Bí ẩn của khối mười hai mặt La Mã
Hơn 200 năm sau lần phát hiện đầu tiên, các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm được điều gì thêm để giải thích cho nguồn gốc và công dụng bí ẩn của các khối mười hai mặt thời La Mã.
Khối mười hai mặt La Mã (dodecahedra) là một khối nhỏ, rỗng ruột được làm bằng đồng, và đôi khi bằng đá, với dạng hình học có 12 mặt phẳng. Mỗi mặt là một hình ngũ giác, cùng những hạt tròn trên giao điểm các ngũ giác, chính giữa các mặt ngũ giác này thông thường có một lỗ tròn.
Khối mười hai mặt La Mã thuộc thế kỷ 2 hay 3 sau Công Nguyên, thường có kích cỡ từ 4 đến 11 cm. Cho đến nay, hàng trăm mẫu vật đã được tìm thấy ở Vương quốc Anh, Bỉ, Đức, Pháp, Luxembourg, Hà Lan, Áo, Thụy Sĩ và Hungary.
Điều bí ẩn nhất liên quan đến khối mười hai mặt này là: người ta đã chế tạo chúng như thế nào, và dùng nó cho mục đích gì?
Đáng tiếc là không có một tài liệu hay ghi chú nào nào về thời gian nó được tạo ra, thế nên công dụng của vật thể với hình dạng kì lạ này vẫn chưa được xác định.
Tuy nhiên, có nhiều giả thuyết và suy đoán đã được đưa ra qua nhiều thế kỷ, như nó là những cái giá nến (sáp nến được tìm thấy trong một mẫu vật), súc sắc, công cụ đo đạc, thiết bị xác định thời gian gieo hạt tối ưu cho mùa đông, dụng cụ đo đường kính ống nước, biểu tượng đánh dấu căn cứ quân sự, đồ trang trí gậy hay vương trượng, một món đồ chơi cùng với gậy, hoặc chỉ đơn giản là một tác phẩm điêu khắc hình học.
Một trong những giả thuyết được chấp nhận là khối mười hai mặt La Mã được sử dụng như một thiết bị đo lường, chính xác hơn là một dụng cụ đo khoảng cách trên chiến trường. Giả thuyết đưa ra là khối vật thể này được dùng để tính toán quỹ đạo đi của đường đạn. Điều đó có thể giải thích cho sự khác nhau của các lỗ tròn trên mặt ngũ giác.
Một giả thuyết tương tự là khối mười mặt được dùng như một thiết bị đo đạc và san lấp mặt bằng. Tuy nhiên, không cái nào trong những giả thuyết trên có được bằng chứng cụ thể để chứng minh, trong khi đó những lý giải cho mục đích sử dụng trên cũng chưa hoàn toàn đầy đủ và chính xác.
Một trong những giả thuyết thú vị hơn là khối mười hai mặt được dùng làm thiết bị thiên văn để xác định ngày gieo hạt tối ưu cho mùa đông. Theo G.M.C Wagemans, “khối mười hai mặt là một dụng cụ thiên văn được dùng để đo các góc độ ánh sáng của Mặt trời, từ đó định ngày cụ thể, chính xác trong vụ xuân và vụ thu. Việc định ra chính xác những ngày này đóng vai trò quan trọng trong nông nghiệp”.
Tuy nhiên, những người phản đối giả thuyết này chỉ ra rằng việc sử dụng nó như một dụng cụ đo lường cho bất kỳ mục đích nào cũng đều có vẻ không hợp lý, bởi thực tế khối mười hai mặt hình lập phương không được tiêu chuẩn hóa và có rất nhiều kích cỡ cũng như cách sắp xếp.
Một giả thuyết khác chưa được chứng minh là khối mười hai mặt lập phương được nhìn nhận như một di vật tôn giáo, và là một vật linh thiêng của những tu sĩ của Britania và Caledonia. Tuy nhiên, không có bất kỳ văn bản hay bằng chứng khảo cổ học nào chứng minh quan điểm trên.
Có thể vật kỳ lạ này chỉ đơn giản là một món đồ chơi hay vật dụng giải trí cho lính lê dương trong các cuộc hành quân. Một số nguồn cho rằng chúng là vật không thể thiếu trong loại trò chơi như bóng bầu dục của chúng ta ngày nay, người chơi sẽ ghi điểm bằng cách ném đá vào những lỗ tròn của khối mười hai mặt.
Tượng ‘Khối mười hai mặt’ ở Tongere, làm nổi bật những bí ẩn của khối mười hai mặt La Mã (Wikimedia)
Trong khi bí ẩn chưa được khám phá thì một phát hiện khác khiến vật thể với hình dạng kì lạ này càng thêm bí ẩn. Đó là một khối hai mươi mặt được Benno Artmann phát hiện. Khối này bị phân loại nhầm thành khối mười hai mặt, và được bỏ trong tầng hầm của viện bảo tàng. Phát hiện này đặt ra câu hỏi khác, liệu có nhiều hiện vật hình học khác như, khối hai mươi mặt, hình lục giác, bát giác, …vẫn chưa được tìm thấy ở nơi từng là đế chế La Mã vĩ đại hay không.
Mặc dù các câu hỏi đặt ra đều chưa có được câu trả lời thỏa đáng, nhưng có một điều chắc chắn là các khối mười hai mặt La Mã được chủ sở hữu đánh giá cao. Vì thực tế, một trong số chúng đã được tìm thấy trong kho trữ tiền xu hay cùng với các mặt hàng có giá trị khác. Chúng ta có lẽ sẽ không bao giờ biết mục đích thực sự của khối mười hai mặt La Mã, nhưng vẫn có thể hy vọng với sự phát triển của ngành khảo cổ học, người ta sẽ khai quật thêm nhiều manh mối hơn để giúp giải quyết vấn đề bí ẩn này.
Thanh Phong – Dịch từ Acient Origins