Bí ẩn đồi cát biết hát mà khoa học vẫn chưa lý giải được
Công viên quốc gia Altyn-Emel là khu bảo tồn lớn nhất của Kazakhstan, nằm gần biên giới Trung Quốc. Nơi đây đang ngày càng trở nên nổi tiếng với những âm thanh du dương phát ra từ cát mà các nhà khoa học vẫn chưa lý giải hoàn toàn được.
Đồi cát biết hát này cao 150 m và dài 3 km. Bất kỳ du khách nào đến đây cũng vô cùng ngạc nhiên trước âm thanh tựa như tiếng đàn cello hay kèn bassoon phát ra từ chính cồn cát.
Khi thời tiết khô ráo, đồi cát biết hát ở công viên quốc gia Altyn-Emel bắt đầu cất tiếng. Tiếng hát không liên tục. Mỗi bài chỉ kéo dài vài phút.
Cách tốt nhất để nghe tiếng cát hát là trèo lên đỉnh đồi và trượt xuống. Khi đó, cát lở ra và âm thanh lạ lùng bắt đầu vang lên.
Các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác của hiện tượng độc đáo này. Họ cho rằng tiếng động này là từ dòng khí cát tạo ra khi chuyển động. Trên thực tế, âm thanh phát ra do các hạt cát cọ vào nhau.
Đồi cát biết hát chỉ là một trong vô số điểm tham quan thú vị ở Altyn-Emel, công viên quốc gia có diện tích lớn gấp 4 lần Hong Kong là nơi sinh sống của hơn 260 loài động vậ, từ chim ó tới hải ly. Nơi đây có hẻm núi Sharyn dài 155 km được mệnh danh là “em của hẻm núi Grand”.
Tại đây, các nhà cổ sinh vật học khám phá ra nhiều hóa thạch động vật, từ tê giác tới rùa cổ đại, trong đó nhiều hóa thạch đã hàng triệu năm tuổi. Tuy nhiên, điều bí ẩn nhất ở Altyn-Emel chính là đồi cát biết hát.
Theo Zing