Bật mí nhà máy iphone bí mật nhất thế giới
Lần đầu tiên, một trong những nhà máy sản xuất iPhone bí mật nhất của Apple cho phép một phóng viên phương Tây tham quan. Đây là nơi 50.000 nhân viên lắp ráp chiếc smartphone đem lại lợi nhuận cao nhất thế giới.
Một người phụ nữ và một người đàn ông nhìn chằm chằm vào máy quét khuôn mặt và phù hiệu ở cửa quay an ninh để chuẩn bị bước vào. Việc kiểm tra nghiêm ngặt nói trên không mất quá nhiều thời gian, thường chỉ kéo dài khoảng 2 giây.
Đây là nơi những chiếc điện thoại thông minh đem lại lợi nhuận lớn nhất thế giới được tạo ra, là một phần của chuỗi cung ứng được bảo vệ chặt chẽ của hãng Apple. Sau nhiều năm bị cáo buộc là ép nhân viên Trung Quốc làm việc nhiều giờ, quá sức, Pegatron và Apple áp dụng biện pháp mới nhằm tránh cho nhân viên làm việc lố giờ. Họ háo hức thể hiện cách hệ thống mới hoạt động và lầm đầu tiên cho phép một nhà báo phương Tây bước vào bên trong nhà máy. Giám đốc cơ sở Pegatron John Sheu, hay còn gọi là Big John, người quản lý 50.000 nhân viên, là người hướng dẫn phóng viên hãng tin Bloomberg thăm một vòng nhà máy.
“Mỗi một giây đều có giá trị”, Big John nói.
Khi đi qua một máy dò kim loại dùng để phát hiện camera, thiết bị có thể được dùng để rò rỉ hình ảnh sản phẩm mới chưa phát hành, người lao động đi theo chiều mũi tên ở trên sàn và các tấm áp phích đẹp trên tường. Họ leo lên cầu thang có tấm lưới an toàn quấn quanh nhằm ngăn chặn tai nạn hoặc tự tử. Tại hàng tủ cá nhân, họ cất giày dép của mình và thay bằng dép nhựa sạch.
Đúng 9 giờ 20 phút, 320 công nhân đơn vị sản xuất xếp hàng điểm danh.
“Chào buổi sáng!”, nhân viên đồng thanh hô lên dưới cái nhìn thận trọng của Big John. 6 phút sau, tất cả họ ở trên tầng sản xuất, nơi lắp ráp smartphone di chuyển qua các băng chuyền. Nhà máy này là một trong những cơ sở bí mật nhất tại trung tâm sản xuất iPhone, có diện tích tương đương với gần 90 sân bóng đá.
Xung quanh khu vực này có đầy đủ tiện ích: xe buýt đưa đón, quán cà phê, bãi cỏ xanh và ao cá. Các tòa nhà bê tông màu xám và nâu gợi lên kiến trúc truyền thống của Trung Quốc. Disneyland Thượng Hải sẽ mở cửa vào tháng 6 tới đây cách nơi này khoảng 20 phút lái xe.
“Việc Apple để cho một phóng viên bước vào cho thấy họ đang trả lời áp lực từ bên ngoài, cố gắng để minh bạch hơn hay ít nhất là cố gắng sửa chữa điều gì đó. Song họ không nói cho chúng ta biết về cách họ điều hành doanh nghiệp, hay cách họ điều khiển toàn bộ hệ thống lao động này”, giảng viên Jenny Chan tại Kellogg College Oxford nói.
“Điều kiện này là thoải mái so với các nhà máy khác. Chúng tôi không bao giờ làm hơn 60 giờ/tuần”, cô Xu Na, 30 tuổi, người cùng em trai làm việc tại nhà máy này cho biết. Dù vậy, cơ sở Pegatron vẫn ẩn chứa bí mật, theo cơ quan Giám sát Lao động Trung Quốc. Lương cơ bản vẫn còn thấp và công nhân thường phải làm thêm giờ để kiếm sống và 1.261 bảng lương của cơ sở Pegatron Thượng Hải từ tháng 9 đến tháng 10.2015 cho thấy điều này. Pegatron là nhà sản xuất hợp đồng điện tử lớn nhất sau Foxconn, theo Bloomberg Intelligence.
Apple cho hay họ đã tiến hành 640 cuộc kiểm tra trên 1,6 triệu lao động vào năm 2015. Năm 2013, Apple cử các chuyên gia y tế đến điều tra một loạt trường hợp tử vong của người lao động tại Pegatron. Một thiếu niên 15 tuổi đã chết vì viêm phổi và nguyên nhân dẫn đến cái chết không được tiết lộ. Apple cho hay hãng không tìm thấy bằng chứng cho thấy vụ việc liên quan đến điều kiện làm việc. Một trong các cải thiện điều hành mà Pegatron cũng háo hức chia sẻ với báo giới là việc minh bạch hóa thu nhập. Nhân viên nhà máy giờ đây có thể kiểm tra giờ làm của họ, phiếu lương, thực phẩm và tiền ăn ở hằng tháng ở các màn hình cảm ứng khắp khuôn viên nhà máy.
Nếu làm thêm giờ, họ mang về nhà trung bình 4.200 đến 5.500 nhân dân tệ, hay 650 – 850 USD, mỗi tháng. Một nhân viên nữ cho biết lương cơ bản của cô là 2.020 nhân dân tệ. Một chiếc iPhone 6 ở Trung Quốc có giá 4.488 nhân dân tệ.
Cơ sở Pegatron cho thấy thay đổi trong xã hội và kinh tế Đại lục, đất nước dù có chi phí lao động tăng cao, vẫn đang là trụ cột trong chuỗi cung ứng điện tử toàn cầu. Các nhà sản xuất theo hợp đồng như Foxconn và Pegatron thống trị đầu ra của thế giới công nghệ, từ máy tính xách tay, tivi đến smartphone và máy tính bảng.
Mối quan tâm của các cơ sở này giờ đây chuyển sang cho sản xuất và thu hút nhân tài. Các nhà máy cũ kỹ đang được thay thế bởi khu sản xuất hiện đại với nhiều tiện nghi như Wi-Fi miễn phí, phòng xem tivi, dịch vụ làm sạch và tùy chọn nâng cấp ký túc xá. Các nhà máy Đại lục đang ngày càng khó tìm và giữ chân nhân viên vì lực lượng lao động thu hẹp.
Theo thanhnien.vn