Bắt tạm giam, tước quân tịch Trưởng phòng PC03 Công an TP. Hà Nội
Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (PC03), Công an TP. Hà Nội, Đại tá Phùng Anh Lê vừa bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp.
Theo thông tin trên báo Tuổi Trẻ, chiều ngày 23/9, CSĐT Viện KSND tối cao đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Đại tá Phùng Anh Lê (54 tuổi), nguyên Trưởng Công an, nguyên Thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an quận Tây Hồ.
Ông Lê bị bắt để điều tra về hành vi “Tha trái pháp luật, người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù”.
Cùng bị khởi tố, bắt tạm giam còn có nguyên Đội trưởng đội cảnh sát hình sự Công an quận Tây Hồ, Trung tá Nguyễn Đức Châu (48 tuổi); Nguyên phó đội trưởng đội cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Công an quận Tây Hồ, Trung tá Lê Đình Trung.
Nguyên phó đội trưởng đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an quận Tây Hồ, Trung tá Vũ Công Ngọc được cho tại ngoại.
Trước đó vào chiều ngày 21/6, Giám đốc Công an TP. Hà Nội là Trung tướng Nguyễn Hải Trung đã công bố một vài thông tin xoay quanh vụ việc liên quan Đại tá Phùng Anh Lê.
Trung tướng Nguyễn Hải Trung cho biết, vào năm 2016, trong vụ án “Cướp tài sản” và một vụ án khác, Đại tá Phùng Anh Lê đã có dấu hiệu phạm vào tội “không khởi tố người có tội”.
Cụ thể, năm 2016, Nguyễn Hữu Tài (28 tuổi, ngụ tại quận Ba Đình, TP. Hà Nội) hoạt động tín dụng đen cho anh Nguyễn C.T. vay số tiền 10 triệu đồng. Anh T. sau đó trả được phần lãi và một phần gốc, còn nợ Tài 4 triệu đồng.
Chiều ngày 21/9/2016, phát hiện anh T. ở khu vực P. Yên Phụ, nhóm của Tài đã đuổi theo để đánh, khống chế xe máy và cướp điện thoại của nạn nhân.
Đi được một đoạn thì xe máy hết xăng, anh T. chạy vào trụ sở Công an phường Tràng Tiền nên nhóm của Tài dừng đuổi theo mà ném trả điện thoại rồi bỏ đi.
Sau khi tiếp nhận vụ việc công dân trình báo bị bắt giữ trái luật do mâu thuẫn trong việc đòi nợ nhau, quá trình điều tra, đánh giá, trung tá V.C.N, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an Q.Tây Hồ và điều tra viên P.T.H có cùng quan điểm rằng Tài và đồng bọn có dấu hiệu phạm tội bắt giữ người trái pháp luật và đề xuất lãnh đạo Công an Q.Tây Hồ ra quyết định tạm giữ hình sự Tài để phục vụ điều tra.
Tuy nhiên, sau khi nghe báo cáo và đọc hồ sơ, đại tá Lê lại cho rằng các tài liệu, chứng cứ còn yếu, chưa có căn cứ để tạm giữ hình sự Tài và chỉ đạo bằng miệng không tạm giữ hình sự đối với Tài, cho Tài về và cam kết khi nào cơ quan công an triệu tập phải có mặt.
Ngoài ra, đại tá Lê còn phê bình trung tá N. về cách nhận định trong vụ việc này là không đúng người đúng tội, dễ dẫn đến oan sai.
Theo đó, Công an quận Tây Hồ sau đó đã mời anh T. đến trụ sở để hòa giải với Tài. Do ném vỡ màn hình điện thoại của anh T. nên Tài phải thay lại màn hình điện thoại cho anh T. và bồi thường cho anh T. 15 triệu đồng.
Tưởng chừng sự việc đã đi vào dĩ vãng, nhưng đầu năm 2021, Tài cùng các đối tượng trong vụ án đã đến Công an TP. Hà Nội khai nhận và đầu thú mọi hành vi gây ra đối với anh T.
Theo nội dung đơn xin đầu thú của Tài vào ngày 16/1, lý do ra đầu thú là do biết Công an TP. Hà Nội đang thụ lý lại vụ án của mình, nên đầu thú để được hưởng khoan hồng.
Ngày 29/4/2021, TAND TP. Hà Nội tuyên phạt Tài 24 tháng tù giam về tội “cướp tài sản”.
Đáng chú ý, trong phiên tòa, vợ của đối tượng Tài khai trong quá trình Công an quận Tây Hồ thụ lý vụ án, gia đình Tài đã đưa cho 1 cán bộ Công an Q.Tây Hồ số tiền 100 triệu đồng để nhờ “chạy án”.
Về phân ông Lê, ông Châu cùng những người liên quan đã bị công an TP. Hà Nội đình chỉ công tác để phục vụ công tác điều tra từ đầu tháng 2/2021.
Bộ Công an cho biết, trước thời điểm bị bắt, đại tá Phùng Anh Lê đã bị tước quân tịch.
Các cơ quan tố tụng xác định việc Công an Q.Tây Hồ không xử lý hành vi cướp tài sản của Tài và đồng phạm là có dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp, nên đã chuyển hồ sơ đến Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao để làm rõ.
Yên Yên (t/h)