Bí ẩn Stonehenge: Nơi thờ cúng linh thiêng hay “thạch cầm” của người cổ đại?
Stonehenge là một trong những nơi bí ẩn nhất trên hành tinh. Cho tới nay vẫn chưa thể xác định được ai đã tạo ra những tảng đá lớn đó và để làm gì. Tuy nhiên, những nghiên cứu mới đây đã phát hiện, những tảng đá tại Stonehenge có thể là một loại nhạc cụ thời cổ đại.
Bãi đá cổ Stonehenge nằm cách thủ đô London của nước Anh khoảng 120km về phía Tây Nam. Nơi đây bao gồm những tảng đá lớn được xếp thành vòng tròn, trong đó có những tảng đá cao đến 6m.
Nhiều năm qua, các chuyên gia nghiên cứu đã suy đoán rằng, đây có thể là một loại lịch pháp để quan trắc của dân bản địa, hoặc là nơi thờ cúng, hội họp hoặc cũng có thể là nơi chôn cất. Cũng có người cho rằng đây có lẽ là một loại nhạc cụ cực lớn dành riêng cho những người khổng lồ thời cổ đại.
Stonehenge có thể là ngôi mộ cổ hoặc nơi tổ chức ăn mừng
Theo một nghiên cứu, Stonehenge ban đầu được xây dựng thành một nghĩa trang dành cho tầng lớp quý tộc. Vào hơn 1 thế kỷ trước, giới chuyên gia đã phát hiện mảnh xương người đầu tiên. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, họ cho rằng những mảnh xương đó không quan trọng và chôn cất chúng lại.
Nhưng khi các nhà nghiên cứu Anh khai quật được hơn 50.000 mảnh xương của 63 người ở Stonehenge. Thông qua kiểm tra, các chuyên gia xác định được những thi thể là của cả đàn ông, phụ nữ và cả trẻ nhỏ. Theo nhà nghiên cứu Mike Parker Pearson thuộc Đại học London, việc chôn cất này diễn ra trong khoảng năm 3000 TCN và những tảng đá đầu tiên xuất hiện tại nơi đây để đánh dấu các ngôi mộ.
Các nhà nghiên cứu cũng đã khai quật được 80.000 xác động vật, qua quá trình phân tích cho thấy vào khoảng năm 2500 TCN, bãi đá này có thể là nơi tổ chức những buổi đại lễ của dân bản địa, ước chừng số lượng người tham dự có thể bằng 1/10 dân số nước Anh hiện nay.
Mike Parker nói, người cổ đại vào những dịp Đông chí và Hạ chí đã đến đây để tổ chức tiệc: “Bãi đá này là để cho những người Anh thời cổ xưa đến tụ tập ăn mừng. Chúng tôi phát hiện, người Anh ở khắp nơi đã mang gia súc đến đây để tham gia lễ mừng, cũng có cả người Scotland tham dự”.
Một giả thuyết khác được đưa ra đó là người dân thời đồ đá coi Stonehenge là một nơi linh thiêng dùng để chữa bệnh. Trong năm 2008, nhà khảo cổ học Geoggrey Wainwright và Timothy Darvill báo cáo rằng, một số lượng lớn những bộ xương được phát hiện ở xung quanh bãi đá cổ Stonehenge có những dấu hiệu của dị dạng hoặc chấn thương.
Các nhà khảo cổ cũng cho rằng, các hòn đá xanh – loại đá nhỏ hơn tạo thành vòng trong của Stonehenge, được người xưa sử dụng như bùa chú để bảo vệ hay người bệnh đến Stonehenge để chữa bệnh.
Đàn đá của người khổng lồ
Tuy nhiên, nghiên cứu khiến cho người ta cảm thấy thú vị nhất đó là cho rằng bãi đá Stonehenge thực chất là một loại “đàn đá” dành riêng cho những người khổng lồ.
Một nhóm các nhà nghiên cứu từ Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hoàng gia (RCA) ở London đã khám phá ra các tính chất âm nhạc kỳ diệu của các tảng đá dùng để dựng lập di chỉ cự thạch Stonehenge.
Khi được gõ các tảng đá này sẽ phát ra âm thanh như tiếng chuông, tiếng trống và tiếng cồng chiêng. Người ta cho rằng đây chính là nguyên nhân khiến những người thợ xây dựng chịu khó lặn lội một quãng đường xa xôi đến vậy để khai thác các tảng đá từ xứ Wales và mang chúng về địa điểm xây dựng ở đồng bằng Salisbury, Anh (cách đó cả trăm km).
Trong nghiên cứu được đăng trên tạp chí Journal of Time and Mind, lần đầu tiên các chuyên gia đã tiến hành các thí nghiệm thính âm tại di chỉ bằng cách gõ vào các tảng đá màu xanh dương với các viên đá thạch anh nhỏ để thử nghiệm các tính chất âm thanh của chúng. Họ khám phá ra rằng các tảng đá đã tạo nên âm thanh của kim loại và của gỗ tại các nốt nhạc khác nhau. Những tảng đá này được gọi là ‘đàn đá’ hay ‘thạch cầm’.
Phó giáo sư Jon Wozencroft, trưởng đoàn nghiên cứu RCA đã nói: “Chúng tôi đã mời một số người am hiểu về nhạc cụ đến, và họ đã tạo ra những âm thanh từ đá”.
Các nhà điều tra tin rằng loại ‘năng lượng âm thanh’ này có thể là lý do chính yếu giải thích cho nguyên nhân vì sao những tảng đá này đã được vận chuyển gần 300km từ Preseli đến đồng bằng Salisbury, vì cho tới nay các nhà khảo cổ vẫn chưa thể hiểu được tại sao lại phải vận chuyển những tảng đá từ xa xôi đến vậy, trong khi có rất nhiều tảng đá ở địa phương có thể dùng để xây dựng công trình. Vì một số lý do nào đó, các tảng đá màu xanh dương đã được nhìn nhận là có tính chất khá đặc biệt.
“Không có gì mâu thuẫn khi nói rằng con người tiền sử có thể đã biết về các tính năng của tảng đá. Chúng ta có thể nhìn thấy các vết lõm trên các tảng đá – khu vực này vẫn còn nguyên vẹn đến một mức độ đáng kinh ngạc”, ông Jon Wozencroft nhận định.
Các nhà nghiên cứu lo rằng các tính chất âm nhạc của các tảng đá có thể đã bị làm hư hại khi một số trong chúng được cố định bằng bê tông vào những năm 1950 và việc ghim các tảng đá vào bê tông sẽ tác động đến khả năng dội âm của chúng.
“Bạn sẽ không cảm nhận được tính vang dội của thanh âm’ nhưng khi ông gõ nhẹ nhàng vào các tảng đá trong thí nghiệm, chúng thật sự đã dội âm, tuy rằng một số tính chất âm thanh đã bị bóp nghẹt”, PGS Wozencroft nói.
Ở xứ Wales, nơi các tảng đá không được gắn hay cố định tại vị trí, ông nói rằng các âm thanh được tạo ra bởi các tảng đá khi gõ có thể được nghe thấy cách xa cả nửa dặm. Ông đưa ra giả thuyết cho rằng con người thời kỳ đồ đá có thể đã sử dụng các tảng đá để liên lạc với nhau qua khoảng cách xa, vì có những dấu vết trên các tảng đá cho thấy chúng đã được gõ từ một niên đại cực kỳ xa xưa.
Tuệ Tâm (dịch và t/h)