Bà Kim Tiến sẽ được Quốc hội bỏ phiếu miễn nhiệm chức Bộ trưởng Y tế trong ngày 22/11
Theo dự kiến chương trình tuần làm việc thứ năm, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV, ngày thứ 6 (22/11), ngoài việc tiến hành sửa đổi, bổ sung các bộ luật, Quốc hội sẽ dành thời gian cho công tác nhân sự miễn nhiệm Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tuyến và Chủ nhiệm Uỷ ban pháp luật Nguyễn Khắc Định.
Vào ngày 22/11 tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ trình bày tờ trình đề nghị phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định.
Việc bỏ phiếu kín đối với hai đề nghị miễn nhiệm trên được tiến hành vào buổi chiều, kết quả kiểm phiếu và việc thông qua các nghị quyết về miễn nhiệm sẽ thực hiện ngay sau đó.
Theo đó, sau khi rời ghế Bộ trưởng, bà Kim Tiến sẽ làm Trưởng ban Bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cán bộ trung ương. Đây là vị trí bà Tiến được trao trước khi có thông tin bà sẽ rời ghế Bộ trưởng khi chưa hết khóa.
Được biết, dù việc miễn nhiễm chưa được Quốc hội thông qua, nhưng thực tế hơn một tháng gần đây, bà Kim Tiến không còn quyền điều hành Bộ Y tế. Từ ngày 14/10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam được ông Nguyễn Xuân Phúc giao “lãnh đạo toàn diện mọi hoạt động của Bộ Y tế”. Sau đó, Chính phủ họp, phân trách nhiệm quyền Bộ trưởng Bộ Y tế với ông Đam.
Trong chuyến công tác trước đó hôm 15/10 tại Thái Nguyên, bà Kim Tiến nói với báo giới: ‘Đây có thể là chuyến công tác cuối cùng của tôi trên cương vị bộ trưởng’. Nữ Bộ trưởng duy nhất trong Chính phủ hiện tại nói với Tuổi Trẻ, điều bà thấy “được” nhất trong gần 2 nhiệm kỳ nắm quyền Bộ Y tế là thay đổi thái độ phục vụ của cán bộ y tế đối với bệnh nhân.
Lý do Quốc hội miễn nhiễm chức danh Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đối với ông Nguyễn Khắc định là bởi, trước đó vào ngày 19/10, Bộ Chính trị đã phân công ông làm Bí thư Tỉnh ủy Tỉnh Khánh Hòa.
Việc bầu nhân sự thay thế ông Định sẽ tiến hành vào đầu tuần sau. Trong khi việc phê chuẩn người thay bà Tiến lại không có trong chương trình kỳ họp.
Ngoài nội dung về nhân sự, trong tuần này, Quốc hội dự kiến thông qua một số dự án luật quan trọng như: Bộ luật Lao động (sửa đổi); Luật Thư viện; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
Quốc hội cũng sẽ thảo luận các dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư; Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Thanh niên (sửa đổi); và Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án.
Hà My (t/h)