Ba câu chuyện sâu sắc về giáo dục mà mọi giáo viên đều nên biết
Trong sự nghiệp “trồng người”, giáo viên chính là một nhân tố rất quan trọng. Tâm thái đối với công việc và cách hành xử của người thầy sẽ định hướng ra kết quả của tương lai, ảnh hưởng đến cả một thế hệ.
Câu chuyện của 3 người thợ hồ: Tâm thái quyết định kết quả
Có người hỏi 3 người thợ hồ đang xây tường, rằng: “Các ông đang làm gì thế?”.
Người thứ nhất tức giận nói: “Ông không nhìn thấy ư? Đang xây tường”.
Người thứ hai ôn hòa nhã nhặn nói: “Chúng tôi đang xây một tòa lầu”.
Người thứ ba mặt mày hớn hở nói: “Chúng tôi đang xây dựng một cuộc sống tốt đẹp”.
10 năm trôi qua, người thứ nhất vẫn đang xây tường, là người thợ hồ, người thứ hai đã trở thành một kiến trúc sư, còn người thứ ba đã trở thành ông chủ của hai người này.
Đều cùng là một công việc đơn điệu, lặp lại như nhau, nhưng ba người lại ôm giữ ba loại thái độ khác nhau. Ba loại thái độ khác nhau này đã thúc đẩy thành ba loại kết quả khác nhau, thành tựu ba loại nhân sinh khác nhau.
Trong chức nghiệp của nhà giáo, mỗi ngày đến sớm về muộn, lên lớp, tan trường, soạn giáo án, kiểm tra bài vở, từng ngày từng ngày lặp lại như vậy. Nếu như từ trong tâm không thể cảm nhận được giá trị và ý nghĩa trong quá trình dạy học, không thể cảm nhận được hạnh phúc và niềm vui trong kết quả giáo dục, thế thì cả một đời cũng chỉ là một giáo viên bình thường, không có gây dựng công tích, không có phong cách giảng dạy đặc biệt, không có cảm giác hạnh phúc trong công việc.
Câu chuyện “Anh ấy dựa vào điều gì để được thăng chức”: Dụng tâm thành tựu tương lai
Hai chàng trai trẻ Tom và Jones được điều đến một đơn vị. Hai người năng lực như nhau, lại là bạn thân. Hai năm sau, Tom được thăng chức, trong tâm Jones cảm thấy rất bất bình, liền tìm đến ông chủ phản ánh.
Ông chủ không có giải thích với phản ánh của anh, mà chỉ bảo anh đi làm một việc: “Nhà ăn của đơn vị trưa nay không còn đồ ăn gì cả, cậu hãy đi ra ngoài chợ xem có rau gì có thể nấu không”.
Một lát sau, Jones trở về nói rằng: “Trời lạnh quá, chỉ có một ông lão đang bán khoai tây”.
Ông chủ hỏi: “Bao nhiêu tiền một ký?”.
Jones trả lời: “Tôi không có hỏi”.
Lại đi nữa, trở về nói rằng: “Năm đồng”.
Ông chủ hỏi: “Chỉ ăn khoai tây thì đơn điệu quá, có chút rau ăn kèm mới ổn”.
Thế là, Jones lại đi nữa, trở về nói: “Chỗ ông lão còn có cà chua nữa”.
Ông chủ nói: “Không biết mua nhiều có thể rẻ hơn không?”.
Jone muốn đi lại lần nữa. Ông chủ nói: “Cậu ngồi xuống nghỉ ngơi, uống chút trà. Tôi gọi Tom đến”.
Tom đến, ông chủ cũng đưa ra một vấn đề tương tự như vậy: “Trưa hôm nay, nhà ăn của đơn vị không có rau, cậu hãy đi ra chợ xem thử có rau gì không?”.
Một lát sau, Tom đã trở về, nói với ông chủ rằng: “Trời lạnh quá, chỉ có một ông lão đang bán khoai tây, 5 đồng 1 kg, nếu mua nhiều có thể rẻ hơn bốn năm hào. Trong nhà ông còn có chút cà chua, chúng ta có thể nấu món canh”.
Ông chủ nói: “Vậy hãy đi mua đi”.
Tom nói: “Tôi đã bảo ông ấy theo tôi về đây, đang ngồi đợi ở dưới lầu”.
Để tâm đi làm một công việc, vậy mới có thể thành công. Cái gọi là dụng tâm làm việc, chính là khi làm việc, cho thêm trí huệ, cho thêm dự tính lâu dài đối với công việc, cho thêm từng bước từng bước cân nhắc và kế hoạch đối với công việc.
Chúng ta thường nói, nhà giáo là một công việc lương tâm. Ai có thể trong công tác giáo dục mà cẩn thận cân nhắc ảnh hưởng trong phương cách dạy học của bản thân đối với hôm nay cho đến tương lai của con trẻ, ai có thể trong khóa học thường ngày bồi dưỡng các loại thói quen và năng lực của con trẻ, ai có thể khi đối mặt với rất nhiều trẻ nhỏ lại có thể chân thành che chở cho những tâm hồn bé nhỏ đang trưởng thành, người đó chính là có thể dụng tâm thành tựu học sinh, đồng thời cũng đang thành tựu chính mình!
Câu chuyện một chiếc đinh của móng ngựa sắt: Chi tiết nhỏ quyết định thành bại
Năm 1485, nhà vua Charles III của Anh cùng với bá tước Henry có một trận quyết chiến ở Bosworth. Trước khi quyết chiến, phu ngựa của nhà vua chuẩn bị ngựa cho ông, trong lúc đóng một cái móng ngựa đã thiếu mất một chiếc đinh.
Bởi vì thiếu mất chiếc đinh này, trong lúc hành quân, móng ngựa sắt của con ngựa này đã rơi mất. Trong lúc giao chiến, ngựa chiến bởi vì thiếu mất chiếc móng ngựa sắt này, đã bị kẻ địch quật ngã lăn xuống đất, khiến cho quốc vương bị bắt. Quốc vương Charles III đã thua trong trận chiến này, cũng đã đánh mất giang sơn.
Một vấn đề nhỏ, đã quyết định vận mệnh của con người, vận mệnh của quốc gia. Chi tiết nhỏ quyết định thành bại. Hiện nay vẫn là thời đại dựa vào tính tỉ mỉ quyết định thắng lợi. Trong sự tỉ mỉ ẩn chứa cơ hội to lớn, đối với tính tỉ mỉ cần có yêu cầu đã tốt lại muốn tốt hơn nữa.
Trong giáo dục, chúng ta thường có thể ở trong các chi tiết nhỏ phát hiện ra con đường tư duy mới. Làm tốt các chi tiết nhỏ mới có thể làm tốt cả chỉnh thể. Quan tâm đối với những chi tiết nhỏ thể hiện thái độ làm việc, phương thức hành vi, lý niệm làm người của một người.
Quan tâm đến các chi tiết nhỏ là một tố chất cần có của một nhà giáo ưu tú, chỉ có những giáo viên có tố chất như vậy mới có thể sáng tạo nên những công trạng xuất sắc.
Tiểu Thiện, dịch từ Secretchina