Bí ẩn thuật biến kim loại thành vàng thời xa xưa
Trong các tác phẩm giả tưởng của loài người, pháp sư hay phù thủy là người có thể chế tạo ra “thuốc thần” giúp hàn gắn vết thương, cứu giúp người hay để trở thành bất tử… Trong quá khứ, có nhiều người luôn cố gắng làm được những điều kỳ diệu ấy.
Dưới đây là câu chuyện về thuật giả kim – phương pháp nghiên cứu biến kim loại thành vàng thời xa xưa cùng bí ẩn về Nicholas Flamel – nhân vật huyền thoại được cho rằng có khả năng lĩnh hội thuật giả kim thành công nhất.
Quyển sách “thuật giả kim” quyền năng
Nicholas Flamel (1330-1418) sinh ra trong một gia đình nghèo ở Pháp. Khi trưởng thành, để có tiền mưu sinh ông phải làm việc trong tiệm sách cũ ở Paris.
Đêm nọ, Flamel bất chợt có giấc mơ kỳ lạ về một thiên thần cầm trên tay cuốn sách có bìa ngoài bằng gỗ cây được trang trí bằng các ký tự lạ mắt.
Vài ngày sau, Flamel vô tình được một thương nhân kỳ lạ tặng cho cuốn sách y hệt trong giấc mơ của ông, viết bằng chữ Do Thái và chữ Hy Lạp, dòng đầu tiên có nghĩa là “Cuốn sách của Abraham” (Abraham là một nhân vật nổi tiếng trong Kinh Thánh, ông được coi là tổ tiên của dân Do Thái. Ông có thể nói chuyện với Chúa và được ngài chúc phúc, ban cho phép màu).
Tuy nhiên, Flamel không thể hiểu được cuốn sách này đang nói tới vấn đề gì nên đã để nó qua một bên. Mãi tới khi ông kết bạn với một nhà thuật giả kim (người nghiên cứu các phương pháp biến đổi kim loại thành vàng thời bấy giờ) thì mọi chuyện mới được sáng tỏ.
Nhà thuật giả kim sau khi nghe câu chuyện và đọc cuốn sách liền giải thích:“Tài liệu này liên quan tới việc chuyển đổi vật chất, năng lượng, các phép thuật cổ đại của nhân loại. Tôi nghĩ rằng, nó nằm ngoài sự hiểu biết của chúng ta”.
Quá hứng thú, Nicholas Flamel hạ quyết tâm tìm hiểu bằng được những bí ẩn trong “Cuốn sách của Abraham”. Năm 1368, ông quyết định cùng vợ rời quê hương, đi bôn ba khắp nơi để tìm những nhà thuật kim giỏi giúp ông giải mã bí ẩn này. Flamel đã đến một trường ĐH tại Andalusia để nhờ những nhà chuyên môn giúp dịch nghĩa cuốn sách.
Đến Tây Ban Nha, ông kết thân với các nhà giả thuật kim nơi đây. Họ đã dạy cho ông thuật giả kim, từ đó Flamel dần hiểu rõ những nghệ thuật ẩn chứa trong cuốn sách.
Nhiều năm sau, hai vợ chồng quay trở về Paris, tất cả bạn bè cùng người thân đã rất ngạc nhiên khi thấy diện mạo của Nicholas Flamel cùng vợ không hề thay đổi, thậm chí còn có phần trẻ trung, đầy sức sống.
Nhưng đây chưa phải là điều khó hiểu nhất, Nicholas giàu lên một cách bất ngờ. Ông mang tiền đi xây dựng bệnh viện, nhà thờ, giúp đỡ những người nghèo khổ. Không chỉ vậy, mặt trước của nhà thờ Sainte Genevieve ở Paris được Flamel tài trợ tiền để xây mới, ông còn cung cấp miễn phí các loại sách, mở các buổi thuyết giảng, các phòng sám hối trong trại giam.
Hòn đá phù thủy và sự bất tử…
Nicholas Flamel đã chia sẻ hiểu biết của mình về các tài liệu thuật giả kim. Ông cho rằng, một vật chất đều được tạo ra bởi bốn yếu tố: lửa, không khí, đất, nước.
Mỗi chất là kết quả của sự phối hợp 4 nhân tố theo tỷ lệ khác nhau, muốn tạo ra chất mới ta chỉ cần thay đổi tỉ lệ các nhân tố trong chất cũ. Một công việc nghe thì dễ nhưng để thực hiện cần phải có một vật ma thuật mang tên “hòn đá phù thủy”. Con người hoàn toàn có thể biến thủy ngân thành vàng nếu sở hữu hòn đá thần kỳ này.
Vậy “hòn đá phù thủy” là gì? Đó chính là một vật huyền thoại xuất hiện trong rất nhiều văn bản cổ đại ở châu Âu và được nhắc tới trong các câu chuyện thần bí, huyền diệu.
Người sở hữu “hòn đá phù thủy” sẽ tạo ra được mọi vật chất, chữa lành tất cả bệnh tật, thắp sáng nơi tăm tối, hồi sinh người chết và giữ chìa khóa của sự bất tử. Các tài liệu của Flamel đã miêu tả cụ thể về hòn đá phù thủy, nó có 2 màu là trắng, đỏ. Màu trắng dùng để tạo ra bạc, chữa bệnh, màu đỏ dùng để tạo ra vàng ròng và làm bất tử mọi thứ.
Đá có thể ở dạng rắn nhưng khi cần sẽ chuyển đổi qua trạng thái lỏng và hơi. Khi nghiền nhỏ thành bột có thể hòa tan trong nước tạo ra một loại chất lỏng kỳ lạ. Đổ chất lỏng này vào bất cứ kim loại nào sẽ tạo ra vàng, bạc, ngoài ra, nó còn là một thứ “nước thánh” chữa bách bệnh.
Nhưng thật đáng tiếc, Nicholas Flamel chưa bao giờ tiết lộ cách tạo ra “hòn đá phù thủy”. Bởi ông cho rằng, một vật quyền năng như vậy nếu rơi vào tay kẻ xấu sẽ là một thảm họa.
Theo ông, “hòn đá phù thủy” là quà tặng của Thiên Chúa, nên chỉ được sử dụng vào những mục đích cao cả, cứu nhân độ thế mà thôi. Ngoài ra, muốn chế tạo ra hòn đá quyền năng này cần phải có đức tin to lớn cùng tấm lòng cao thượng.
Nhiều người cho rằng, Nicholas Flamel chỉ là kẻ bịp bợm không hơn không kém. Số khác lại vô cùng tin tưởng những kiến thức của ông, không ít người mạnh miệng tuyên bố đã thấy Flamel dùng “hòn đá phù thủy” cứu người, tạo ra vàng từ chì, thủy ngân.
Câu chuyện này truyền tới tai vua Charles VI, người đã ra lệnh Cramoisi – thành viên của Hội đồng nhà nước đi điều tra vấn đề này. Cramoisi quyết định tới gặp Flamel để ép nhà giả kim đưa ra bí kíp làm đá ma thuật. Nhưng sau cuộc gặp gỡ, vị công tước lại trở nên sùng bái, thần tượng Flamel đến lạ lùng. Cramoisi trở về, hết mực khuyên vua Charles VI không nên sử dụng vật thần bí trên và nên để cho Flamel được sống yên ổn.
Tranh cãi tưởng chừng đã chấm dứt khi Flamel và vợ chết vào năm 1418 nhưng từ đây, huyền thoại về ông mới bắt đầu. Cả hai được chôn cất ở nghĩa trang của nhà thờ Saint Jacques. Lúc đó rất nhiều người tò mò đã đột nhập vào nhà của Flamel để tìm kiếm vàng, hòn đá phù thủy, hay quyển sách của Abraham… nhưng tất cả đều thất bại.
Nhiều năm sau, một nhóm người đã lẻn vào hầm mộ của Nicholas Flamel và vợ để tìm kiếm vàng, của cải. Thế nhưng, trong ngôi mộ đó, chẳng những không có vàng mà họ cũng không tìm thấy thi thể của Nicholas cùng vợ.
Tin đồn lan truyền rằng, Nicholas Flamel không thực sự chết và vẫn còn sống bất tử mãi cho đến ngày nay. Rất nhiều người dân nói đã nhìn thấy ông và vợ lang thang khắp Paris. Thỉnh thoảng, nhiều người ở đây lại thấy một người mang trang phục kỳ lạ, rao bán những quyển sách hay bản chép tay mang tên Nicholas Flamel.
Một câu chuyện truyền miệng vào thế kỷ XVII kể rằng, một người tên Dubois đã dùng một chất bột màu đỏ để biến quả chì thành vàng trước mặt vua Louis XII. Thắc mắc vì điều kì diệu ấy, Đức Hồng Y Richelieu yêu cầu Dubois giải thích về màn trình diễn.
Dubois lúc này thừa nhận trước nhà vua và Đức Hồng Y rằng, anh là hậu duệ của Nicholas Flamel. Và chất bột này chính là món đồ gia bảo được tạo ra từ Nicholas Flamel.
Dubois còn tặng một bản chép tay từ “Cuốn sách của Abraham” cho Đức Hồng Y Richelieu. Tuy nhiên, không có tài liệu nào cho thấy, Richelieu giải nghĩa được bản chép tay kia. Nhưng trong triều đại của vua Louis XII, nước Pháp trở nên vô cùng hùng mạnh, tổ chức nhiều cuộc chiến tranh xâm lược Ý.
Cho tới nay, cuộc đời với nhiều điều bí ẩn đã khiến ông trở thành huyền thoại của thế giới. Tên ông được nhắc đến trong nhiều cuốn sách và truyện như “Harry Potter và hòn đá phù thủy” của J.K Rowling, hay là nhân vật chính xuyên suốt loạt truyện của Michael Scott – “Bí mật của Nicholas Flamel bất tử”…
Theo Kenh14