Bí ẩn: Hạng Vũ, Đường Bá Hổ và “bảo kiếm” nghìn năm
Trong thiên hạ, những thanh kiếm thần binh nổi tiếng như: Can tương, Mạc tà, Biển chư, Ngư trường,… rất nhiều danh kiếm đã biến mất không dấu vết, tung tích bí ẩn. Tuy nhiên, có tin đồn rằng “Biển chư kiếm” và “Ngư Trường kiếm” vẫn còn tồn tại, đang được chôn cất trong “lăng kiếm” dưới núi Hổ Khâu.
Cái gọi là “lăng kiếm” chính là lăng mộ của Hạp Lư – cha của vua Ngô Phù Sai, một vị bá chủ thời Xuân Thu, tiếng tăm lừng lẫy trong lịch sử Trung Quốc hơn hai nghìn năm trước.
Có một Tháp Hổ Khâu nổi tiếng trên núi Hổ Khâu bên ngoài cổng thành Xương Môn ở Tô Châu, người ta nói rằng, tháp này được xây dựng sau khi Ngô Vương Hạp Lư mất để đưa lối cho vị vua này “về Trời”.
Theo “Việt tuyệt thư” ghi chép, sau khi Hạp Lư qua đời, việc đầu tiên mà người con trai kế vị Phù Sai của ông làm chính là xây dựng một lăng mộ tráng lệ cho cha mình. Để tránh việc lăng mộ bị trộm trong tương lai, Phù Sai đã có một quyết định độc đáo, đó là xây dựng lăng mộ của cha mình dưới nước, vị trí ngay tại ao nước, dưới chân núi Hổ Khâu, được gọi là “Kiếm trì”.
Phù Sai đã huy động hàng trăm nghìn dân phu trên khắp đất nước để xây cất lăng mộ. Ngôi mộ lớn được đào ở vị trí vô cùng sâu dưới lòng đất, sau khi xây dựng xong, liền mở nước làm ngập toàn bộ lăng mộ, khiến cho những người trộm mộ không cách nào phát hiện ra. Sau đó ông bỏ tất cả những vàng bạc châu báu mà phụ thân thích lúc sinh tiền vào lăng mộ để chôn cất cùng.
Phù Sai biết rằng khi còn sống phụ thân thích nhất là bảo kiếm, vì vậy, vào thời điểm hạ táng, ông đã đặt “Biển chư kiếm” và “Ngư trường kiếm” cùng hàng ngàn thanh kiếm nổi danh khác trong thiên hạ vào lăng mộ.
Khi thiên hạ đại loạn vào cuối triều đại nhà Tần cũng là lúc Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ được nghe về truyền thuyết mộ kiếm, sau đó ông liền dẫn quân đến Tô Châu, lập doanh trại ở núi Hổ Khâu và bắt đầu cho quân vây và đào tìm xung quanh núi. Nhưng liên tiếp một thời gian dài vẫn không tìm thấy chút dấu vết nào, chưa nói đến phần mộ của Hạp Lư, ngay cả một thanh kiếm cũng không tìm thấy, cuối cùng Hạng Vũ phải bỏ cuộc.
Vào thời Chính Đức nhà Minh, có một năm Tô Châu xảy ra hạn hán nghiêm trọng, khiến nước trong “Kiếm Trì” khô cạn đến đáy ao. Lúc bấy giờ, đại tài tử Đường Bá Hổ cùng những người khác đi xuống đáy ao kiểm tra thì phát hiện có một động đá, mà trong động thì thấy một cái đầu lâu.
Đường Bá Hổ là một bậc đại tài thời ấy, ông nhận định ngay đây chính là lối vào lăng mộ của Hạp Lư, nhưng họ chưa kịp tiến vào sâu hơn để kiểm tra thì đã bị các quan viên chạy đến ngăn cản. Các quan viên địa phương cho rằng đây là lăng mộ của Thánh hiền tiên vương, bên trên trấn bởi “Tháp Hổ khâu”, bên dưới có nước “Kiếm trì” phù thác, nếu làm kinh động e rằng xuất hiện việc chẳng lành. Ngay sau đó lập tức phái người bịt kín miệng hang.
Khi lâm viên Hồ Khâu trùng tu lại vào năm 1955, người ta đã rút cạn nước ao “Kiếm trì” và phát hiện ra dưới đáy ao có một phiến đá ghi lại trải nghiệm của Đường Bá Hổ và những người khác trong triều đại nhà Minh.
Các nhà khảo cổ vào năm 1978, một lần nữa rút cạn nước của “Kiếm trì” và tiến hành khảo sát cặn kẽ đáy ao, kết quả phát hiện một hang động hình chữ “人” có thể đi vào bên trong. Nhưng sau khi bước vào thì có ba khối đá chắn đường.
Căn cứ theo cách bày trí và hình dạng của phiến đá, các nhà khảo cổ xác định đây là do con người đưa vào. Tuy nhiên, vì để bảo vệ móng của tháp Hổ Khâu phía trên Kiếm trì, các nhà khảo cổ học đã không dám di chuyển phiến đá, cũng không tiến hành khai quật ngôi mộ.
Về lăng mộ của Ngô Vương Hạp Lư, nơi cất giấu bảo kiếm lừng danh thiên hạ, đã khiến con người quanh quẩn trong bí mật hơn hai nghìn năm nay, chỉ có thể mong đợi tương lai sẽ có thêm nhiều phát hiện hơn nữa.
Thế Di
Theo soundofhope.org