Bản đồ Piri Reis – bằng chứng văn minh tiền sử
Nhà thần học người Đức, ông Gustav Adolf Deissmann ngày 9/10/1929 đã phát hiện một tấm bản đồ kỳ lạ trên cuộn da linh dương nằm lẫn trong đống tài liệu bỏ đi cho thấy Châu Nam Cực hoàn toàn chưa bị băng bao phủ, nghĩa là cách nay hơn 6.000 năm.
Tấm bản đồ cổ được lưu giữ trong thư mục của thư viện Cung điện Topkapi ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) .
Bản đồ này được gọi là Piri Reis, do một người Thổ Nhĩ Kỳ tên Hagji Ahmed Muhiddin Piri (aka Piri Reis) vẽ năm 1513. Reis (1465-1554) là một đô đốc Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ, một thủy thủ giàu kinh nghiệm và cũng là người chuyên vẽ bản đồ. Theo ghi chép còn lại, ông cho biết đã sử dụng 20 biểu đồ và bản đồ khác để làm tư liệu vẽ bản đồ Piri Reis, trong đó có 8 bản đồ Ptolemy, 4 bản đồ Bồ Đào Nha, 1 bản đồ Ả Rập và 1 bản đồ của Christopher Columbus.
Kể từ khi được phát hiện, bản đồ Piri Reis gây nhiều tranh luận, chủ yếu là do trong đó có vẽ thứ gì đó giống như Châu Nam Cực 300 năm trước khi nó được phát hiện. Một điều kỳ lạ là Châu Nam Cực được vẽ vào lúc đó hoàn toàn chưa bị băng bao phủ, cách nay hơn 6.000 năm.
Giáo sư Charles Hapgood là người khơi mào cho những tranh cãi nảy lửa, khi công bố những giả thuyết của mình về Piri Reis trong cuốn sách “Bản đồ của các Hải vương cổ đại” được ông xuất bản năm 1965. Theo đó, khi nghiên cứu bản đồ Piri Reis, ông và một nhóm sinh viên tại Đại học New Hampshire đã tìm thấy nhiều bất thường, chẳng hạn như việc sử dụng phương pháp chiếu Mercator (một phép chiếu bản đồ hình trụ được cho là do các nhà địa lý Flemish và Gerardus Mercator phát minh năm 1569), cũng như cách thể hiện Nam Cực trước khi bị băng bao phủ. Về phép chiếu Mercator, các nhà chuyên môn cho rằng trước đó người Hy Lạp đã vẽ được bản đồ theo phép chiếu hình trụ và cũng đã có thể sử dụng thiên văn học và hình học để tính toán vĩ độ và kinh độ, dù không đạt độ chính xác tuyệt đối cho đến khi Ferdinand Berthoud phát minh ra đồng hồ hàng hải năm 1760. Người ta cho rằng có lẽ bản đồ Piri Reis đã dùng các tư liệu nguồn của người Hy Lạp và thời Alexander nên có sử dụng phép chiếu hình trụ. Tuy nhiên, về việc tại sao bản đồ lại vẽ được Nam Cực khi chưa bị băng bao phủ thì vẫn chưa có giải thích thỏa đáng.
Vì vậy, Giáo sư Hapgood cho rằng bản đồ dựa trên những tư liệu trước thiên niên kỷ 4 trước công nguyên, trước khi bất kỳ ngôn ngữ hay nền văn minh nào được biết tới. Thuyết này cho rằng có một nền văn minh tiền sử đã biết dùng những kỹ thuật hàng hải với độ chính xác cao. Giáo sư Hapgood cũng tin rằng để miêu tả chính xác bề mặt của các Châu lục như trong bản đồ, người vẽ phải có một góc nhìn từ trên không trung, tức nền “siêu văn minh” tiền sử không chỉ thông thạo kỹ thuật hàng hải mà cả hàng không. Từ đó, ông cho rằng có thể tồn tại cả văn minh Atlantis hoặc người ngoài hành tinh. Tuy nhiên, ông không có bằng chứng để hỗ trợ những giả thuyết của mình.
Những người hoài nghi về lý thuyết của Hapgood lại cho rằng thật ra bản đồ vẽ bờ biển Nam Mỹ, còn nếu không thì nó biểu thị một Châu Nam Cực và Nam Mỹ dính với nhau ở Uruguay và Argentina lúc đó còn chưa có. Trong khi cách giải thích này có thể bác bỏ sự hiện diện của Nam Cực trên bản đồ Piri Reis, những bản đồ khác cho thấy việc miêu tả lại lục địa không có băng chỉ có thể xuất hiện sau khi có công nghệ vệ tinh vào thế kỷ 20.
Các giả thuyết khác của Hapgood của đã bị bác bỏ, như giả thuyết thay đổi cực. Trong đó, ông cho rằng một sự thay đổi đột ngột về độ nghiêng của trục quay của trái đất vào năm 9.500 trước công nguyên có thể khiến Nam Cực dịch chuyển hàng trăm dặm về phía nam, khiến nó từ trong vùng khí hậu bán ôn đới chuyển sang đóng băng. Nhưng tất cả các bằng chứng cho thấy điều đó chưa từng xảy ra.
Vấn đề là liệu Nam Cực có được vẽ trên bản đồ Piri Reis, hoặc trên bất kỳ các bản đồ kỳ lạ khác? Nếu có, có thể bản đồ Piri Reis đã được dựa trên các tài liệu của một nền văn minh thời tiền sử nhưng chưa được khám phá? Bất kể như thế nào, tấm bản đồ này cũng khiến chúng ta phải đặt câu hỏi về cách chúng ta nhìn lịch sử của loài người. Có lẽ một ngày nào đó sự thật sẽ được sáng tỏ.
Dưới đây là video về bản đồ Piri Reis:
Thiên Hà, Anh Kiệt – Theo Ancient-origins.net