Bạn có đang bị “mắc kẹt” trong tư tưởng của cha mẹ? Đọc 3 câu chuyện sau sẽ rõ
Đối với con cái, cha mẹ chính là những vị thầy đầu tiên, cũng là những người có tầm ảnh hưởng lớn nhất đối với trẻ. Cũng vì lẽ đó, biết bao người trẻ đang bị “mắc kẹt” trong chính tư tưởng của cha mẹ mình.
Khi còn bé, chúng ta đều không biết thế giới bên ngoài kia như thế nào, mọi thứ đều là do cha mẹ giúp chúng ta định hình, còn dạy ta việc gì nên làm, việc gì không nên làm. Thế nhưng, liệu những gì cha mẹ dạy cho chúng ta có phải luôn luôn đúng? Và nếu như chúng ta không phân biệt rõ tốt xấu mà tiếp nhận tất cả, thì đó chính là khiến sai lầm nối tiếp sai lầm.
Dưới đây là 3 câu chuyện nhỏ, giúp bạn hiểu rằng, cách nhìn nhận vấn đề của cha mẹ sẽ có tác động vô cùng lớn đối với tư tưởng của con trẻ.
1. Nhà hàng xóm có một cậu bé, thường hay lui tới nhà tôi chơi. Mỗi lần cậu ta tới nhà, là y như rằng một món đồ chơi của tôi sẽ không cánh mà bay. Tôi thực sự không thích cậu ta đến nhà mình chơi.
Một lần, tôi gặp mẹ của cậu, liền nói với bà ấy rằng tôi bị mất một vài món đồ, và chúng đều nằm trong người cậu bé.
Tôi cứ tưởng rằng sau khi nói với mẹ cậu ta, thì cậu sẽ bị mẹ giáo huấn cho một trận, nhưng kết quả tôi lại bị bà ấy mắng ngược lại.
Bà ấy bực mình nói: “Chẳng phải chỉ là vài món đồ chơi thôi sao, để cho nó chơi một chút thì đã sao, nó chơi xong nó sẽ trả lại thôi mà!”.
Thực tế, cậu bé này chưa từng có bất cứ một thứ gì, tôi còn nghe thấy mẹ của cậu thường khoe rằng: “Con trai nhà chúng tôi, không cần dùng tiền cũng có đồ để chơi”.
Năm 19 tuổi, cậu ta vì ăn cắp đồ nên phải bị đi tù. Lúc cậu ta bị bắt đi, không ai cảm thấy ngạc nhiên.
2. Tôi có quen biết một chú, tiền kiếm được đều không nỡ tiêu xài, chỉ biết tiết kiệm và tiết kiệm. Đồ đạc trong nhà hầu như đều đã cũ nát, con gái của chú từ nhỏ luôn phải mặc lại quần áo của người ta, chú thím cũng chưa bao giờ đi tham dự hôn lễ hoặc những buổi tiệc liên hoan của người khác.
Con gái của chú hiện giờ đang làm giáo viên mầm non, nhưng vẫn mặc những bộ quần áo cũ nát, cũng không mấy khi tham dự hôn lễ của những bạn cùng lớp.
Người khác mời chị ấy đi ăn nhà hàng cao cấp, chị mời lại bữa cơm thịt kho, canh bò viên.
Có một lần, một bạn học phải nhập viện, mọi người cùng nhau góp tiền mua quà đi thăm hỏi, nhưng chị lại không muốn chi tiền, cũng không muốn tham gia.
Sau này, khi những đồng nghiệp có liên hoan ăn uống, đều loại chị khỏi danh sách khách mời. Lúc chị kết hôn, tại nhà hàng đã đặt hơn 10 bàn tiệc, thế nhưng, người đến tham dự chỉ ngồi đủ 2 bàn. Giữa nhà hàng rộng lớn, cảm giác thật đìu hiu vắng lặng, nó giống như cuộc sống của chị vậy.
3. Một người bạn cùng lớp đại học của tôi thời gian gần đây đã ly hôn, nguyên nhân là vì cô ấy không sinh được con trai. Tư tưởng trọng nam khinh nữ của cha mẹ chồng cô ấy, đã vượt qua giới hạn của những người bình thường, luôn cho rằng con trai mới là của mình, con gái là nuôi hộ người khác.
Chính vì cha mẹ chồng của cô ấy luôn bị bạn bè, người thân giễu cợt, lâu dần, ông bố chồng cũng cho rằng không sinh được con trai là mất mắt, là có lỗi với liệt tổ liệt tông.
Lúc đó hai vợ chồng cô bạn này cãi nhau dữ dội, chúng tôi đều tới khuyên giải, chồng của cô bạn khóc sướt mướt nói: “Tuy chúng tôi tình cảm rất tốt, nhưng lại không có con trai, tôi thực sự không có biện pháp nào khác, hơn nữa lại là cháu đích tôn, tôi không muốn khiến cha mẹ phải buồn lòng”.
Tôi nghe nói chồng của cô bạn sau khi tái hôn, lại sinh ra con gái, cuộc sống của hai người không lúc nào được yên ổn. Tôi không biết cha mẹ của anh ta bây giờ hạnh phúc ra sao?
Cha mẹ là người thầy đầu tiên của con cái, chính họ sẽ định hình ra tương lai của những đứa trẻ. Bất luận là cha mẹ dạy con cái điều gì, đối với trẻ đều sẽ trở thành chân lý.
“Mẹ nói không được ăn kẹo”.
“Mẹ nói rằng con trai mà chơi búp bê Barbie là rất xấu hổ”.
“Mẹ nói làm bác sĩ mới có một tiền đồ” …
Những câu “Mẹ nói …“, đã trở thành tiêu chuẩn và căn cứ cho mọi ngôn hành cử chỉ của trẻ. Nhiều người đã bị bó buộc trong cách nghĩ của cha mẹ, cả đời đều không tìm được chính kiến của bản thân mình.
Khi chúng ta trưởng thành, đầu tiên phải học được chính là cách suy nghĩ độc lập. Khi ở cùng người khác, sau khi trải qua những bất đồng trong tư tưởng, sẽ từng bước mà điều chỉnh những cái gọi là “chân lý” ấy.
Giống như chồng của người bạn học của tôi, anh ta cho rằng sinh con gái là rất mất mặt, nhưng anh ta nên tự hỏi mình: “Đây có phải là suy nghĩ của mình hay chỉ là cách nghĩ của cha mẹ?”, “Suy nghĩ này liệu có đúng không?”.
Cố gắng nhảy thoát khỏi cái khung tư tưởng của cha mẹ, dùng suy nghĩ của chính mình để phán đoán vấn đề. Cuộc sống là của riêng bạn, nếu như bạn đã là cha mẹ rồi, nhất định phải cảnh giác, cố gắng hoàn thiện mình, cho con cái một cái nhìn đúng đắn. Không nên nhốt cuộc sống của con cái vào trong cái khung suy nghĩ sai lầm của chính mình.
Tuệ Tâm biên dịch