Bí ẩn hồ nước hồng rực khiến giới khoa học bối rối
Sắc hồng hiếm có của hồ Hillier ở Australia luôn là điều bí ẩn với các nhà nghiên cứu từ khi được phát hiện năm 1802.
Hồ Hillier là một hồ nước màu hồng nằm trên đảo Middle, là hòn đảo lớn nhất trong số các hòn đảo trên quần đảo Recherche, Tây Australia. Từ trên nhìn xuống, hồ Hillier trông như một chiếc bong bóng kẹo cao su được thổi phồng lên. Điều đó đã khiến hồ Hillier trở nên vô cùng đặc biệt.
“Tôi ghé thăm hồ nước lần đầu tiên và nghĩ nó thật tuyệt. Tôi không xuống nước nhưng có khá nhiều người ở dưới nước“, Shane Smith, công nhân ở một nhà máy pho mát cho biết.
Không giống như các hồ nước màu hồng trên thế giới như hồ ở Retba và hồ muối ở Vịnh San Francisco, các nhà khoa học vẫn chưa hiểu rõ hoàn toàn nguyên nhân nước hồ có màu hồng.
Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng loài vi tảo chuyên sống ở hồ nước mặn Dunaliella có liên quan. Những giả thuyết khác bao gồm sự tồn tại của vi khuẩn ưa mặn trong vỉa muối và phản ứng giữa muối với natri bicarbonate trong nước.
Trông một cuộc điều tra, các nhà nghiên cứu đã xác nhận rằng vi khuẩn extremophile cùng nhiều loại vi khuẩn khác là nguyên nhân gây nên màu sắc khác thường trong hồ.
Các nhà khoa học mô tả extremophile là một thành phần thú vị nhất và kỳ lạ nhất của hệ sinh thái trên Trái Đất bởi chúng có thể tồn tại ở những nơi rất ít loài có thể sống. Những sinh vật này có thể phát triển mạnh trong nhiều môi trường khắc nghiệt, bao gồm cả hồ có nồng độ muối mặn cao như hồ Hillier.
Trong số nhiều vi khuẩn thu thập trong các mẫu hồ Hillier các nhà khoa học cũng tìm thấy thêm các loại vi khuẩn màu đỏ khác bao gồm cả một số loài vi khuẩn cổ và một loại vi khuẩn gọi là Salinibacter ruber.
Nhóm nghiên cứu cũng bất ngờ xác định thấy một vi khuẩn gọi là Dechloromonas aromatica. Chúng rất giỏi trong việc phá vỡ các hợp chất như benzen và toluen, hợp chất này thường được tìm thấy trong các dung môi hóa học.
Theo VNE, khoahoc.tv