Bạn ‘cùng cảnh ngộ’ của Tập Cận Bình qua đời, con đường dân chủ vẫn còn dang dở
Vào ngày 25/10, nhà báo độc lập Trung Quốc Cao Du đã đăng trên twitter nói rằng, La Vũ, con trai của đại tướng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) La Thụy Khanh đã qua đời lúc 9 giờ 30 phút tối ngày 22/10 theo giờ miền Đông nước Mỹ, hưởng thọ 76 tuổi.
La Vũ và Tập Cận Bình đều là con cháu của quan chức Đảng cộng sản. La Vũ phục vụ trong Bộ Tổng tham mưu và được phong quân hàm đại tá vào năm 1988. Vào năm 1989 ông tham dự Triển lãm Hàng không Pháp và không trở về nước do bất mãn với cuộc đàn áp “Lục tứ” (thảm sát ở quảng trường Thiên An Môn ngày 4/6/1989) của ĐCSTQ.
Sau đó ông chuyển đến định cư ở Hoa Kỳ. Kể từ năm 2015, La Vũ đã liên tục gửi thư ngỏ kêu gọi Tập Cận Bình dỡ bỏ lệnh cấm tự do báo chí của đảng, chủ trương độc lập tư pháp và bầu cử dân chủ, đồng thời yêu cầu ĐCSTQ xin lỗi vì đã đàn áp học sinh sinh viên vào ngày 4/6 và Pháp Luân Công. Bức thư ngỏ của La Vũ đã gây chấn động vào thời điểm đó.
轉微信:我們親愛的羅宇於紐約時間22日晚上9:30分在美去世,享年76歲。兄弟姐妹泣告。🙏🙏 pic.twitter.com/3smiS4mlaz
— 高瑜 (@gaoyu200812) October 25, 2020
Mọi người từ mọi tầng lớp xã hội đã để lại lời nhắn dưới dòng tweet trên của Cao Du, bày tỏ sự tiếc thương đối với sự ra đi của La Vũ. Một số tweet nhận xét rằng La Vũ là một “Hồng nhị đại” chính nghĩa (Hồng nhị đại – hậu duệ của thế hệ cách mạng đầu tiên của ĐCSTQ).
Tài liệu cho thấy La Vũ sinh năm 1944, ở thành phố Diên An, tỉnh Thiểm Tây, và được nhận vào Khoa điều khiển tự động của Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh năm 1963, gia nhập quân đội năm 1975 và được phong quân hàm đại tá năm 1988. Khi La Vũ tham dự triển lãm hàng không Pháp năm 1989, ông bất mãn với việc ĐCSTQ ra lệnh cho quân giải phóng nhân dân đàn áp sinh viên và dân thường ở Quảng trường Thiên An Môn nên không trở về nước. do đó vào năm 1992, ông bị Giang Trạch Dân trục xuất khỏi quân đội.
Trong hồi ký “cáo biệt Bộ Tổng tham mưu”, La Vũ đã công khai tiết lộ nội tình về cuộc đàn áp ngày 4/6/1989 rằng: Sau khi mệnh lệnh tác chiến nổ súng vào sinh viên được soạn thảo, trước tiên nó được gửi cho Dương Thượng Côn – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Quân ủy Trung ương, và Triệu Tử Dương – Phó chủ tịch thứ nhất, Dương Thượng Côn yêu cầu Đặng Tiểu Bình phải ký trước mới chịu ký, nói rằng: “Đưa Đặng trước, Đặng không ký, tôi sẽ không ký”.
Do đó, mệnh lệnh được gửi cho Đặng Tiểu Bình trước, sau khi Đặng Tiểu Bình ký, Dương Thượng Côn mới ký. Nguyên nhân khiến Từ Cần Tiên – Tư lệnh Quân đoàn 38 từ chối thi hành lệnh là bởi vì Phó Chủ tịch thứ nhất Quân ủy Triệu Tử Dương không ký, lệnh này không đầy đủ, không hợp pháp, không thể thi hành.
Trong một cuộc phỏng vấn với VOA vào năm 2016, La Vũ thừa nhận rằng ông đã rời khỏi thể chế (ĐCSTQ) vì Lục tứ. Ông cho biết, sau sự kiện Lục tứ, ông thôi giữ chức trưởng phòng bộ Trang bị Tổng tham mưu. Ông đã làm quen với cựu ngôi sao Hồng Kông Lương Quắc Hinh (Tina Leung), người có cùng quan điểm với ông về vấn đề “Lục tứ”, hai người đã cùng nhau kết hôn ở hải ngoại.
Vào năm 1992, Giang Trạch Dân, khi đó là lãnh đạo ĐCSTQ đã ban hành lệnh chủ tịch khai trừ La Vũ khỏi quân đội và đảng. Sau này, mặc dù đã được trả lại thẻ căn cước nhưng ông vẫn cảm thấy mình có nhà mà không về được, có quê nhưng vẫn phải xa xứ.
“Cho dù bạn là người Trung Quốc hay người ngoại quốc cũng vậy, khi ông ta bắt bạn rồi thì bạn không thể phân bua được nữa. Mấu chốt là ở đây. Vấn đề của chuyên chế là, bạn thấy đấy, các quan chức tham nhũng của Trung Quốc đã đến Hoa Kỳ rồi, sau khi bị bắt họ còn có tiếng nói trước tòa án, dù sao cũng có nơi để nói, còn ở Trung Quốc thì không có nơi để nói”.
Thư ngỏ gửi cho Tập Cận Bình
Vào năm 2015, La Vũ đã đăng một bài báo dài kỳ “Bàn luận với người em Tập Cận Bình” trên tờ “Apple Daily” của Hồng Kông, trong đó ông chỉ ra nguy cơ bốn bề ở Trung Quốc, “toàn bộ mầm tai họa chính là chế độ độc tài độc đảng của ĐCSTQ”. La Vũ cũng chỉ ra rằng, muốn cho Trung Quốc từng bước tiến đến dân chủ hóa, cần phải dỡ bỏ lệnh cấm báo chí, dỡ bỏ lệnh cấm đảng, độc lập tư pháp, thiết lập bầu cử và quốc gia hóa quân đội.
Kêu gọi sửa án sai cho Pháp Luân Công và “Lục tứ”
Vào ngày 30/12/2015, La Vũ xuất bản “Bàn luận với người em Tập Cận Bình (số 2)”, nói thẳng rằng các vụ án oan sai lớn nhất của Trung Quốc là “lục tứ” và Pháp Luân Công, hơn nữa hai việc này hoàn toàn vi phạm luật pháp quốc tế và Hiến pháp Trung Quốc, “vì vậy, dân chúng mong đợi ông minh oan cho hai sự kiện này. Làn sóng dân chủ trên thế giới đang cuồn cuộn tiến về phía trước, người thuận theo thì thịnh, kẻ đi ngược lại thì vong. Đảng Cộng sản Việt Nam đã rõ ràng về điều đó và tuyên bố sẽ từ bỏ quyền lực trong vòng 5 năm và tổ chức tổng tuyển cử. Chính quyền Myanmar cũng đã minh tỏ rồi và đã chuyển giao quyền lực một cách hòa bình cho chính phủ được dân bầu”.
Vào ngày 3/1/2016, La Vũ lại xuất bản “Bàn luận với người em Tập Cận Bình (số 3)”, trong đó nhấn mạnh rằng, từng bước dân chủ hóa có trật tự mới có thể ngăn chặn được sự sụp đổ của ĐCSTQ.
Trước hết, muốn hoàn toàn phủ định việc Đặng Tiểu Bình nổ súng ngày 4/6 để đàn áp sinh viên thì phải nói lời xin lỗi, bồi thường và biết ân hận. Đối với quân đội phải tiến hành giáo dục hiến pháp để binh sĩ biết rằng không được phép nổ súng vào người dân.
Thứ hai là phủ định hoàn toàn cuộc đàn áp Pháp Luân Công và các đoàn thể tôn giáo khác của Giang Trạch Dân bằng cách nói lời xin lỗi và bồi thường quốc gia. Trừng phạt những tên đao phủ “mổ cướp nội tạng sống” trong đảng, chính phủ và quân đội. Bước tiếp theo là minh oan cho những vụ án oan sai lớn nhỏ. Tại sao Trung Quốc chi hàng chục tỷ đô la Mỹ cho bên ngoài, mà không làm ít việc gì đó cho trẻ em nghèo của nước mình? Kẻ nào được lòng dân thì người đó có được thiên hạ.
Huynh đệ ‘cùng cảnh ngộ’ nhưng chỉ có thể ở nước ngoài mà lên tiếng
Cha của Tập Cận Bình và La Vũ đều được phong làm phó thủ tướng trong thời Mao Trạch Đông. Cuộc “Cách mạng Văn hóa” do Mao Trạch Đông phát động đã hạ bệ cha của họ và phá hủy gia đình họ. La Vũ tin rằng những đau khổ mà cả hai đã trải qua hẳn phải khiến Tập Cận Bình tiếp nhận lời khuyên chân thành của ông. “Trên thực tế cha ông ấy cảm thấy rằng những việc của Mao làm không cách nào thực hiện nổi, cần phải mang theo nhân tính nhiều một chút. Điều này hẳn sẽ tác động đến ông ấy”.
La Vũ từng hồi tưởng lại, cha ông là La Thụy Khanh và cha của Tập Cận Bình là Tập Trọng Huân đều là Phó Thủ tướng Quốc vụ viện và trở thành những người bạn tốt của nhau. Chương cuối của “Bàn luận với người em Tập Cận Bình”, ông nói rằng cả hai đều cùng sinh ra từ một gốc, tình nghĩa anh em, có thể nói chuyện nhẹ nhàng với nhau. Tuy nhiên, dưới chế độ chuyên chế, không có kênh nào để nói chuyện, nên chỉ có thể ở nước ngoài mà kêu gọi.
La Vũ cũng nói với VOA rằng, việc Tập Cận Bình chủ động đi theo con đường tự do và dân chủ là lựa chọn tốt nhất của ông ấy, cũng là phúc của dân tộc Trung Hoa. ngoài đó ra không còn đường nào khác, “Bởi vì ĐCSTQ đều đã thối nát, hơn nữa nhìn từ lịch sử các triều đại mà nói, thì cái thể chế quan liêu mua quan bán chức này coi như là xong rồi”.
Theo thông tin công khai, La Thụy Khanh, cha của La Vũ là tướng quân và là tham mưu trưởng thân tín của Mao Trạch Đông. Ông đã đắc tội với Mao Trạch Đông trong Cách mạng Văn hóa và bị gán cho là thành viên của nhóm chống Đảng, không thể chịu đựng được sự sỉ nhục, ông đã tự tử bằng cách nhảy lầu nhưng không thành công mà chỉ bị què chân. Sau Cách mạng Văn hóa, gia đình La Vũ được sửa án, La Thụy Khanh trở lại làm việc cho Quân ủy và qua đời khi sang Đức điều trị các bệnh về chân vào đầu những năm 1980.
Minh Huy
Theo soundofhope.org