Bé tí hon chào đời nặng 0.3 kg với cánh tay chui lọt nhẫn cưới
Sau một lần sảy thai, Tammy may mắn có cơ hội được làm mẹ lần thứ hai. Nhưng vì bắt buộc phải sinh mổ khi đứa trẻ mới 27 tuần tuổi, nên tỉ lệ sống sót chưa đầy 5%. Dù vậy, họ vẫn trông ngóng điều kỳ diệu sẽ xảy ra.
Vào năm 2003, cặp vợ chồng trẻ Eric và Tammy Koz đã vô cùng vui sướng khi biết Tammy đang mang thai. Trước đó, cô đã từng sảy thai một lần, nên đứa bé lần này đến với cô là một hy vọng mới giúp cô có thể lên chức làm mẹ.
Nhưng kèm theo đó là nỗi lo lắng của bà mẹ trẻ vì cô bị mắc chứng bệnh lupus – hội chứng tự miễn dịch gây viêm khớp, gân, da và một số mô cơ quan liên kết. Đây cũng là nguyên nhân khiến đứa con đầu tiên của cô không thể chào đời.
Để đảm bảo an toàn cho đứa bé, Tammy vẫn luôn đi khám thai định kỳ thường xuyên.
Những tháng đầu tiên, cái thai phát triển bình thường, nhưng sang tuần thứ 19 thì thai nhi bắt đầu có những chuyển biến xấu, nguy cơ chết lưu trong bụng mẹ là rất cao. Khả năng chào đời của đứa bé khi này chỉ bằng 0%.
Lúc bấy giờ, gia đình phải đứng giữa hai sự lựa chọn khó khăn, một là phẫu thuật đưa đứa bé ra ngoài với tỉ lệ sống sót bằng 0, hai là cố gắng giữ thai đến tuần thứ 27 thì tỉ lệ sống cũng chỉ tăng chưa đầy 5%.
Cả Eric và Tammy đều không muốn từ bỏ hy vọng, họ quyết định sẽ giữ thai cho đến tuần thứ 27. Từ đó, mỗi ngày Tammy đều đến bệnh viện để khám tim thai, nhằm đảm bảo rằng đứa bé vẫn còn sống.
Cuối cùng giây phút chờ đón đứa trẻ ra đời cũng đến, cả Eric và Tammy đều rất lo lắng. Tammy cho rằng, cô sẵn sàng hy sinh cả mạng sống để con ra đời.
Vào ngày 1/2004 tại bệnh viện Edward, DuPage, Illinois (Mỹ), cuối cùng Tammy đã thành công hạ sinh một bé gái bằng phương pháp sinh mổ. Đứa bé đã sống sót một cách kỳ diệu, nhưng vì sinh non nên sức khỏe khá yếu ớt, cần lập tức đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt.
Bé được đặt tên là Zoe Koz, nặng vỏn vẹn 0,3kg. Mặc dù Zoe đã 27 tuần tuổi, nhưng kích thước cơ thể em thậm chí còn không bằng một thai nhi 23 – 24 tuần tuổi bình thường trong bụng mẹ. Cánh tay Zoe còn nhỏ hơn ngón tay của một người trưởng thành. Điều này là do bé phải chịu ảnh hưởng từ căn bệnh lupus của mẹ.
Theo ghi nhận, trường hợp của Zoe là em bé nhỏ thứ 3 ra đời ở Mỹ, và nhỏ thứ 9 trên thế giới.
Kích thước thai nhi quá nhỏ cũng ảnh hưởng đến việc dùng ống dẫn thức ăn hay ống thở. Vì các dụng cụ đều quá to so với cơ thể bé. Trường hợp của Zoe, dẫu đã may mắn sống sót vẫn có thể trong tương lai sẽ chịu những khiếm khuyết hay bệnh tật.
Do đó dù đứa bé được sinh ra an toàn, nhưng các bác sĩ và vợ chồng Tammy, đều không chắc chắn em có thể trụ được hay không.
Nhưng gần một tháng sau, kỳ tích lại xuất hiện, Zoe có thể dùng bàn tay nhỏ bé để nắm lấy ngón tay mẹ mình, điều này khiến ai cũng đều xúc động.
Zoe sau đó được xuất viện vào ngày 9/6/2004, và cho đến nay, em vẫn mắc một vài di chứng do sinh non, nên phải dùng máy trợ thính và đeo kính cận. Dẫu vậy, sự sống sót của em đối với cha mẹ và đội ngũ y bác sĩ thật sự là một kỳ tích.
Giờ đây Zoe không khác gì một đứa trẻ bình thường khác, còn có phần lanh lợi và học giỏi, luôn năng nổ trong học tập và các hoạt động xã hội. Em là người khiến cho bệnh viện như bừng sáng mỗi khi đến thăm khám định kỳ.
Mỗi lần gặp em, các bác sĩ đều phải đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, sự thay đổi và lớn lên kỳ diệu của cô bé cũng đã giúp đội ngũ y tế có thêm động lực, cảm hứng để tích cực làm việc, đóng góp cho xã hội.
Thanh Thiên (t/h)