Bão số 14 suy yếu, miền Trung vẫn mưa lớn
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương hôm 19/11, sau khi đi vào khu vực vùng biển các tỉnh Ninh Thuận – Bình Thuận, bão số 14 (có tên quốc tế là Kirogi) đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và tan dần.
Sau khi đi vào khu vực phía Đông quần đảo Trường Sa hôm 18/11, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành cơn bão số 14 (có tên quốc tế là Kirogi). Sức gió mạnh nhất đạt cấp 8 (60 – 75km/h), giật cấp 11. Tuy nhiên, đến 19/11 bão số 14 bất ngờ suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trước khi đổ bộ vào đất liền và tan dần.
Dù áp thấp nhiệt đới tan nhưng dự báo các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Thuận và Tây Nguyên tiếp tục có mưa to đến rất to. Bên cạnh đó do ảnh hưởng kết hợp hoàn lưu bão với không khí lạnh mạnh nên vùng mưa lớn mở rộng về phía Bắc của Trung Bộ.
Vào rạng sáng 20/11, từ Quảng Trị đến Đà Nẵng đã xảy ra mưa to đến rất to như trạm Hải Thái (Quảng Trị) 45mm, Đông Hà (Quảng Trị) 60mm, Gia Vòng (Quảng Trị) 72mm, Cầu Truồi (Thừa Thiên Huế) 75mm, hồ chứa nước Khe Ngang (Thừa Thiên Huế) 115mm, Hòa Phú (Đà Nẵng) 44mm, Đồng Nghệ (Đà Nẵng) 58mm.
Dự báo trong 6 – 12 giờ tới, từ Quảng Trị đến Đà Nẵng tiếp tục có mưa to đến rất to. Nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập úng ở vùng trũng thấp từ Quảng Trị đến Đà Nẵng.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương: Trên các sông từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận, khu vực Tây Nguyên và sông Đồng Nai có khả năng xuất hiện một đợt lũ. Trong đó, mực nước trên các sông từ Quảng Trị đến bắc Phú Yên lên mức báo động 2 đến báo động 3, có nơi trên báo động 3.
Từ ngày 20/11, mực nước trên các sông Trà Khúc (Quảng Ngãi) tại Trà Khúc lên mức 5m, ở mức báo động 2, sông Vệ (Quảng Ngãi) tại Sông Vệ lên mức 3,7m, trên báo động 2, sông Kôn tại Thạnh Hòa lên mức 7,2m, trên báo động 2, sông Kỳ Lộ tại Hà Bằng lên mức 9,5m, ở mức báo động 3.
Ngọc Khải (t/h)