Bắt nhóm buôn Phi điệp đột biến lừa đảo hàng chục tỷ đồng
Đánh vào lòng tham của quần chúng, nhiều người đã bị nhóm này lừa đảo với tổng số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng.
Hôm qua ngày 11/8, thông tin từ Công an huyện Quỳnh Lưu – Nghệ An cho biết, đơn vị đã tiến hành bắt giam 11 người đến từ Hòa Bình có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc bán lan Phi điệp đột biến.
Theo kết quả điều tra ban đầu, nhóm nghi phạm này ở Hòa Bình đến thuê lại một ngôi nhà 2 tầng ở thị trấn Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu để làm nhà vườn nuôi trồng và buôn bán cây hoa phong lan. Mặt hàng mà nhóm này hướng tới là các chậu lan Phi điệp đột biến bởi đây là cây đang gây sốt trên thị trường với nhiều cuộc giao dịch có giá trị tiền tỷ.
“Lợi dụng cơn sốt của thị trường, nhóm này đã lên mạng xã hội rao bán lan Phi điệp đột biến kèm theo giấy bảo hành, cam kết cây bán ra chuẩn cây và đúng mặt hoa. Nhiều người tin tưởng đã chuyển cho nhóm đối tượng hàng trăm triệu đồng để giao dịch. Tuy nhiên, khi nhận cây về chăm sóc, một thời gian sau phát hiện ra mình bị lừa nên đã làm đơn tố cáo gửi cơ quan công an” – lãnh đạo công an huyện Quỳnh Lưu cho biết.
Nạn nhân ở nhóm đối tượng này đến từ khắp các tỉnh thành trên cả nước. Theo thống kê của cơ quan chức năng huyện Quỳnh Lưu, hiện nay có nhiều người gửi bằng chứng các cuộc giao dịch mua bán lan với nhóm này, số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng/cuộc giao dịch.
Lãnh đạo địa phương cho biết nhiều người chơi lan var (lan đột biến) tìm đến một căn nhà mặt phố trên địa bàn để truy tìm một nhóm đối tượng để đòi lại tiền.
Cũng theo nguồn tin này, tại thời điểm đó, chưa có đơn tố cáo nào gửi đến cơ quan chức năng, nhưng theo nguồn tin từ quần chúng nhân dân thì số tiền liên quan đến vụ việc lên tới cả chục tỷ đồng.
Báo Việt Nam Net đưa tin, ông N.V.T (60 tuổi, ngụ huyện Phù Ninh, Phú Thọ) cũng bị lừa với thủ đoạn tương tự, với số tiền lên tới 2,6 tỷ đồng.
Cụ thể, sau khi tìm tới nhà vườn uy tín, ông T. thỏa thuận và chốt giá 2,6 tỷ cho 10 kei lan Phi điệp đột biến với đầy đủ chủng loại đang sốt trên thị trường. Giao dịch có kèm theo giấy bảo hành. Nhà vườn thậm chí còn chấp nhận cho ông T. đặt cọc trước với số tiền rất nhỏ so với hợp đồng, chỉ 50 triệu đồng. Chỉ khi nhận cây về thấy đúng chủng loại mới trả nốt số tiền còn lại.
Sau khi nhập được số lan Phi điệp đột biến này về, một thời gian sau có nhiều nhóm người tìm đến nhà hỏi mua với giá rất cao. Nghĩ rằng người bán đã chuyển cho mình đúng chủng loại nên ông T. đã nhờ con trai chuyển nốt số tiền còn lại để thanh toán dứt điểm cho nhà vườn còn số lan mua về được bán cho người khác.
Tuy nhiên, một thời gian sau, nhóm người mua lan nhà ông T. tìm đến khẳng định, những kei lan ông bán cho họ không phải là Phi điệp đột biến mà đó chỉ là cây cấy mô.
“Lúc này tôi mới ngớ người ra, không tin vào mắt mình. Bằng kinh nghiệm của mình, tôi không thể phát hiện ra đó là cây cấy mô mặc dù bên ngoài, đó cũng là hàng xanh, sạch – đặc điểm của lan var. Nhưng người mua của nhà tôi chỉ ra 3 đặc điểm lan var thường có mà cây họ mua từ nhà tôi chỉ có 2 đặc điểm”, ông T. cho biết.
Ban đầu, ông T. cũng trình bày sự việc mình chỉ là người mua lại từ nhà vườn khác, có giấy bảo hành hẳn hoi nhưng nhóm mua lan nhà ông không chịu, buộc ông phải trả lại tiền còn họ trả lại cây.
“Tôi không đồng ý thì họ đe dọa bằng nhiều cách khác nhau. Quá lo sợ nên tôi phải trả lại tiền cho họ. Để rồi bây giờ phải gánh khoản nợ mà không biết đến khi nào mới trả hết”, ông T. bày tỏ.
Từ Thức (t/h)