Báo Nhật vạch trần chiêu trò kinh doanh của Miniso tại Việt Nam
Dù giống hệt một công ty Nhật Bản, các sản phẩm bày bán bên trong Miniso cũng đều được ghi nhãn mác bằng tiếng Nhật nhưng hầu hết có xuất xứ từ Trung Quốc, tờ Nikkei của Nhật cho hay.
Giữa tháng 9 vừa qua, 3 cửa hàng tiện ích có tên Miniso được mở tại Hà Nội. Điều đáng nói là nhìn thoáng qua, tấm biển của cửa hàng này khá quen thuộc với nhiều khách hàng trên khắp thế giới: 2 hình vuông màu đỏ bao trong những ký tự bằng tiếng Nhật và chữ cái tiếng Latin màu trắng.
Về hình thức những cửa hàng này có rất nhiều nét giống với chuỗi cửa hàng quần áo nổi tiếng Nhật Bản là Uniqlo, tuy nhiên bên trong lại có nét giống với chuỗi cửa hàng bán lẻ Muji.
Dù giống hệt một công ty Nhật Bản, các sản phẩm bày bán bên trong cũng được ghi nhãn mác bằng tiếng Nhật, nhưng hầu hết đều có xuất xứ từ Trung Quốc.
Đây rõ ràng là một chiến lược marketing khôn ngoan. Rất nhiều người dân Việt Nam ưa thích hàng Nhật. Dẫu vậy, nó tồn tại một vài vấn đề đáng quan ngại.
Theo thông tin ghi phía sau sản phẩm, chuỗi cửa hàng có tên gọi Miniso này được điều hành bởi một công ty cùng tên đặt trụ sở tại Ginza, Tokyo. Công ty này đang điều hành 80 cửa hàng, chủ yếu tại Trung Quốc. Hà Nội là thành phố đầu tiên của Việt Nam hãng này mở cửa hàng.
Khi được hỏi liệu Miniso có phải là công ty Trung Quốc không – một nhân viên 28 tuổi ở một cửa hàng của hãng đặt tại Việt Nam nói rằng các sản phẩm đều là của công ty Nhật Bản nhưng được sản xuất tại Trung Quốc. Nếu nói Miniso là công ty Trung Quốc, thì iPhone cũng là sản phẩm Trung Quốc.
Các dòng sản phẩm, thực phẩm, mỹ phẩm và đồ dùng văn phòng được đóng gói giống hệt với Muji và Uniqlo. Đáng nói là mức giá các sản phẩm bán trong Miniso không hề rẻ so với mức sống trung bình của người Việt Nam. Một chai dưỡng ẩm có giá 5,82 USD (tương đương 130.000 VNĐ).
Không chỉ Miniso, tại Việt Nam còn xuất hiện những cửa hàng “đội lốt” công ty Hàn Quốc. Đầu tháng 9, một cửa hàng khác được mở tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có tên Ilahui, bán sản phẩm với nhãn mác viết bằng tiếng Hàn nhưng hầu hết sản xuất tại Trung Quốc. Sản phẩm của cửa hàng này được đóng gói bắt mắt, thu hút những cô gái trẻ tuổi vốn mê mệt với những sản phẩm thời thượng xuất hiện trong các bộ phim Hàn Quốc.
Hiện có nhiều cửa hàng tại Việt Nam bị trà trộn hàng hóa Trung Quốc làm dấy lên lo ngại về chất lượng sản phẩm.
Theo Vntinnhanh