Bắc Kinh tìm cách trả đũa Hoa Kỳ: Sự ngu ngốc không có giới hạn
Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký thông qua “Dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông” vào cuối tháng 11, chính quyền Bắc Kinh ngày 2/12 đã áp dụng các biện pháp trả đũa như “tạm dừng đơn xin vào Hồng Kông của tàu và máy bay Mỹ”. Tác giả Lý Di đã đăng bài trên Facebook chỉ trích rằng đó là “chế độ độc tài” và “sự ngu ngốc không có giới hạn”.
Hạ viện Mỹ liên tiếp thông qua 2 dự luật, Bắc Kinh liên tiếp lên tiếng phản đối
Theo báo cáo của Freedom Times và New Head Shell, sau khi Hạ viện Mỹ thông qua “Dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông”, đã được Tổng thống Trump ký vào ngày 27/11. Ngày 3/12, Hạ viện Mỹ tiếp tục bỏ phiếu thông qua “Dự luật chính sách nhân quyền của người Duy Ngô Nhĩ” với 407 phiếu ủng hộ và một phiếu chống, kêu gọi trừng phạt các quan chức Trung Quốc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, việc này đã gia tăng thêm áp lực cho chính quyền Bắc Kinh.
Tổng thống Trump – người đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của quyền con người, đã nghe theo nguyện vọng của người dân, tiếp tục lên tiếng trong các vấn đề nhân quyền tại Hồng Kông và Tân Cương, không còn im lặng và trì hoãn.
Chính phủ Bắc Kinh vào ngày 2/12 đã phản công bằng hai biện pháp “tạm dừng đơn xin vào Hồng Kông của tàu và máy bay Mỹ” và “xử phạt các tổ chức phi chính phủ”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh trong một cuộc họp báo thường kỳ cùng ngày cho biết, chính quyền Bắc Kinh đã quyết định tạm thời đình chỉ phê chuẩn cho tàu và máy bay của quân đội Hoa Kỳ neo đậu tại Hồng Kông, đồng thời áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với 5 tổ chức phi chính phủ ở Hồng Kông là: Quỹ ngân sách dân chủ quốc gia nước Mỹ (National Endowment for Democracy), Sở nghiên cứu Cộng hòa quốc tế Mỹ (International Republican Institute), Hiệp hội Dân chủ sự vụ quốc tế Mỹ (National Democratic Institute for International Affairs), Tổ chức theo dõi nhân quyền (Human Rights Watch) và Ngôi nhà Tự do (Freedom House).
Hoa Xuân Oánh chỉ trích Hoa Kỳ rằng không nên can thiệp vào các vấn đề của Hồng Kông, không nên bỏ qua sự phản đối của Trung Quốc và cố tình ký thông qua luật, cho rằng đây là một sự vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và các nguyên tắc cơ bản của quan hệ quốc tế, đồng thời cũng can thiệp nghiêm trọng vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc. Bà nhấn mạnh rằng, trong thời gian tới Trung Quốc sẽ có những hành động cần thiết thuận theo sự biến động của tình hình, nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền và an ninh quốc gia, cũng như sự ổn định và thịnh vượng của Hồng Kông.
Đến ngày 4/12, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại lên tiếng mạnh mẽ về việc Hoa Kỳ thông qua “Luật chính sách nhân quyền của người Duy Ngô Nhĩ”. Trong cuộc họp báo, Hoa Xuân Oánh chỉ trích mạnh mẽ rằng Hoa Kỳ đã không biết xấu hổ khi nói chuyện với Trung Quốc về “lương tri”, đồng thời khẳng định việc thành lập các trại tập trung ở Tân Cương là đúng đắn.
Hoa Xuân Oánh tuyên bố rằng, vấn đề Tân Cương là vấn đề chống ly khai và chống khủng bố, không phải là vấn đề nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, v.v. Kể từ khi thành lập “Trung tâm tiêu trừ cực đoan” và “Trung tâm chuyển đổi giáo dục” ở Tân Cương, thì 3 năm nay đã không xảy ra bạo lực ở đây, và động thái này cũng nhằm hưởng ứng Kế hoạch hành động của Liên hợp quốc về ngăn chặn chủ nghĩa bạo lực cực đoan.
Trang Facebook của “Văn phòng Đặc phái viên của Bộ Ngoại giao Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Đặc khu hành chính Hồng Kông” (facebook.com/MFAofficeHK) trưa ngày 5/12 cũng đăng bài chỉ trích “Trung Quốc mạnh mẽ yêu cầu Hoa Kỳ sửa chữa ngay những sai lầm, ngừng việc thông qua các vấn đề liên quan đến Tân Cương và can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc”, đồng thời nhấn mạnh “Chính sách Tân Cương của chính phủ Trung Quốc nhìn chung được cộng đồng quốc tế đánh giá tích cực”.
Lý Di: Bắc Kinh không có năng lực phản kháng nhưng lại bị người khác quản chế
Tổng biên tập tạp chí “Thập niên 90”, nhà văn lão thành, nhà phê bình thời sự Hồng Kông Lý Di, người mà thời niên thiếu đi theo hướng tả khuynh chủ nghĩa xã hội, sau đó vào năm 1981 đã rời bỏ cánh tả và thường xuyên phê bình chính phủ Bắc Kinh. Vào ngày 4/12 ông đã đăng bài “Nhân sinh đời người: Sự ngu ngốc không có giới hạn” trên Facebook để chỉ trích Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Lý Di trực tiếp chỉ trích “biện pháp đối phó” do chính quyền Bắc Kinh đề xuất chống lại Hoa Kỳ, và trích dẫn về việc bắn tên trong cuốn sách quân sự “Vũ Biên” rằng: “Bắn mà không xuyên được sắt, thì tốt hơn là không bắn, bắn mà không tung được đá thì cũng chỉ uổng công vô ích mà thôi”. Lý Di nói, các biện pháp đối phó của Bắc Kinh “phơi bày sự bất lực, lại là đối tượng bị kẻ khác quản chế”.
Lý Di cho rằng, các biện pháp đối phó do chính quyền Bắc Kinh đề xuất giống như đang trừng phạt Hồng Kông, bởi vì các tàu Hoa Kỳ khi đến Hồng Kông, luôn là để kinh doanh các lĩnh vực quà tặng, hình xăm…, mà cho dù tàu của Hoa Kỳ không neo đậu tại Hồng Kông thì họ có thể tới cảng của Philippines hoặc Đài Loan, ở đó vô cùng chào đón tàu của Hoa Kỳ.
Lý Di tiếp tục truy vấn rằng: “Đối với các lệnh trừng phạt đối với một số tổ chức phi chính phủ của Hoa Kỳ, họ bị xử phạt như thế nào? Ngoài việc không cấp thị thực cho nhân viên của các tổ chức này, thì còn có thể sử dụng biện pháp nào để ngăn chặn các tổ chức này chú ý đến các vấn đề Hồng Kông?”
Lý Di cho rằng, việc Hoa Kỳ ký thông qua luật, đó là một cách thông minh để “không chiến mà thắng”, hơn nữa Hoa Kỳ đã đề xuất một danh sách các biện pháp trừng phạt Hồng Kông. Đối với từng hành động tiếp theo của Mỹ để thực thi luật này sẽ đều khiến cho các quan chức của Đảng Cộng sản Trung Quốc và Hồng Kông lo lắng.
Cuối bài, Lý Di đã trích dẫn câu nói nổi tiếng của Einstein rằng: “Sự khác biệt giữa thiên tài và ngu ngốc là thiên tài biết có giới hạn”, và trớ trêu rằng “vũ trụ và sự ngu ngốc của con người” thì đều không có giới hạn.
Trần Phương Minh: Bắc Kinh không nói về nhân quyền thì cũng không khác gì Hitler
Học giả Trần Phương Minh vào ngày 4/12 cũng đã viết một bài có tựa đề “Hai loại nước lớn khác nhau”, trong đó nói rằng sau khi Tập Cận Bình lên nắm quyền đã “Không ngừng tự xưng là ‘Đại quốc quật khởi’”, nhưng Trần Phương Minh cho rằng “Sự quật khởi như vậy chỉ là nhấn mạnh vào việc kiếm được nhiều tiền”, và điều này “chỉ nói về tiền, không nói về nhân quyền, nên không thể được coi là một nước lớn, mà chỉ có thể nói là một nước mạnh”.
Trần Phương Minh cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của quyền con người và tuyên bố thẳng rằng, chính quyền Bắc Kinh chỉ là “Một nước mạnh không thể chăm lo cho sự an toàn và phúc lợi của người dân”. Ông nói rằng, khi một quốc gia thực sự trỗi dậy, “họ không dựa vào vũ lực, mà dựa vào giá trị văn hóa và nhân quyền”.
Trần Phương Minh còn nói: “Việc đàn áp tàn bạo đối với người Hồng Kông và giám sát tại trại tập trung đối với người Duy Ngô Nhĩ của Bắc Kinh không thể được coi là hành vi của một nước lớn, mà là của một nước chưa được khai hóa, vi phạm nền văn minh nhân loại và không khác gì Hitler”.
Minh Huy (Theo Secretchina)