Lấp sông Hàn: Bán tai ương cho người Đà Nẵng
“Người dân Đà Nẵng chẳng hưởng được gì từ các công trình lấp sông ngoài sạt lở, ngập lụt hiển hiện sau một vài trận mưa bão. Chủ của Marina Complex, Olalani, Euro Village bán nhà thu về hàng triệu đô la và cũng bán luôn tai ương cho người Đà Nẵng.”
Dự án Marina Complex của công ty TNHH Bến Du Thuyền do bà Nguyễn Thị Như Loan làm chủ nằm im suốt một năm qua, thật ra vẫn đang rao bán trên trang facebook cùng tên với dự án. Bà Loan là chủ của công ty Quốc Cường Gia Lai. Trên trang facebook, dự án này được quảng cáo rất kêu: “Bất động sản hữu hạn để càng lâu càng mang lại giá trị vô hạn”.
Giá trị vô hạn dành cho chủ đầu tư có thể đúng bởi từ nay khó ai lấp được sông như bà Loan và Sun Group. Chịu khó nằm im cho dư luận quên lãng rồi mở bán thu về lợi nhuận tiền tỉ. Còn người dân Đà Nẵng, sống bao đời trên mảnh đất của tổ tiên mình, sẽ nhận được gì?
Ngày 7/5/2019, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP Đà Nẵng đã tổ chức một “hội nghị phản biện xã hội”, với một số các “chuyên gia” đến từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và cả người sở tại, để mạnh miệng khẳng định rằng, việc lấp sông Hàn chắc chắn không gây ngập lụt cho thành phố Đà Nẵng.
Câu trả lời cho các “chuyên gia” này đã có sau một năm. Cơn bão vừa qua đã cho thấy khi dòng sông Hàn bị lấp bên Đông sẽ lở loét bên Tây. Đoạn đường Như Nguyệt ven sông, đối diện với các dự án của bà Loan và Sun Group đã tan nát dù cơn bão vừa qua chưa phải vào trực tiếp Đà Nẵng. Các “chuyên gia” năm nào mở miệng bênh cho các dự án lấp sông nay có dám đối diện nhắc lại điều ấy với người dân Đà Nẵng không?
Một tuần sau cái hội thảo để chuẩn bị dư luận nói trên, ngày 14/5/2019, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng Thái Ngọc Trung cho biết, Sở Xây dựng đã có buổi làm việc với chủ đầu tư hai dự án ven sông Hàn và đi đến thống nhất một số nội dung:
- Toàn bộ nhà cao tầng trong quy hoạch của 2 dự án sẽ bị bỏ. Thành phố sẽ hoán đổi các vị trí đất khác mà thành phố đang quản lý, phù hợp với việc xây dựng nhà cao tầng cho các nhà đầu tư, với nguyên tắc ngang giá. Thay vào đó, phần đất ven sông Hàn sẽ chuyển đổi qua mô hình các công trình kết hợp giữa trung tâm thương mại và nhà ở thấp tầng.
- Dành 20m từ bờ sông Hàn trở vào để xây dựng lối đi cộng đồng, trồng cây xanh, công viên và bãi đỗ xe. Dự án Olalani Riverside Tower xóa quy hoạch 3 cầu tàu bến thuyền trên sông Hàn, bỏ quy hoạch tuyến đường giao thông cơ giới ven sông, thay bằng tuyến đường đi bộ kết hợp công viên cảnh quan.
Dự án Marina Complex điều chỉnh lùi các công trình thấp tầng vào sâu trong đất liền, nhường chỗ cho không gian công viên cảnh quan ra khu vực ven sông.
Đọc kỹ “thỏa thuận” giữa Sở Xây dựng Đà Nẵng và các chủ đầu tư, sẽ thấy nội dung chính về việc lấp sông đã bị lờ đi. Trong “thỏa thuận”, diện tích lấn sông/lấp sông vẫn giữ nguyên, trong khi đó nhà đầu tư lại còn được đền bù thêm đất để xây nhà cao tầng ở địa điểm khác.
Mấy “tuyến đường đi bộ cộng đồng” kia, sẽ chỉ phục vụ cho chủ nhân những nhà-ở-triệu-đô thuộc dự án, còn người dân Đà Nẵng sẽ chẳng mấy ai rảnh rỗi mà tới hưởng cái quyền lợi vờ vĩnh đó. Một ví dụ rất rõ là dự án lấp sông Euro Village của Sun Group ở dưới chân cầu Trần Thị Lý, những con đường mang danh “công cộng” nhưng chỉ dành riêng cho cư dân của dự án này.
Dự án lấn sông của bà Loan chỉ là một trong số 3 dự án lấn sông Hàn và là cái có diện tích nhỏ nhất. Hai cái còn lại là Euro Village và Olalani đều của Sun Group. Trong đó, dự án Euro Village là nơi có căn biệt thự của cựu Giám đốc công an TP. ĐN.
Theo luật, các dự án đều phải công khai Bảng đánh giá tác động Môi trường (ĐTM). Thế nhưng, không ai có thể tìm được hai cái ĐTM của hai công trình lấn sông do Sun Group đầu tư.
Người dân Đà Nẵng chẳng hưởng được gì từ các công trình lấp sông ngoài sạt lở, ngập lụt hiển hiện sau một vài trận mưa bão. Chủ của Marina Complex, Olalani, Euro Village bán nhà thu về hàng triệu đô la và cũng bán luôn tai ương cho người Đà Nẵng.
Theo Trung Bảo / Báo Sạch