Báo chí quốc tế “khóc ròng” với bài toán lớp 3 siêu khó của Việt Nam
“Tôi tự hỏi làm sao những đứa trẻ 8 tuổi có thể giải được bài toán này trừ phi chúng có một chiếc máy tính lượng tử trong đầu”, một độc giả của tờ The Guardian (Anh) bình luận
Sau khi “gây bão” trong nước, bài toán số học dành cho học sinh lớp 3 của một trường tiểu học ở Bảo Lộc (Lâm Đồng) đã lan rộng ra báo chí quốc tế và tiếp tục khiến các độc giả nước ngoài phải khóc ròng vì độ khó của nó. Trên tờ The Guardian (Anh), bài viết có tiêu đề đầy thách thức: “Bạn có thể giải được bài toán dành cho một đứa trẻ 8 tuổi ở Việt Nam, đã khiến các bậc phụ huynh và giáo viên đau đầu, này không?”. Tác giả Alex Bellos viết trong mục Khoa học của tờ The Guardian rằng “Hãy quên Singapore đi” (ám chỉ bài toán chia bò cũng khá hóc búa của học sinh Singapore) và khẳng định, mặc dù đây chỉ là một bài toán số học thông thường nhưng nó không hề “dễ như một cuộc đi dạo trong công viên” bởi nó có tới… 9 ẩn số khác nhau.
Điều thú vị là Alex Bellos đã tiết lộ thêm rằng học sinh Việt Nam hiện đang được xếp thứ hạng khá cao trong bảng xếp hạng của PISA – đánh giá năng lực học sinh từ 15 tuổi trở xuống qua các môn toán, khoa học và đọc. “Việt Nam xếp thứ 17 trong môn Toán và thứ 8 trong môn Khoa học vượt xa rất nhiều nước phương Tây như Anh (xếp thứ 26 và 20) hay Mỹ (xếp thứ 36 và 28) và có lẽ vì thế mà không quá khó hiểu khi họ (giáo viên) ra những đề toán kiểu này (cho học sinh)”, Alex viết.
Chỉ vài tiếng sau khi bài viết ngắn mang đầy tính thách đố này xuất hiện trên trang của The Guardian, đã có hơn 1.000 bình luận và lời giải được độc giả gửi về. “Tôi tự hỏi làm sao những đứa trẻ 8 tuổi có thể giải được bài toán này trừ phi chúng có một chiếc máy tính lượng tử trong đầu”, một độc giả có tên Robert Dyson bình luận ở cuối bài viết trên tờ Guardian. “Tôi nhìn chằm chằm vào cái đề toán này cả 1 tháng cũng chẳng biết giải thế nào. Thôi tốt nhất là không bận tâm nữa”, độc giả có tên Stiff bình luận một cách hài hước và ngay bên dưới là một độc giả có tên Commontata “hưởng ứng”: Tôi cũng vậy.
Một số độc giả khác thì tỏ ra khá nhiệt tình trong việc tìm đáp án. Có người đăng kết quả lên và tuyên bố: Tôi mới 6 tuổi thôi. Bên dưới đáp án này, một độc giả khác “bày cách” là sử dụng phần mềm Excel.
Nhưng có lẽ các độc giả của nước Anh không biết là bài toán này có tới hàng ngàn đáp án khác nhau nên một số cuộc tranh luận đã nổ ra khi ai cũng cho rằng đáp án của mình mới là đúng còn của người kia sai. Thậm chí cuộc tranh luận xem thực sự là bài toán này có 128, 136 hay 144 đáp án cũng đã nổ ra khá gay gắt.
Không “rôm rả” như các độc giả của tờ The Guardian, bài toán lớp 3 của Việt Nam này cũng xuất hiện trên chuyên trang về công nghệ Gizmodo và thu hút được khoảng gần 300 bình luận, lời giải. “Không, tôi không thể giải được bài này. Những đứa trẻ 8 tuổi ở Việt Nam có thể làm bài toán này nhưng liệu chúng có phải học cái gì khác nữa không?”, một độc giả của tờ Gizmodo có tên Daveina bình luận.
“Tôi cảm thấy mình thật may mắn vì không phải là một đứa trẻ 8 tuổi người Việt Nam”, một độc giả bình luận. Trần Phong |
Theo Infonet