Apple và Amazon thỏa hiệp với Trung Quốc về hoạt động kiểm duyệt
Apple từng thẳng thừng từ chối yêu cầu mở khóa iPhone của tội phạm từ FBI, nhưng trước sức ép của chính quyền Bắc Kinh thì công ty này lại nhanh chóng gỡ bỏ hàng loạt ứng dụng giả lập mạng riêng ảo (VPN) trên App Store Trung Quốc.
Apple vừa tiếp tục có động thái nhượng bộ Trung Quốc khi âm thầm loại bỏ những ứng dụng VPN phổ biến như ExpressVPN, StarVPN… tại quốc gia này. Một số nhà cung cấp đã nhận được thông báo của Apple, với lý do là “nội dung bất hợp pháp”. VPN là những ứng dụng có thể vượt “tường lửa” để vào các trang tin tức nước ngoài và mạng xã hội bị kiểm soát tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, hành động này của Apple khiến một số người băn khoăn việc có hay không gã khổng lồ chịu khuất phục dễ dàng trước hệ thống kiểm duyệt của Trung Quốc. Bởi trong cuộc đối đầu với Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) năm 2016, công ty từng gây sốc vì lập trường táo bạo của mình khi đứng về phía người tiêu dùng, cương quyết không mở khóa iPhone 5C.
Không riêng gì Apple, Amazon cũng đã phải chiều lòng các yêu cầu về kiểm duyệt của Trung Quốc – tờ New York Times cho biết dịch vụ đám mây của nước này đã hướng dẫn khách hàng trong nước dừng sử dụng phần mềm để né tránh các công cụ kiểm duyệt của Trung Quốc.
Dù việc những gã khổng lồ công nghệ Mỹ chấp thuận các yêu cầu từ phía Trung Quốc đã gây nên một làn sóng phản ứng dữ dội, nhưng với phần đông cộng đồng theo dõi các công ty công nghệ Mỹ tại Trung Quốc thì đây không phải điều quá ngạc nhiên. Apple và Amazon đã từ bỏ cái mà họ gọi là “giá trị phương Tây” để có thể được tiếp tục làm ăn trên thị trường đất nước tỷ đân.
Nhập gia tùy tục, các ông lớn công nghệ Mỹ buộc phải chơi theo luật Trung Quốc, và các công ty công nghệ Mỹ đã có một lịch sử tuân thủ chặt chẽ kiểm duyệt nội dung của đất nước này. Thậm chí với Apple, đây không phải lần đầu tiên công ty buộc phải tuân thủ theo luật kiểm duyệt của Trung Quốc. Hồi đầu năm 2017, nhà Táo đã phải gỡ ứng dụng đọc báo New York Times khỏi kho ứng dụng Trung Quốc theo yêu cầu của các nhà chức trách nước này.
Trong buổi công bố doanh thu vừa qua, CEO Apple Tim Cook đã nói trong bài phát biểu trả lời về vấn đề các ứng dụng VPN đột nhiên biến mất trên App Store: “Chúng tôi rõ ràng không hề muốn gỡ bỏ các ứng dụng này. Song nếu muốn việc gia nhập thị trường và phục vụ người dùng diễn ra thuận lợi, chúng ta buộc phải tuân thủ luật pháp của nước sở tại. Dù muốn dù không việc hợp tác với chính phủ vẫn là sự lựa chọn hàng đầu“.
Một số nhà quan sát, như Willy Wo-Lap Lam đến từ Đại học Trung Quốc của Hong Kong, đã mô tả động thái này như “việc đổi chác thương mại – chính trị giữa Apple và Chính phủ Trung Quốc“.
Tuy nhiên, ngay cả khi đã “cúi mình” trước Trung Quốc, táo khuyết vẫn đối mặt với thời kỳ khó khăn ở Trung Quốc. Doanh thu không những đình trệ mà còn giảm xuống khi iPhone mất thị phần trước các đối thủ bản địa, phát triển một phần dựa vào công nghệ mà các công ty Mỹ buộc phải chia sẻ với đối tác liên doanh Trung Quốc.
Apple cũng đang xây một trung tâm dữ liệu ở tỉnh Quý Châu để đáp ứng đạo luật mới ra của Trung Quốc, yêu cầu các công ty nước ngoài đầu tư tại đây phải lưu giữ toàn bộ dữ liệu hoạt động trong lãnh thổ quốc gia này. Đạo luật mới của Trung Quốc còn yêu cầu các dịch vụ điện toán đám mây phải được vận hành bởi các công ty của nước này, do đó nhà Táo hợp tác với công ty quản lý dữ liệu Guizhou-Cloud Big Data Industry Co Ltd (GCBD).
Phạm vi bao phủ rộng của luật pháp Trung Quốc khiến các công ty và chính phủ nước ngoài e ngại. Ngoài việc các công ty nước ngoài phải lưu giữ thông tin trong nước, Trung Quốc còn yêu cầu mọi dữ liệu muốn đưa ra khỏi quốc gia này đều phải đệ trình bản đánh giá. Điều đó làm dấy lên lo ngại Bắc Kinh có thể đánh cắp những bí mật công nghệ và thương mại quan trọng.
Trước đây, Trung Quốc đã không ngại sử dụng các hacker quân đội và những người được nhà nước hỗ trợ để đánh cắp công nghệ vì mục đích thương mại. Nói cách khác, luật an ninh không gian mạng mới của Trung Quốc loại bỏ các rào cản pháp lý với nỗ lực này.
Một lưu ý cay đắng cho các nhà hoạt động mạng tự do là sự im lặng của những gã khổng lồ Mỹ như Amazon, Microsoft và Apple đã tuân thủ yêu cầu của chính quyền Trung Quốc.
Năm 2005, Yahoo đã cung cấp thông tin giúp chính quyền Trung Quốc buộc tội một nhà báo tên Shi Tao. Shi đã đăng một bài nặc danh lên website thuộc quản lý của Mỹ. Theo chính quyền, bài đăng chứa nhiều bí mật quốc gia và Shi đã bị kết án 10 năm tù. Cũng trong năm đó, Microsoft đã phải dừng hoạt động một blog vận động tự do ngôn luận Trung Quốc. Một năm sau, Google đồng ý kiểm duyệt các kết quả tìm kiếm của mình trên đất Trung Quốc.
Năm 2006, cả Yahoo, Microsoft, Google và Cisco đã phải đối mặt với một phiên điều trần trước Quốc hội về sự hợp tác của mình với Trung Quốc. Đại diện Tom Lantos đã nói tại thời điểm: “Tôi không hiểu tại sao các vị lãnh đạo doanh nghiệp của các bạn vẫn ngủ ngon mỗi tối”.
Chơi theo luật của Trung Quốc cũng không lấy gì làm đảm bảo cho thành công của các doanh nghiệp. Trung Quốc là một thị trường rộng lớn và tiềm năng, nhưng đồng thời cũng là một thị trường khó thỏa mãn, ngay cả khi các gã khổng lồ công nghệ sẵn sàng tuân thủ luật kiểm duyệt.
Derek Shen, cựu giám đốc LinkedIn Trung Quốc, gần đây đã xin từ chức vì công ty đạt doanh thu kém tại nước này mặc dù đã ra mắt một phiên bản riêng dành cho thị trường Trung Quốc với mục đích hạn chế tự do bày tỏ. Những người dùng đăng tải nội dung nhạy cảm liên quan đến chính trị sẽ nhận được thông báo rằng nội dung của mình không hiển thị với các thành viên LinkedIn tại Trung Quốc. Năm 2010 Google đã tuyên bố thất bại trong việc bán buôn ở đại lục này, đề cập tới các vấn đề về kiểm duyệt nội dung và an ninh mạng.
Luật kiểm duyệt không phải trở ngại duy nhất cho các nền tảng công nghệ đa quốc gia từ Mỹ, họ còn phải đối đầu với các công ty trong nước cung cấp dịch vụ tương tự. Mảng di động của Apple đã phải vật lộn với một tá các nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc khác điển hình là Huawei và Oppo.
Các nhà phê bình hành động mới đây của Apple cho rằng nhà Táo chiến đấu quyết liệt hơn nữa. “Apple không nên lùi bước. Họ nên dựa vào vị thế của mình trên thị trường như là nhà cung cấp được săn đón nhất, thiết bị di động và sự khó có được“, Mike Butcher viết trên Tech Crunch.
TinhHoa tổng hợp