bản thảo Voynich thì mới hiểu được nội dung thực sự của nó.
Như vậy, gần 600 năm qua đi, chúng ta vẫn chưa thể đọc hiểu nội dung của cuốn sách dày 240 trang thời Trung Cổ này. Voynich Code vì thế trở thành bí ẩn xuyên thế kỷ chưa có lời giải.
Glaucus Atlanticus là một loài sên biển có biệt danh là “thiên thần xanh”. Sinh vật như sống ngoài Trái Đất này rất hiếm, chúng chỉ được tìm thấy trên bờ biển Nam Phi và Úc.
Ngoài vẻ đẹp hiếm gặp, “thiên thần xanh” còn rất nguy hiểm. Chúng không chỉ là loài ăn thịt đơn thuần. Chúng chọn ăn những sinh vật biển độc. Trong quá trình tấn công con mồi, “thiên thần xanh” sẽ hút hết chất độc của con mồi rồi dùng chính chất độc đó tấn công và ăn thịt các sinh vật biển khác.
Nằm cách bề mặt của thị trấn nhỏ Zipaquirá 180m dưới lòng đất, nhà thờ bằng muối của Zipaquirá là một Giáo hội Công giáo La Mã dưới lòng đất, được xây dựng từ một mỏ muối khổng lồ năm 1954.
Nằm trọn vẹn trong mỏ muối dài 200m, nhà thờ này có sức chứa lên đến 10.000 người. Mỏ muối nơi nhà thờ ở Zipaquirá tọa lạc có tuổi đời lên đến 250 triệu năm.
Mỗi Chủ nhật hàng tuần, nơi đây tiếp đón khoảng 3.000 tín đồ, du khách ghé thăm.
National Geographic gọi vùng lõm Danakil là vùng đất khắc nghiệt nhất trên Trái Đất. Vùng lõm Danakil (Danakil Depression) ở vùng sa mạc cùng tên của đất nước Ethiopia (châu Phi), tựa như vùng đất khắc nghiệt ngoài hành tinh, nơi sự sống không thể tồn tại.
Bao phủ một vùng rộng lớn khoảng 100.000 km2, Danakil Depression không giống với bất kỳ nơi nào trên thế giới, bởi nó được bao bọc bởi lưu huỳnh, muối và khoáng chất cùng nhiều khí độc và axit.
Sức nóng khủng khiếp tại sa mạc vùng Tam giác Afar làm nước lũ bốc hơi nhanh chóng, chỉ để lại những lớp muối kết tinh. Không một sinh vật, cỏ cây nào có thể tồn tại ở “vùng đất chết” này.
Hang tinh thể (Cave of the Crystals) là một hang động nối với mỏ Naica ở độ sâu 300m, thuộc thị trấn Naica, Chihuahua, Mexico, được tìm thấy tình cờ năm 2000.
Vì nhiệt độ trong hang cực kỳ nóng, lên đến 58 độ C nên việc khám phá và tận mắt ngắm nhìn hang tinh thể lấp lánh vẫn là ước muốn của nhiều người.
Cho đến nay, các nhà thám hiểm mới khám phá được tinh thể lớn nhất trong hang hiếm có này, với chiều dài của tinh thể là 12m, đường kính 4m và có trọng lượng là 55 tấn.
Theo Soha